Anh hùng, Võ sư Hoàng Vĩnh Giang sinh năm 1946, là con trai của cố giáo sư Hoàng Minh Giám - trí thức tiêu biểu, từng giữ nhiều trọng trách của nhà nước sau Cách mạng Tháng Tám. Ông là cháu ngoại của đại thần nhà Nguyễn Cao Xuân Dục. Gia tộc của ông có truyền thống nhiều đời đỗ khoa bảng, giữ chức vụ cao và đã có đến hai Thượng thư Bộ lễ.
Ông có tố chất đặc biệt với thể thao, từng vô địch nhảy cao, chơi bóng rổ và học võ, từ boxing tới các môn võ cổ truyền. Ông từng mở lớp dạy Vịnh Xuân Quyền từ những năm 1970 ở Liên Xô (cùng thời với Lý Tiểu Long) và được biết đến là một võ sư có tên tuổi trong làng võ cổ truyền Việt Nam, từng được mệnh danh là "Lý Tiểu Long của Việt Nam".
Nhớ cách đây 3 năm trong một cuộc phỏng vấn, Võ sư Hoàng Vĩnh Giang chia sẻ về cơ duyên ông đến với thể thao và võ thuật. Theo đó, ông được học võ từ nhỏ nhưng tập rất là nhiều môn võ một lúc. Khởi đầu bằng quyền anh boxing tiếp đó thì tập một số võ cổ truyền Việt Nam. Sau đấy thì thông qua một số tư liệu, tài liệu từ miền Nam đưa ra miền Bắc thì nghiên cứu thêm về các thuyết âm dương, rồi thì tập một số phương pháp luyện tập nội công. Với những tài liệu ấy quả thực là quý giá vô cùng vì lúc đó ngoài Bắc rất là hiếm những sách như vậy. Sau đó ông có cơ duyên được gặp hai thầy môn phái Vịnh Xuân là thầy Nguyễn Xuân Thi và thầy Trần Thúc Tiển được chính tôn sư Tế Công chỉ dạy. Hai thầy đã giúp đỡ ông rất nhiều trong sự nghiệp của ông sau này. Từ những năm 1954, sư phụ của ông đã đi trong Nam ngoài Bắc để tìm hiểu về nhiều loại võ học. Không chỉ là một người giỏi võ, người thầy đáng kính của ông còn chữa bệnh giúp cho những người ốm đau trở lại khỏe mạnh. Ông hết sức khâm phục thầy và luôn coi thầy là tấm gương để mình học tập và noi theo.
Với nền thể thao hiện đại Việt Nam, Võ sư Hoàng Vĩnh Giang chính là kiến trúc sư trưởng cho kế hoạch "đi tắt, đón đầu" của thể thao Việt Nam, tập trung đào tạo một số môn mũi nhọn như wushu, điền kinh, taekwondo, judo, vật, boxing, đấu kiếm...để giành thành tích cao ở đấu trường SEA Games, từ kỳ đại hội 22.
Nhờ việc sử dụng thành thạo ba ngoại ngữ là tiếng Nga, tiếng Trung và tiếng Anh, nên ông có quan hệ tốt với nhiều yếu nhân của thể thao quốc tế, tránh được cảnh bị xử ép khi thi đấu. Mặt khác, nhờ mối quan hệ cá nhân ông mời các chuyên gia thể thao Trung Quốc và các nước XHCN (cũ) ở Đông Âu đến tham gia tập huấn cho các VĐV thành tích cao. Tranh thủ điều kiện để nâng cao trình độ cho đội ngũ HLV thể thao Hà Nội. Mặt khác, ông tìm cách gửi các VĐV Hà Nội sang Trung Quốc và các nước khác để “ba cùng” với các VĐV chủ nhà, học hỏi kinh nghiệm của bạn, tranh thủ tập luyện với điều kiện trang thiết bị hiện đại, để các VĐV có điều kiện để hưởng các điều kiện y tế, dinh dưỡng thể thao tại các quốc gia phát triển. Ông chính là người đã đưa các HLV nổi tiếng Phan Hán Quang, Trần Húc Hồng, Ngô Thanh Vỹ, Lư Kiến Thành, Giả Quảng Thác, Suhartono, K. Pizma hay N. Alexev… đến với Việt Nam. Đây chính là một lợi thế giúp nền thể thao Việt Nam sớm hội nhập nhanh với khu vực và thế giới.
Ông cũng từng nhiều lần làm Trưởng đoàn thể thao Việt Nam dự các sự kiện thể thao quốc tế mang nhiều vinh quang về cho nước nhà, nhất là các môn võ thuật. Ông cũng là nhân vật được quốc tế kính trọng, từng được bầu làm phó Chủ tịch Ủy ban Olympic châu Á, Tổng thư ký Ủy ban Olympic Việt Nam. Và nhiều năm, ông nắm giữ chức Chủ tịch Liên đoàn Võ thuật Cổ truyền Việt Nam. Ngoài ra ông còn đảm nhận cương vị giữ cương vị Phó chủ tịch Hội Hữu nghị Việt - Trung, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt - Trung Hà Nội. Ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động năm 2006.
Ông được bạn bè đồng nghiệp nể trọng, lớp lớp vận động viên đỉnh cao của Việt Nam yêu quý. Đặc biệt, trong giới võ thuật Việt Nam ông là một trong những cây đại thụ được tôn kính. Võ sư Đinh Trọng Thủy, Trưởng môn phái Vịnh Xuân Kungfu Thăng Long chia sẻ: "Võ sư, Anh hùng Hoàng Vĩnh Giang là người có công rất lớn trong việc khôi phục và phát triển võ thuật Việt Nam, Với đồng nghiệp, môn sinh và giới võ lâm, ông được biết đến là người chính trực, công tâm, tầm, trí, văn võ song toàn. Sự ra đi đột ngột của một cây đại thụ trong làng võ thuật Việt Nam như ông sẽ để lại một khoảng trống khó có thể bù đắp được".
Đời thường, Anh hùng, Võ sư Hoàng Vĩnh Giang là người thân thiện cởi mở, luôn sẵn sàng trao đổi với các đồng nghiệp, VĐV, báo chí. Ông còn là một người yêu ca hát với giọng nam trung ấm áp, thuộc nhiều bài hát Việt Nam và quốc tế. Nhiều người bạn gần gũi thân thiết với ông đã nhận xét: "Hoàng Vĩnh Giang không chỉ là một huyền thoại của thể thao Việt Nam, ông còn là điển hình của mẫu những người đàn ông hào hoa, phong nhã của đất Hà Nội. Giọng hát Hoàng Vĩnh Giang luôn được Hội lưu học sinh Liên Xô (cũ) nhắc đến trong các lần tụ họp. Bằng giọng nam trung ấm áp có thể hát hàng trăm ca khúc tiếng Nga, Trung Quốc hay Indonesia nhưng ông vẫn hát nhiều nhất những giai điệu bài hát Nga...".