Ảnh minh họa |
Kênh SBS của Australia cho biết, các nhà khoa học thuộc Viện nghiên cứu về lây nhiễm và miễn dịch Peter Doherty của Melbourne đã phát triển thành công một phiên bản của virus corona trong phòng thí nghiệm. Khám phá này là nền tảng quan trọng để tiến hành thử nghiệm nhằm xác định những người có thể nhiễm bệnh ngay cả trước khi họ có triệu chứng bệnh.
Đây là thí nghiệm khoa học đầu tiên trên thế giới bên ngoài Trung Quốc tái tạo được virus corona. Việc này cũng giúp đẩy nhanh nghiên cứu tạo ra vaccine phòng bệnh.
Các nhà nghiên cứu tại Viện khẳng định sẽ chia sẻ mẫu virus với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các phòng thí nghiệm trên toàn cầu.
Trước đó, Trung Quốc cũng đã thành công trong việc phân tích chuỗi gene virus corona mới, song lại từ chối chia sẻ với các phòng thí nghiệm trên thế giới.
Người đứng đầu nghiên cứu, ông Julian Druce, nhấn mạnh với việc có được mẫu virus 209-nCoV thực sự, giờ đây các nhà nghiên cứu sẽ có thể xác nhận và kiểm chứng lại toàn bộ các phương pháp xét nghiệm, đồng thời so sánh độ nhạy bén và các đặc điểm của chúng.
Theo Phó Giám đốc Viện nghiên cứu về lây nhiễm và miễn dịch Peter Doherty, ông Mike Catton, virus corona dù gây chết người nhưng mức độ nguy hiểm không bằng virus Ebola. Thêm vào đó, tỉ lệ tử vong khi mắc Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) là 10%, còn “virus Vũ Hán” dường như “thấp hơn 3%”.
Hiện tại, ở Australia, những bệnh nhân có triệu chứng nhiễm virus corona ban đầu trải qua xét nghiệm tại bệnh viện rồi gửi các mẫu thử đến Viện Peter Doherty. Đây là phòng thí nghiệm duy nhất ở Australia có thể kiểm tra mẫu thử lần thứ 2 và trả lời chắc chắn liệu ai đó có bị mắc bệnh hay không.
Hiện các nhà khoa học Trung Quốc và Mỹ cũng đang chạy đua để phát triển vaccine chống lại loại virus gây chết người mới này.
BT