Chồn sương được cho là có hệ thống hô hấp tương tự như con người, phù hợp cho việc thử nghiệm vaccine.
Hai con chồn sương sẽ được tiêm vaccine và giữ trong 4 tuần để hệ miễn dịch của chúng phát triển. Sau đó, chúng sẽ được tiêm một liều virus SARS-CoV-2 và bắt đầu tiến hành theo dõi các phản ứng cơ thể.
Tiến trình thử nghiệm dự kiến kéo dài trong khoảng thời gian 3 tháng tại cơ sở thiết lập an toàn sinh học mức độ cao ở Geelong.
Thử nghiệm trước mắt chỉ sử dụng đối tượng là động vật để kiểm tra xem liệu loại vaccine tiềm năng do Đại học Oxford (Anh) và Hãng Dược phẩm Inovio (Mỹ) sáng chế có an toàn và hiệu quả hay không.
Trong một diễn biến liên quan khác, hãng dược phẩm sinh học AnGes Inc. của Nhật Bản và Đại học Osaka vừa nộp đơn xin cấp bằng sáng chế cho vaccine phòng ngừa bệnh COVID-19 mà 2 bên đã hợp tác phát triển và bào chế.
Cụ thể, các chuyên gia của 2 bên đã nghiên cứu sử dụng một virus bị khử hoạt tính để bào chế vaccine DNA. Theo AnGes Inc., phương pháp này có thể giúp sản xuất vaccine phòng ngừa SARS-CoV-2 nhanh hơn so với sử dụng protein.
Hôm 31/3, AnGes Inc. thông báo đã hoàn tất quá trình bào chế loại vaccine trên. Hiện các nhà khoa học của AnGes Inc. và Đại học Osaka đang thử nghiệm các hợp chất vaccine này trên động vật.
Trong khi đó, Reuters đưa tin, ngày 1/4, British American Tobacco (BAT) - nhà sản xuất của 2 thương hiệu thuốc lá Dunhill và Lucky Strike- tuyên bố chi nhánh công nghệ sinh học của Tập đoàn này ở Mỹ đang nghiên cứu một loại vaccine tiềm năng chống virus SARS-CoV-2, sử dụng các protein được chiết xuất từ lá cây thuốc lá.
Theo BAT, Kentucky BioProcessing (KBP), đơn vị phát triển loại vaccine trên, có thể sản xuất từ 1-3 triệu liều/tuần kể từ tháng 6 với sự hỗ trợ từ các cơ quan chính phủ và các nhà sản xuất phù hợp.
Vaccine mới đang được tiến hành thử nghiệm tiền lâm sàng, sử dụng một bộ phận sao chép trong chuỗi gene của virus SARS-CoV-2 để tạo ra một kháng nguyên và sau đó được cấy vào cây thuốc lá để sản sinh thêm.
Khi thu hoạch, các kháng nguyên này- là những chất kích thích phản ứng miễn dịch trong cơ thể- sẽ được chiết xuất, tinh chế và cấy vào cơ thể để chống virus.
Cũng theo BAT, công thức mà KBP đang phát triển có sự ổn định ở nhiệt độ phòng, không giống như những loại vaccine hiện nay vốn thường đòi hỏi môi trường lạnh.
BAT cho hay, tập đoàn này sẽ hợp tác với Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) trong những bước tiếp theo và cũng phối hợp với các cơ quan y tế của Anh để đưa loại vaccine vừa đề cập vào các nghiên cứu lâm sàng một cách sớm nhất có thể.
40 quốc gia nhận thiết bị chẩn đoán nhanh từ IAEA
Theo Sputnik, ngày 1/4, bộ phận truyền thông của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) thông báo cơ quan này sẽ gửi cho hơn 40 quốc gia lô thiết bị đầu tiên giúp chẩn đoán nhanh virus SARS-CoV-2 trị giá khoảng 4 triệu euro.
IAEA cho biết đã nhận được yêu cầu từ khoảng 90 quốc gia thành viên trên toàn thế giới đề nghị giúp đỡ trong việc kiểm soát sự gia tăng số lượng người nhiễm bệnh.
Tổng Giám đốc IAEA Rafael Mariano Grossi nói: “Nhân viên IAEA sẽ nỗ lực hết sức mình để bảo đảm rằng thiết bị quan trọng này được giao nhanh nhất có thể đến nơi cần thiết nhất. Việc cung cấp hỗ trợ này là ưu tiên tuyệt đối của chúng tôi”.
Cùng với thiết bị và dụng cụ chẩn đoán, các quốc gia sẽ nhận được thuốc thử và vật tư tăng tốc quá trình xét nghiệm cũng như thiết bị bảo vệ cá nhân và phòng thí nghiệm để phân tích an toàn các mẫu được lấy.
Lô đầu tiên sẽ được đưa đến hàng chục phòng thí nghiệm ở châu Phi, châu Á, châu Âu, châu Mỹ Latinh và Carribean. Việc cung cấp các lô tiếp theo dự kiến sẽ diễn ra trong vài tuần tới.
Thông báo cho biết IAEA dựa vào các nguồn lực của chính mình cũng như tài trợ bổ sung để cung cấp hỗ trợ này trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát.
Vũ Phong (tổng hợp)