Ẩm thực Việt - Bài 2: Tạo lợi thế phát triển du lịch

Ẩm thực Việt Nam vốn đã được bạn bè quốc tế đánh giá cao, nhiều món ăn được biết đến và vinh danh trên thế giới.


Những món ăn dân dã như bún thịt nướng, chả giò, bánh bột lọc... của Việt Nam luôn cuốn hút du khách nước ngoài. Ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức


Đặc biệt hơn, tại lễ trao Giải thưởng Du lịch quốc tế - World Travel Awards (WTA) 2019 khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Việt Nam lần đầu tiên được thế giới công nhận và ghi danh là “Điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á 2019”. Điều này đã khẳng định định sức hấp dẫn, chỗ đứng vững chãi của ẩm thực Việt trong lòng bạn bè quốc tế, cũng có nghĩa là ẩm thực sẽ góp phần mang lại nhiều cơ hội hơn nữa cho phát triển du lịch Việt Nam trong thời gian tới.

Lần đầu bước lên bục vinh quang

Sự kiện Việt Nam được vinh danh là “Điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á 2019” đã làm nức lòng những người hoạt động trong lĩnh vực ẩm thực, nhất là người đầu bếp trực tiếp nấu ra những món ăn ngon. Bởi lẽ, giải thưởng là sự công nhận giá trị ẩm thực Việt Nam, tôn vinh được tay nghề của đầu bếp – những người góp phần đưa cái hồn cốt của ẩm thực dân tộc đến với bạn bè thế giới.

Chủ tịch Hội Đầu bếp Việt Nam Nguyễn Thường Quân cho rằng, với giải thưởng này, những người đầu bếp thấy phải có trách nhiệm lớn hơn để xứng đáng với danh hiệu được tôn vinh. Ẩm thực Việt Nam sẽ không chỉ đơn thuần chỉ là ngon mà phải hướng tới kỹ thuật, kỹ năng, dinh dưỡng, thẩm mỹ để đáp ứng được nhu cầu phong phú, đa dạng của khách du lịch. Có như thế ,Việt Nam mới có thể phát huy hết hiệu quả từ giải thưởng, đóng góp tích cực vào sự phát triển của ngành Du lịch nước nhà.

Có ý kiến cho rằng, ẩm thực Việt Nam đã được bạn bè quốc tế biết đến từ rất lâu. Nhiều món ăn ngon được quốc tế vinh danh, thậm chí vào cả bộ từ điển Oxford lừng danh thế giới nhưng đến nay mới được chính thức vinh danh. Liệu điều này có là muộn màng với ẩm thực Việt?

Về vấn đề này, ông Nguyễn Thường Quân chia sẻ, cần nhìn nhận ẩm thực từ nhiều phương diện. Ẩm thực của Việt Nam ngon, nhưng không ai có thể khẳng định là ngon nhất. Ăn uống trên thế giới theo rất nhiều trào lưu như kiểu cổ điển châu Âu, ăn kiểu Mỹ, ẩm thực Trung Hoa, Thái Lan... Ẩm thực Việt Nam chỉ là một trong số những nền ẩm thực đang phát triển, từng bước khẳng định mình.

Theo ông Nguyễn Thường Quân, Giải thưởng “Điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á 2019” đến không muộn. Bởi giải thưởng là sự công nhận quá trình phấn đấu của ẩm thực Việt Nam, cho thấy việc bước lên bục vinh quang cũng không hề dễ dàng. Ẩm thực thường gắn với văn hóa, mỗi món ăn đều gắn với đặc trưng của từng vùng miền với những câu chuyện cụ thể. Những nét văn hóa đó làm cho những người trải nghiệm ẩm thực Việt Nam ấn tượng, ghi nhớ sâu sắc, đó chính là sự nhận diện tốt nhất với ẩm thực nước nhà.

Trên thế giới, nhắc đến ẩm thực Hàn Quốc, người ta nói ngay đến món kim chi, đến Italy là nhắc đến pizza hay mỳ pasta. Ẩm thực Pháp là phải nhắc đến các loại phomat và rượu vang. Trong khi đó, ẩm thực Trung Hoa  được biết đến với các món chế biến cầu kỳ, hương vị tinh tế với nhiều trường phái ẩm thực. Còn Việt Nam nói đến ẩm thực, thực khách nghĩ ngay đến món phở, nem, bún chả, bánh xèo, nem cuốn, bún bò Huế, cơm tấm, bánh mỳ…

Chủ tịch Hội Đầu bếp Việt Nam Nguyễn Thường Quân cho rằng cấu trúc món ăn Việt Nam thú vị, nhiều rau, tươi, rất ngon, dễ làm, phổ biến, lành mạnh. Về mặt dinh dưỡng, món ăn Việt Nam tổng hòa giữa chất béo, vitamin, chất xơ, chất bột, khoáng chất. Có thể nói rằng, đồ ăn Việt thanh, tinh, nhẹ, tốt, dinh dưỡng và tốt cho sức khỏe. Đó chính là điều mà thực khách quốc tế ấn tượng và nhớ đến khi thưởng thức các món ăn Việt.

Nâng tầm ẩm thực Việt

Có thể tự hào nói rằng không phải ngẫu nhiên mà bạn bè quốc tế đều khen ngợi các món ăn Việt Nam rất ngon, hấp dẫn. Những gian hàng ẩm thực Việt Nam trong các Festival quảng bá du lịch, văn hóa ẩm thực ở nước ngoài luôn thu hút đông đảo người bản xứ và quốc tế đến tìm hiểu, thưởng thức.

Trang du lịch của CNN cũng nhiều lần vinh danh ẩm thực Việt với những món ăn nổi tiếng và hấp dẫn khách quốc tế nhất, trong đó có vô số món ăn đường phố ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam. Tờ The Guardian của Anh quốc đã bình chọn Hà Nội là một trong 20 địa điểm có tour ẩm thực tốt nhất thế giới. Nhiều kênh truyền hình và tạp chí ẩm thực thế giới đã làm các phóng sự về ẩm thực Việt Nam như Tạp chí Food and Wine, Kênh Truyền hình CNN, Kênh NAT GEO Adventure… Ẩm thực Việt Nam đã từng được nhiều nhân vật, chuyên gia ẩm thực, hãng truyền thông nổi tiếng thế giới đánh giá cao. Đây thực sự là sự quảng bá thuyết phục nhất cho ẩm thực Việt Nam.

Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình chia sẻ, du lịch có được sức cạnh tranh là nhờ sản phẩm du lịch. Nếu sản phẩm hấp dẫn sẽ góp phần rất tốt vào sự phát triển du lịch, trong đó có du lịch ẩm thực. Ẩm thực Việt Nam hấp dẫn, độc đáo, đang được thế giới quan tâm. Nhiều món ngon của Việt Nam đã làm say mê bao nhiêu du khách quốc tế và lan tỏa ra khắp thế giới.

Điều này cho thấy, ẩm thực Việt hoàn toàn có thể trở thành sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt. Lần đầu tiên, Việt Nam được tôn vinh là “Điểm đến du lịch ẩm thực hàng đầu châu Á 2019” là điều đáng tự hào nhưng để phát triển du lịch ẩm thực cần phải có nhiều sản phẩm hấp dẫn hơn nữa. Những người làm du lịch cần đầu tư nhiều hơn cho sản phẩm này, cổ vũ cho đội ngũ đầu bếp tập trung nghiên cứu, sáng tạo các món ăn mang dấu ấn riêng của du lịch Việt Nam.

Chủ tịch Hội Đầu bếp Việt Nam Nguyễn Thường Quân cũng cho rằng, hiện tại, những người đầu bếp Việt Nam đang có sự kế thừa tinh hoa ẩm thực Việt. Tuy nhiên, không thể chỉ dừng ở chỗ khai thác những tinh hoa ấy mà cần có sự phát huy thành các giá trị mới, không nên chỉ định hình với hệ thống món đã quen thuộc mà phải nâng tầm lên khi món ăn ở những bàn tiệc thế giới.

Khi ăn pizza là chỉ ăn pizza, còn mỳ Italy chỉ là mỳ, nhưng với ẩm thực Việt Nam, một bữa ít nhất phải có 3 món trở lên, còn cỗ, tiệc sẽ nhiều món hơn nữa. Nhiều vậy nhưng ăn món gì trước, sau, nước chấm thế nào… đều gắn với yếu tố văn hóa, mỗi vùng miền lại khác nhau. Có thể thấy rằng, ẩm thực Việt có tính cạnh tranh cao hơn so với các nước khác ở Đông Nam Á chính là ở tính văn hóa, hấp dẫn về mặt câu chuyện liên quan. Vì vậy, những nét đặc trưng cho văn hóa Việt Nam, người trong cuộc phải chú ý khai thác, làm cho hấp dẫn khi đem ẩm thực Việt Nam ra thế giới để tạo nên lợi thế cho ẩm thực nước nhà.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Thường Quân cũng cho rằng, du lịch ẩm thực Việt mới chỉ được phát huy khá tốt ở một số địa phương như Hà Nội, Hội An, Thành phố Hồ Chí Minh... Nhiều địa phương khác giàu tiềm năng nhưng gặp khó khăn khi muốn phát triển du lịch ẩm thực. Ví dụ như, vùng đất Tây Bắc giàu có về nguyên liệu nhưng thực sự chưa tạo ra sự khác biệt, đặc trưng riêng trong từng món ăn. Nếu đi tour một vòng qua các tỉnh Tây Bắc, du khách đều được ăn các món na ná nha như cá suối, rau tầm bóp, gà, lợn bản... Đây là những món rất ngon nhưng đều có cách chế biến tương đối giống nhau. Nếu đi đâu cũng ăn như thế, chỉ 1-2 ngày khách sẽ không thấy hấp dẫn nữa.

Thực tế cho thấy vẫn còn nhiều hướng dẫn viên đưa khách đến những nhà hàng, điểm thưởng thức ẩm thực không đạt chuẩn như chật hẹp, nóng bức, thiếu vệ sinh, chưa thực sự đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm… cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh du lịch cũng như ẩm thực Việt Nam.

Bài cuối: Xây dựng kinh đô ẩm thực Việt Nam