Xung đột Mỹ-Iran : Xong kịch bản, Washington đang kiếm cớ hành động?

Trong bối cảnh hiện nay, mọi hành động đe dọa các lực lượng Mỹ tại Trung Đông đều có thể được Washington nhìn nhận là hành động của Iran...

Đêm 19/5, một tên lửa Katyusha rơi xuống gần Đại sứ quán Mỹ tại Vùng Xanh, giữa lòng thủ đô Baghdad của Iraq. Cơ quan an ninh Iraq đang điều tra vụ việc để xác định nguồn gốc của vụ phóng tên lửa.

Tuy nhiên, phát ngôn viên của quân đội Iraq nói với truyền thông rằng quả tên lửa có thể đã được bắn từ phía đông Baghdad, nơi có nhiều binh lính Shiite được Iran hậu thuẫn, theo Fox News.

Vụ việc xảy ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Iran và Mỹ. Trước đó, đại sứ quán Mỹ tại Iraq cảnh báo các mối đe dọa tiềm năng sẽ xảy ra đối với lực lượng Mỹ ở Iraq.

Xung dot My-Iran : Xong kich ban, Washington dang kiem co hanh dong?
Tổng thống Trump cảnh báo nghiêm khác với Iran

Từ cảnh báo đó, chính quyền Mỹ đã quyết định rút các nhân viên không làm nhiệm vụ khẩn cấp tại Đại sứ quán Mỹ ở Baghdad và tại Lãnh sự quán Mỹ ở Erbil - thủ phủ Kurdistan - về nước.

Nay thì dường như lời cảnh báo của cơ quan đại diện ngoại giao nhà nước Mỹ ở Iraq đã thành sự thật - kẻ thù đã chính thức thể hiện hành động khiêu khích, thử thách sự kiên nhẫn cửa người Mỹ.

Ngay lập tức, Tổng thống Donald Trump đã đưa ra cảnh báo trên Twitter cá nhân : "Sẽ là một cái chết chính thức đối với Iran, nếu họ muốn chiến đấu. Đừng bao giờ đe dọa Mỹ nữa".

Giới phân tích cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, mọi hành động đe doạ người  Mỹ và các lực lượng Mỹ tại Trung Đông đều có thể được Washington và các đồng minh nhìn nhận là hành động của Iran hay do Tehran đứng sau kích động.

Bởi Mỹ đang rất cần một cái cớ hành động. Điều đó thể hiện rõ qua việc Tổng thống Trump vội vã cảnh báo Tehran, ngay khi quả tên lửa Katyusha rơi xuống gần Đại sứ quán Mỹ ở Baghdad, dù lực lượng an ninh Iraq còn đang điều tra.

Mỹ đã hoàn tất kịch bản?

Sau khi rút Mỹ khỏi Thoả thuận hạt nhân Iran vào tháng 5/2018, chính quyền Tổng thống Trump chính thức bắt tay vào xây dựng kịch bản nhằm sắp đặt một bàn cờ mới tại Iran, theo hướng hoặc Tehran phải nhượng bộ, hoặc Mỹ hành động nóng. 

Ngày 16/8/2018, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết Washington đã thành lập Nhóm Hành động về Iran - một lực lượng phối hợp các biện pháp gia tăng áp lực lên Iran, trong đó có trừng phạt và tẩy chay dầu mỏ quốc gia Hồi giáo này.

Theo ông Pompeo, Nhóm Hành động về Iran sẽ tiếp cận, thuyết phục nhiều quốc gia để có thể thành lập một mặt trận thống nhất tăng áp lực lên Tehran. Mục tiêu là làm sao buộc các nước phải ngưng nhập khẩu mỏ dầu của Iran vào ngày 4/11/2018.

Xung dot My-Iran : Xong kich ban, Washington dang kiem co hanh dong?
Lãnh tụ Tối cao Iran Ali Khamenei tuyên bố Tehran đáp trả mọi hành động của Mỹ

Từ đó buộc Tehran phải nhượng bộ và đối thoại, nếu mục đích không đạt được thì bước tiếp theo của Washington là sẽ đưa ra các biện phát trừng phạt khắc nghiệt nhất với Iran.

Ngoại trưởng Mike Pompeo đã chỉ định Giám đốc Chính sách tại Bộ Ngoại giao Mỹ Brian Hook làm Đại diện đặc biệt của Mỹ về Iran và là người đứng đầu Nhóm Hành động về Iran.

Được biết, trước khi được chỉ định đứng đầu bộ phận chuyên trách về Iran, ông Hook từng dẫn đầu phái đoàn Mỹ trong thương lượng, thuyết phục các đồng minh ủng hộ cách tiếp cận của Washington với Tehran.

Trao đổi với báo giới khi được trao nhiệm vụ mới, ông Brian Hook cho biết : “Mỹ hy vọng sẽ nhận được sự đồng thuận rộng rãi. Chúng tôi đã sẵn sàng áp trừng phạt đối với các chính phủ vẫn tiếp tục giao dịch với Iran”.

Theo ông Hook, trong 12 yêu cầu Mỹ buộc Iran phải thực hiện để có thể đối thoại, có các điều kiện tiên quyết như phải giảm sản xuất tên lửa đạn đạo, rút khỏi Syria, giải giáp lực lượng bán quân sự ở Iraq, chấm dứt ủng hộ du kích Houthi ở Yemen.

Đặc biệt Tehran phải chấm dứt việc tiếp sức cho nhóm chính trị - vũ trang Hezbollah ở Li-băng và không được sở hữu bom hạt nhân, ngừng tất cả các hình thức làm giàu uranium, cho phép Liên Hiệp Quốc thanh sát mọi cơ sở hạt nhân của nước này.

Như vậy là các điều kiện của Washington chủ yếu tập trung làm suy giảm sức mạnh quân sự của Iran, tuy nhiên theo Los Angeles Times thì qua các yêu cầu có thể hiểu Mỹ muốn có dàn lãnh đạo mới ở Iran, cuối cùng là một bàn cờ chính trị mới ở Iran.

Trong chính giới Mỹ, thành phần phản đối Thỏa thuận hạt nhân Iran đã ngay lập tức hoan nghênh chính quyền về việc thành lập Nhóm Hành động về Iran, khi cho rằng điều này là một bước đi có thể tiến tới việc kiềm chế Iran, theo AP.

Xung dot My-Iran : Xong kich ban, Washington dang kiem co hanh dong?
Tàu sân bay Mỹ đã xuất hiện tại Vùng Vịnh

Tuy nhiên, Nhóm Hành động về Iran không tạo được sức ép buộc Tehran nhượng bộ, vì vậy Mỹ đã có nhiều nước đi chống Iran, trong đó đặc biệt là định danh Lực lượng Vệ binh Cộng hoà Hồi giáo Iran là khủng bố và tranh thủ sự ủng hộ của các đồng minh tại Vùng Vịnh.

Ngày 8/4/2019, Tổng thống Trump khẳng định: "Lực lượng Vệ binh Cộng hoà Hồi giáo Iran là công cụ chính của Iran, để Tehran chỉ đạo và thực hiện các chiến dịch khủng bố trên toàn cầu của chính quyền này".

Với việc định danh lực lượng Vệ binh Cộng hoà Hồi giáo Iran là tổ chức khủng bố quốc tế, chính quyền Trump đã đưa xung đột Mỹ-Iran lên một nấc nguy hiểm mới và đốt nóng thêm thùng thuốc súng Trung Đông.

Bởi nó đã biến Iran thành, hoặc là nhà nước khủng bố, hoặc nhà nước ủng hộ khủng bố và khi Tehran phản ứng lại thì xung đột vũ trang khó có thể tránh khỏi. Đây là cơ hội cho Mỹ và đồng minh tụ quân về vùng đất nóng.

Và đúng như vậy, khi ngày 17 và 18/5, tàu sân bay USS Abraham Lincoln và tàu đổ bộ USS Kearsage, phối hợp với Đơn vị Thủy quân lục chiến thứ 22 và Liên đội tàu đổ bộ thứ 6 của Quân đoàn Thủy quân lục chiến Mỹ đã tập trận ở Biển Ả-rập.

PV