50 năm hay có thể gọi nửa thế kỷ đã trôi qua, tôi vẫn nhớ cái ngày mà tôi và rất nhiều bạn học sinh được cử đi học ở các nước Đông Âu để sau này trở thành nguồn nhân lực trong việc kiến thiết, xây dựng đất nước. Mặc dù đất nước còn muôn vàn khó khăn, công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đang trong giai đoạn quyết liệt, đòi hỏi cần rất nhiều nhân lực, vật lực. Vậy mà Nhà nước vẫn tạo điều kiện cho chúng tôi được đi họp tập ở nước ngoài, đó quả là một niềm vinh dự lớn lao, đòi hỏi mỗi người trong chúng tôi phải phấn đấu, nỗ lực học tập để sau này trở thành người có ích cho Tổ quốc.
Ngày đầu tiên đi học bên Tây: Chuyến đi từ Hà Nội đến Bằng Tường
Năm 1971, chúng tôi tập trung ở trường Kinh tế kế hoạch (KTKH) Hà Nội, nay là trường Kinh tế quốc dân để học chính trị, khám sức khỏe và làm các thủ tục cần thiết cho một Lưu học sinh (LHS) đi học nước ngoài. Trước ngày đi, chúng tôi được bộ Đại học cấp phát trang phục bao gồm 1 bộ com lê, 2 áo sơ mi, 1 đôi dày, các bạn nữ được phát thêm 1 bộ áo dài, tất cả dồn trong 1 chiếc va li mà chúng tôi gọi là va li bác Bửu (khi đó ô. Tạ Quang Bửu đang là Bộ trưởng bộ Đại học), ngoài ra thêm vài thứ trang bị cá nhân do gia đình mua sắm... rất nhẹ nhàng (sau này, khi trở về nước, cũng chiếc vali đó chất đựng một kho hàng khổng lồ nhiều giá trị, xách vẹo lưng đấy!).
Hàng năm, các lưu học sinh được cử đi các nước XHCN ở Đông Âu chủ yếu di chuyển bằng tàu hỏa từ ga Hàng Cỏ lên Đồng Đăng, sau khi làm thủ tục xuất cảnh, tàu tiếp tục chạy đến Bằng Tường - Trung Quốc rồi chuyển qua tàu Liên vận quốc tế (LVQT) của TQ đi tới Bắc kinh, tới Bắc kinh, tuỳ theo tình hình, có thể đi đến Moskva bằng 2 đường: Qua Mông Cổ hoặc qua Mãn Châu lý...
Năm đó, chúng tôi đi theo đường Mãn Châu Lý rồi chuyển qua tàu LVQT của Liên Xô chạy về Moskva. Từ Moskva tuỳ theo quyết định được cử đi học nước nào sẽ đi tới các nước đó bằng tàu liên vận quốc tế...
Hồi đó, trước ngày đi 1 tuần, do hiện tượng La Nina và áp thấp từ phía bắc tràn xuống, toàn miền Bắc bị một trận lụt thế kỷ, mưa suốt ngày đêm từ 12/8/1971 đến 21/8/1971, có nơi lượng mưa lên đến trên 500mm, Hà Nội nước lên trên báo động 3 đến 2,6m, đến mấp mé cầu Long Biên, có người nói ngồi trên cầu có thể thò tay xuống nước được... Để cứu Hà nội, rất nhiều đoạn đê ở phía dưới HN đã được phá, những nơi đê bị phá nước ngập mênh mông, nhiều đồng ruộng, nhà cửa, hoa màu bị thiệt hại nặng nề. Đây được xem là trận lũ lụt lớn nhất trong vòng 250 năm qua ở miền Bắc Việt Nam, là 1 trong 10 những trận lụt tồi tệ nhất được thế giới công nhận ở thời kỳ đó.
Ngày 28/8/1971 là ngày chúng tôi xuất phát, tuy nước sông Hồng có xuống nhưng vẫn không đảm bảo cho tàu đi qua cầu Long Biên, (một cây cầu được hoàn thành năm 1902 do toàn quyền người Pháp Paul Doumer xây dựng, ngày đó trên sông Hồng chỉ có 1 cây cầu vừa dành cho xe lửa, vừa dành cho xe cơ giới, xe thô sơ và người đi bộ. Ngày nay, cây cầu gần 110 tuổi ấy vẫn hàng ngày gánh trên mình xe cộ như ngày xưa, chỉ khác là nhiều nhịp đã không còn những khung sắt do những ngày ác liệt bị bom Mỹ tàn phá, trên 1 vài nhịp vẫn còn những vết đạn và xe tải có tải trọng lớn không được đi qua cầu nữa).
Để đảm bảo thời gian đã hoạch định từ trước, Bộ Đại học phải thuê xe khách chở toàn bộ LHS đi đường bộ, từ trường KTKH qua phà Chèm đến ga Đông Anh để lên tàu. Vì tàu LVQT từ Bằng Tường đến Mãn Châu Lý xuất phát vào buổi trưa, nên tất cả các đoàn của VN khi đi học, công tác nước ngoài bằng đường tàu hỏa đều phải xuất phát vào thời điểm thích hợp để kịp thời gian đến Bằng Tường.
Con tàu chở chúng tôi đi được sơn màu xanh lá cây đậm, là tàu do TQ sản xuất, có những hàng ghế gỗ được xếp ngang tàu, nhìn cũ kĩ, cửa sổ có 2 lớp, lớp ngoài cùng là cửa nhôm có các khe hở để gió có thể lùa vào rồi đến 1 lớp cửa lưới thay thế lớp cửa kính, cửa lưới này dùng để cản gạch đá do những người dưới đất ném lên tàu (sáng tạo của người VN ta) mà quả thật nếu không có cái cửa lưới sắt này thì chúng tôi đã bị đất, đá trúng vào người khi tàu chạy lúc trời tối.
Tôi không nhớ rõ lịch trình khi tàu rời ga Đông Anh lên Lạng sơn như thế nào, chỉ nhớ dọc 2 bên đường tàu nước còn ngập ghê lắm và thỉnh thoảng vẫn còn thấy những hố bom chưa được san lấp...Trên tàu các bạn nam và nữ ngồi riêng, hình như ai cũng đang gậm nhấm nỗi buồn khi phải chia li, ai cũng nhìn xa xăm, như muốn ghi hình ảnh quê hương đất nước vào trí nhớ ...
Đêm xuống, chỉ có leo lét một cái đèn bão được treo giữa toa, hình như hệ thống đèn chiếu sáng trong toa được tháo dỡ hết thì phải? Hay trên tàu không có máy phát điện? các toa tàu đều tối nên cả đoàn tàu giống như một con cuốn chiếu đen xì, lì lợm lao trong đêm tối cùng với tiếng phì phò của đầu máy hơi nước và tiếng bánh xe sắt nghiến ken két trên đường ray.
Có lẽ màn đêm dễ làm cho con người buồn hơn, cô đơn hơn và trái tim yếu đuối hơn nên một góc nào đó trong toa tàu phía các bạn nữ, có những tiếng thổn thức vang lên, cũng chẳng biết tiếng khóc ấy thoát ra từ ai? một người hay nhiều người? Nỗi xa người thân, xa quê hương, xa bạn bè lần đầu tiên, làm sao không thể không thương nhớ cho được? Nhất là trong tàu lại quá tối, có khóc cũng không ai thấy, tiếng sụt sùi làm cho không khí thật buồn, lắng đọng, tiếng thổn thức xen kẽ tiếng kình kịch của bánh xe làm cho ai cũng có cảm giác nặng nề muốn thổn thức theo (giống như bị lây vậy). Thế rồi Nguyễn Ngọc Anh, một người bạn được đi học ở Đức (nhưng lại thích chơi với chúng tôi, đoàn đi Balan-giờ cũng không biết Anh ở đâu? Nghe nói bạn làm ở Tổng Công ty Xi măng VN?) rủ các bạn nam cùng hát những bài hát cách mạng, nhạc xanh, nhạc vàng... tiếng hát tạo nên 1 hào khí vui tươi, lan tỏa đã làm cho các bạn nữ ở đầu toa cũng hào hứng hát đối lại chúng tôi, không khí trong toa bắt đầu sôi động hẳn, những tiếng trêu đùa, hát hò giữa 2 bên đã đánh bay những tiếng sụt sùi, chỉ còn những tiếng hát, cười đùa âm vang theo tiếng kình kịch của bánh xe sắt đang siết xuống đường ray...
Sáng hôm sau 29/8/1971, tàu đến Đồng Đăng, thủ tục hải quan và kiểm tra xuất cảnh cũng vô cùng đơn giản, vì ngày đó đâu ai đã biết đi buôn bán gì, đất nước còn quá nghèo mà...
Sau khi hoàn thành thủ tục xuất cảnh, tàu chạy tiếp 18 km nữa để đến ga Bằng Tường - TQ, ở đây chúng tôi sẽ được chuyển qua tàu LVQT của TQ với trang thiết bị hiện đại...chắc là sướng lắm.
Tổ quốc Việt Nam đã ở phía sau và Trung Quốc đã ở trước mặt, không còn thấy một tí hình bóng gì của bom đạn, chiến tranh, mà chỉ thấy xung quanh ga Bằng Tường la liệt những khẩu hiệu, băng rôn đỏ choét bằng tiếng Trung, đang thời kỳ cách mạng văn hóa mà, một cuộc cách mạng đã làm chết hàng chục triệu người, trong đó có nhiều nhà khoa học, giáo sư, nhà giáo giỏi...