5 ca mắc nCoV, Vĩnh Phúc quyết tâm chống dịch

(Chinhphu.vn) – Tính đến thời điểm hiện tại, Vĩnh Phúc đang là địa phương có số ca mắc nCov nhiều nhất cả nước, với 5 ca dương tính. 

Nhân viên y tế hướng dẫn người dân đeo khẩu trang và rửa tay sát khuẩn. Ảnh: VGP/Thuý Hà.

Ngày 5/2, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc về công tác phòng chống dịch bệnh tại tỉnh.

Trước khi làm việc với Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Vĩnh Phúc, đoàn công tác đã thị sát thực tế công tác thu dung, giám sát, điều trị, phòng, chống dịch bệnh do nCoV tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc.

Tại đây, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đã thăm hỏi những trường hợp cách ly, theo dõi và hỏi thăm tình hình sức khoẻ của bệnh nhân. Bệnh viện cũng đã bố trí các bàn phát khẩu trang miễn phí và nước rửa tay sát khuẩn, treo pano hướng dẫn thông tin cơ bản về dịch bệnh do nCoV để người dân biết. Thứ trưởng cũng động viên tinh thần, chia sẻ với người dân khắc phục khó khăn, chung sức đồng lòng, kề vai sát cánh cùng chính quyền, phối hợp với các y, bác sĩ trong cách ly và phòng chống dịch bệnh, vì lợi ích của chính bản thân, gia đình và cộng đồng xã hội.

Theo báo cáo của Sở Y tế Vĩnh Phúc, trên địa bàn tỉnh đã và đang giám sát tổng số 138 người, trong đó 120 người tiếp xúc gần, 18 trường hợp được xác định có nguy cơ cao. Tỉnh đã gửi 97 mẫu xét nghiệm, trong đó 15 mẫu âm tính.

Tính đến sáng 5/2, Vĩnh Phúc ghi nhận 5 ca dương tính nCoV, trong đó có 4 ca trở về từ Vũ Hán hôm 17/1, 1 ca là người thân của bệnh nhân dương tính (đang được cách ly, theo dõi tại Trung tâm Y tế huyện Bình Xuyên). 

Trao đổi với phóng viên, BSCKII Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung tương cho biết, sức khoẻ 4 bệnh nhân người Vĩnh Phúc đang điều trị tại bệnh viện này có tiến triển rất tốt, 3 ca bệnh đã hết sốt, còn 1 ca sốt nhẹ. Dự kiến, trong tuần này có thể xuất viện 2 ca, 2 ca còn lại dự kiến sang tuần sau sẽ được xuất viện.

Khu vực cách ly tại BVĐK tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: VGP/Thuý Hà

Vĩnh Phúc lên phương án thành lập bệnh viện dã chiến

Bà Hoàng Thị Thuý Lan, Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Vĩnh Phúc khẳng định sự quyết liệt của lãnh đạo tỉnh đối với dịch nCoV và rất mong Bộ Y tế và các chuyên gia y tế hỗ trợ chuyên môn cho Vĩnh Phúc về giám sát, chẩn đoán, điều trị và trang thiết bị…

Trong số 5 bệnh nhân nCoV tại Vĩnh Phúc, riêng huyện Bình Xuyên có 3 bệnh nhân (2 công nhân và 1 người nhà bệnh nhân), 1 ca ở Tam Đảo và 1 ca ở Tam Dương.

"Chúng tôi xác định Bình Xuyên là tâm điểm của dịch, trong vài ngày tới có thể sẽ có thêm kết quả dương tính, nhưng Vĩnh Phúc không chủ quan đồng thời không hoang mang. Cấp uỷ, chính quyền đã vào cuộc quyết liệt, chủ động", ông Nguyễn Thanh Hải, Giám đốc Sở Y tế Vĩnh Phúc cho biết.

Trong hôm nay (5/2), Vĩnh Phúc sẽ thành lập đội phản ứng nhanh của Bệnh viện Đa khoa tỉnh và hỗ trợ cho Trung tâm Y tế huyện Bình Xuyên, Phòng khám Quang Hà để khi có tình huống cấp bách sẽ điều trị tại chỗ.

Ông Vũ Việt Văn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cũng cho biết, tỉnh này đã tiến hành thống kê danh sách các cơ sở lưu trú theo dõi các trường hợp là người Trung Quốc trên địa bàn tỉnh và giám sát chặt hành khách nhập cảnh từ các nước có dịch, đặc biệt là từ Trung Quốc. Hiện tại, những người trở về từ Vũ Hán (3/7 công nhân Công ty TNHH Nihon Plast Việt Nam, (Bình Xuyên) trở về từ Vũ Hán) mặc dù chưa có biểu hiện bệnh nhưng vẫn đang được cách ly. Tỉnh cũng kiên quyết xử lý đối tượng phát tán thông tin sai về dịch bệnh do nCoV.

Vĩnh Phúc cũng có phương án thành lập bệnh viện dã chiến trên địa bàn tỉnh, đã chuẩn bị phương án tình huống dịch bệnh lan nhanh, phối hợp bệnh viện trên địa bàn tỉnh và Bệnh viện Quân y 109 trên địa bàn.

Giám sát chặt chẽ cộng đồng là quan trọng nhất

PGS.TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, đã 3 lần trực tiếp tới Vĩnh Phúc (từ khi xuất hiện những người trở về từ Vũ Hán đầu tiên) cho biết, ngoài 4 ca từ Vũ Hán về, Vĩnh Phúc đã có 1 ca lây nhiễm cộng đồng cho thấy có dấu hiệu nguồn lây xâm nhập cộng đồng. Vì vậy, cần chuẩn bị khả năng có ca mắc mới trong cộng đồng thời gian tới để chủ động trong xử lý từ tiếp đón, điều trị, dự phòng…, không bị động, bất ngờ.

Cũng theo ông Dương, trong phòng chống dịch do nCoV, nhiệm vụ giám sát chặt chẽ cộng đồng phải đưa lên hàng đầu, y tế cơ sở phải rà soát chặt chẽ, hằng ngày báo cáo lên trên (lên huyện, tỉnh), để quản lý chặt ngay nguồn lây.

"Trong chống dịch, khoanh được nguồn lây cực kỳ quan trọng để chặt đứt nguồn lây", ông Dương khẳng định. Từ đó, phải quản lý người tiếp xúc gần, người liên quan dịch tễ. Ngoài ý thức tự cách ly tại nhà, đồng thời y tế cơ sở chủ động nắm bắt thông tin. Kinh nghiệm từ các ca dương tính nCoV tại Việt Nam cho thấy, khi chỉ cần các trường hợp trong vòng "nghi ngờ", đang cách ly tại nhà, nếu chỉ cần có dấu hiệu uể oải, gai gai người phải buộc đi cách ly, lấy mẫu xét nghiệm ngay.

"Phải coi các trường hợp nghi ngờ là một ca bệnh thật sự, không để xảy ra lây chéo, đặc biệt lây chéo cho nhân viên y tế. Y tế huyện phải cử người xuống cắm chốt, chỉ đạo, theo dõi, giám sát, cùng y tế thôn, xã nắm bắt thông tin, báo cáo ngay cho cấp trên", ông Dương nói.

Phát biểu tại cuộc làm việc, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đánh giá cao những nỗ lực quyết liệt của Vĩnh Phúc trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Thứ trưởng cũng đề nghị bệnh viện cần phân khu cách ly gồm 2 khu: Cách ly điều trị người mắc bệnh và cách ly điều trị người nghi ngờ mắc bệnh. "Các trường hợp này cần phải theo dõi chặt chẽ", Thứ trưởng chỉ đạo

Thứ trưởng cũng chỉ đạo, tỉnh Vĩnh Phúc phải lập được danh sách họ tên, địa chỉ (từ thôn/xóm, số nhà…), số điện thoại các đối tượng theo dõi tại cộng đồng. Yêu cầu đối tượng được cách ly hàng ngày thông tin về y tế cho cơ quan y tế địa phương (ngày 2 lần sáng, chiều) về tình hình sức khoẻ (sốt, ho, tức ngực khó thở). Nếu đối tượng không chủ động thông tin thì cán bộ y tế cơ sở, y tế thôn, bản, hội viên, thành viên ban chỉ đạo phải vào cuộc, trực tiếp xuống tận từng nơi ở của đối tượng lấy thông tin.

Với các khuyến cáo phòng bệnh của Bộ Y tế, đề nghị Ban Chỉ đạo chỉ đạo Đài, báo của tỉnh, cơ sở đề cập những vấn đề cốt lõi trong khuyến cáo của Bộ Y tế đã hướng dẫn, trong đó phải nói cụ thể (các biểu hiện sốt, ho, khó thở), dễ hiểu để người dân dễ nhận biết, thực hiện.

Về điều trị, Thứ trưởng cho biết, từ trong, ngoài phòng khám, khu điều trị của bệnh nhân, theo khuyến cáo của WHO, cố gắng để thông thoáng, cần bố trí khu cách ly điều trị riêng bệnh nhân dương tính, khu riêng cho các ca nghi ngờ, không nên để cùng một tầng.

Thuý Hà