Yên Thủy (Hòa Bình): Hệ lụy môi trường từ việc “hạ cốt nền” để bán đất chui?

Văn Mạnh

“Núp bóng” dưới hình thức “cải tạo mặt bằng đất nông nghiệp” của hộ gia đình bà Bùi Thị Ẹm tại xóm Hợp Nhất, xã Bảo Hiệu (huyện Yên Thuỷ, Hoà Bình), một đơn vị tại đây đã vô tư vận chuyển đất đi bán chui kiếm lời gây ra nhiều hệ lụy môi trường nghiêm trọng tại địa phương.

q1-1647678165.png

Khối lượng lớn đất được xe vận tải chở về thị trấn Chi Nê, sau đó rót xuống tàu đi tiêu thụ

Từ nguồn tin phản ánh từ bạn đọc về việc hoạt động khai thác mỏ đất trên địa bàn xã Bảo Hiệu, huyện Yên Thủy (Hòa Bình) có dấu hiệu bị buông lỏng, tác động tiêu cực đến môi trường và lãng phí tài nguyên đất. Quá trình thu thập thông tin thực tế, nhận thấy các phản ánh của người dân là có sơ sở…

Thời gian gần đây, tại địa bàn xóm Hợp Nhất thuộc xã Bảo Hiệu, huyện Yên Thủy (Hòa Bình) diễn ra việc khai thác đất hạ cốt nền rầm rộ; tiếng máy múc, tiếng xe ben chở đất huyên náo, gây kinh động cả một vùng thôn quê suốt ngày đêm.

Xe qua lại tấp nập khiến đất đá vương vãi khắp các nẻo đường, khiến cho mặt đường ngày mưa trơn trượt nhếch nhác; ngày nắng tung bụi mù mịt người dân khi ra đường chỉ còn cách nín thở hoặc chịu khó "hít no" bụi đất!

q22-1647678248.png

Hàng nghìn khối đất được vận chuyển đổ xuống tàu ngày đêm

Qua tìm hiểu, ngày 03/12/2021, UBND tỉnh Hòa Bình cấp Giấy phép số 47/GP-UBND về Khai thác đất san, lấp (Công trình cải tạo mặt bằng đất nông nghiệp tại xóm Hợp Nhất, xã Bảo Hiệu, huyện Yên Thủy) với người đứng tên giấy phép là hộ gia đình bà Bùi Thị Ẹm. Vị trí khai thác thửa đất số 201, bản đồ số 01 tại xóm Hợp Nhất diện tích 10.000m2, thời gian khai thác 09 tháng…

Tại mục 3 điều 2 nêu rõ: “Phối hợp với đơn vị thi công thực hiện khai thác theo phương án đã phê duyệt; khối lượng đất dôi dư được phép khai thác chỉ để phục vụ cho Dự án xây dựng thao trường huấn luyện Trường sĩ quan chính trị tại thị trấn Lương Sơn, huyện Lương Sơn” và mục 7 điều 2 có nội dung: “Thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong quá trình khai thác, cải tạo mặt bằng”.

Tuy nhiên, theo ghi nhận thực tế tại khu vực, dường như việc hạ cốt nền để lấy mặt bằng sản xuất nông nghiệp chỉ là cái cớ để đơn vị tại đây khai thác tài nguyên mang đi tiêu thụ. Hằng ngày, những đoàn xe tại đây nối đuôi nhau vào “ăn” đất, sau đó lần lượt chở đi các ngả đường về hướng đường mòn Hồ Chí Minh, về cảng tại thị trấn Chi Nê (huyện Lạc Thủy) sau đó rót xuống tàu đi tiêu thụ thay vì chở đến phục vụ dự án theo như quy định tại giấy phép.

Bà Bùi Thị Thơm, nhà ở thôn Hợp Nhất cho biết: Từ ngày đơn vị thi công thực hiện khai thác đất và cải tạo mặt bằng, cả khu dân cư như bị kinh động trong ô nhiễm tiếng ồn, khói bụi từ đất đá, từ máy móc cơ giới. Con đường ra vào địa bàn bị xe ben chở đất quần đảo xuống cấp nghiêm trọng, ngày mưa lầy lội như ao bùn, ngày nắng bụi tung mù mịt. Việc này chúng tôi đã nhiều lần có ý kiến lên chính quyền địa phương nhưng vẫn chưa thấy cơ quan chức năng về can thiệp...

“Người dân chúng tôi rất bức xúc trước tình trạng đơn vị thi công tập kết phương tiện, máy móc để múc đất sau đó vận chuyển, bán ra ngoài địa bàn gây nên tình trạng lộn xộn, tác động tiêu cực đến cuộc sống của người dân cũng như ảnh hưởng tới môi trường sống của chúng tôi.

Ngoài ra xe công trình qua lại khi không tải trên đường về công trình “ăn” đất, còn lao bạt mạng, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông cao độ cho người dân địa phương, nhất là học sinh và các cháu nhỏ” - anh Trần Văn Đức người dân thôn Hợp Nhất bức xúc.

q2222-1647678328.png
q3-1647678343.png

Quá trình đeo bám những đoàn xe ben trở đất trên đường đi bán, mặc dù ngồi trong ô tô nhưng chúng tôi cũng hình dung được cảm giác nghẹt thở trên đường do bụi đất mịt mù

Lần theo những chiếc xe chở đất từ xóm Hợp Nhất, chúng tôi chứng kiến những chiếc xe đã đổ đất xuống những con tàu tải trọng lớn chờ sẵn ở bến thuộc địa bàn thi trấn Chi Nê. Quá trình đổ đất được người ở bến ghi chép số lượng chi tiết, đầy đủ…

Với khoảng cách từ vị trí khai thác đến nơi đổ hàng dài hàng chục ki-lô-mét, những chiếc xe ben chở đất mà người dân còn ví von gọi là "trâu đất" thường chở quá tải hàng chục lần cho phép đã góp sức tàn phá không thương tiếc hạ tầng các tuyến giao thông mà nó đi qua.

Để làm rõ vấn đề bảo vệ môi trường, sử dụng bền vững tài nguyên đất đai cũng như chức năng quản lý Nhà nước của chính quyền địa phương, chúng tôi đã liên hệ công tác với UBND xã Bảo Hiệu.

Trao đổi với ông Bùi Văn Hồng, Chủ tịch UBND xã Bảo Hiệu qua điện thoại ngày 15/3 (do dịch COVID-19 không gặp được trực tiếp – PV), ông Hồng cho biết địa phương giám sát rất chặt chẽ đơn vị khai thác, hạ cốt nền tại xóm Hợp Nhất. Khi chúng tôi đề cập vấn đề hệ lụy môi trường và việc tài nguyên đất dôi dư có dấu hiệu “bán chui” ra ngoài, không đúng trong giấy phép hoạt động, ông Hồng cho biết “Xã chỉ giám sát đơn vị thi công tại địa phương, còn việc vận chuyển ra ngoài hay bán đi đâu, và tác động môi trường thế nào địa phương không quản lý…”.

Theo Chủ tịch xã Bảo Hiệu lý giải thì địa phương chỉ giám sát việc thi công đúng vị trí, đúng lộ giới, còn việc quản lý đất bán ở đâu, bán ra ngoài hay không địa phương không biết, và nó thuộc trách nhiệm cơ quan chức năng khác (!)

Thực tế cho thấy, việc cải tạo mặt bằng, hạ cốt nền đất nông nghiệp, khai thác sử dụng đất để san lấp các công trình; lợi dụng cải tạo mặt bằng, hạ cốt nền đất nông nghiệp để khai thác đất trái phép, hoặc sai mục đích cấp phép là vi phạm các quy định của Nhà nước; việc này có thể gây hệ lụy môi trường nghiêm trọng, phá vỡ quy hoạch sử dụng tài nguyên đất ở các địa phương, đồng thời tác động xấu đến hệ sinh thái tự nhiên. Và qua đó cũng cho thấy vai trò quản lý, trách nhiệm quản lý, sâu sát địa bàn trực tiếp của các địa phương tới đâu.

Việc có dấu hiệu lợi dụng dự án khai thác, cải tạo mặt bằng đất nông nghiệp tại xóm Hợp Nhất, xã Bảo Hiệu để bán chui đất ra ngoài, không đúng trong giấy phép cần sớm được các cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình vào cuộc làm rõ. Việc này là cần thiết nhằm ngăn chặn kịp thời việc lợi dụng dự án, lợi dụng giấy phép của cơ quan có thẩm quyền trong cải tạo mặt bằng đất nông nghiệp để bán “chui” đất ra ngoài gây hệ lụy xấu cho môi trường, ảnh hưởng đến hệ sinh thái tự nhiên và gây thất thoát tài nguyên đất để thu lời bất chính.