Bộ tranh kính đầu tiên về Chủ tịch Hồ Chí Minh: Khi nghệ thuật kể chuyện lịch sử

Gia Hiển

Lần đầu tiên tại Việt Nam, một bộ tranh kính nghệ thuật tái hiện hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được hoàn thành và trưng bày trước công chúng. Không chỉ là một công trình mỹ thuật công phu, bộ tranh còn là sự kết tinh của lòng kính trọng, niềm tự hào và tình cảm sâu sắc mà thế hệ hôm nay gửi gắm đến vị Cha già dân tộc.

Nhân kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2025), một tác phẩm nghệ thuật đặc biệt đã chính thức được giới thiệu tới công chúng tại Hà Nội: bức tranh kính chân dung Bác Hồ, được ghép từ 1.944 tấm ảnh hoa sen – loài hoa biểu tượng cho tinh thần và cốt cách dân tộc Việt Nam.

Tác phẩm có tên gọi “Thăng Long Kỳ Ảnh Vạn Sen”, được thực hiện trên chất liệu kính cường lực dày 2cm, với chiều rộng 1,70m x chiều dài 2,50m. Toàn bộ bức tranh là sự kết hợp hài hòa giữa nghệ thuật nhiếp ảnh, công nghệ số và kỹ thuật ghép tranh kính truyền thống. 1.944 bức ảnh hoa sen được thu thập từ khắp mọi miền đất nước, chọn lọc và sắp xếp công phu để tái hiện hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tư thế ung dung, hiền từ, gắn với vẻ đẹp thanh cao và tinh thần dân tộc.

Tác phẩm là kết quả sáng tạo của nhà báo Vương Xuân Nguyên - Tổng Thư ký Tòa soạn Tạp chí Khoa học Phát triển Nông thôn, Trưởng Ban Chuyên đề Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển, người lên ý tưởng và chỉ đạo nghệ thuật cho dự án. Anh chia sẻ: “Chúng tôi muốn tạo ra một công trình không chỉ mang tính nghệ thuật mà còn thể hiện lòng biết ơn và tình cảm sâu sắc của nhân dân đối với Bác Hồ. Việc sử dụng hoa sen – biểu tượng văn hóa truyền thống – để tái hiện chân dung Bác là cách để truyền cảm hứng yêu nước tới thế hệ trẻ.”

Phần chế tác và thi công kỹ thuật được thực hiện bởi nghệ nhân Phạm Hồng Vinh – người có nhiều năm gắn bó với nghệ thuật ghép tranh kính. Theo ông Vinh, quá trình tạo tác đòi hỏi sự tỉ mỉ tuyệt đối: từng ảnh sen phải được xử lý số hóa, in bằng công nghệ đặc biệt lên mặt kính, sau đó ép nhiệt và ghép từng mảnh một cách chính xác để tạo nên tổng thể bức chân dung sống động, truyền cảm.

Viện Kinh tế Văn hoá và Nghệ thuật với tranh kính chân dung Bác Hồ ghép từ hoa sen

Không chỉ là một công trình mỹ thuật, “Thăng Long Kỳ Ảnh Vạn Sen” còn là thông điệp văn hóa sâu sắc, thể hiện sự hòa quyện giữa truyền thống và hiện đại, giữa tình cảm cá nhân và ký ức tập thể về Bác Hồ. Bức tranh cũng mang giá trị giáo dục cao, đặc biệt đối với thế hệ trẻ khi tiếp cận hình ảnh vị lãnh tụ qua một hình thức nghệ thuật mới lạ, gần gũi và đầy tính biểu tượng.

Sau khi được trưng bày tại Lễ hội Sen Hà Nội năm 2024, bức tranh sẽ được trao tặng Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch để phục vụ nhân dân và du khách quốc tế tham quan, học tập. Lễ hội Sen Hà Nội không chỉ là dịp để tôn vinh hoa sen, mà còn là cơ hội để người dân và du khách tưởng nhớ và tỏ lòng kính yêu Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời khẳng định những giá trị văn hóa bền vững của dân tộc Việt Nam.

Bức tranh kính chân dung Bác Hồ ghép từ hoa sen đầy ấn tượng nêu trên đã được Nhà thư pháp Lê Thiên Lý đặt tên là "Thăng Long Kỳ Ảnh Vạn Sen" gắn với câu đối: Mười vạn đóa sen nên ảnh Bác, dân Nam trăm triệu nhớ ơn Người.

Một ca khúc về hoa sen cũng được sáng tác trong dịp này với tựa đề "Tình Sen" (nhạc: NSƯT Hương Giang, thơ: nhà báo Vương Xuân Nguyên) đã được kết hợp vào tác phẩm để tôn vinh vẻ đẹp vĩnh cửu của hoa sen và ngợi ca sự nghiệp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với dân tộc Việt Nam, cũng như nhân loại tiến bộ trên toàn thế giới.