Bà cố

Bà cố là cô của ông nội nhưng vì bà không chồng, không con nên bà ở nhà ông, cho đến khi ông mất đi bà vẫn ở cùng bà nội. Bà cố bị hen suyễn rất nặng nhưng lại ghiền thuốc lá. Để có tiền mua thuốc rê, hằng ngày bà cố đi hái rau má. Mỗi trưa nắng đi ngang mấy đám mía mà nghe tiếng rên hừ hừ là biết bà cố đang hái rau trong đó.

chuy-lg-q2x-1631583441.jpg

Bà nội cưới vợ cho chú sáu, đám cưới to, nhiều khách ồn ào, bà than mệt nên xuống nhà người con trai thứ ba của bà nội ở vài hôm (Có lẽ bà cũng thương cô cháu dâu này vì thỉnh thoảng cô vẫn mua cho bà hộp thuốc suyễn hay bánh thuốc rê hiệu Gò Vấp). Bà ở mấy ngày rồi sau đó ở luôn vì hai vợ chồng đi làm suốt bỏ hai đứa con không ai trông coi, nhà cửa thênh thang không ai dọn dẹp rồi còn gà, còn chó...

Từ ngày có bà, hai đứa trẻ đâm ra bực bội vì mất tự do. Có hai thứ hằng ngày chúng vẫn lấy ra chơi mà bây giờ bà canh kỹ quá đó là dao và lửa. Dao bà giấu tận nóc nhà, khi nấu cơm thì bà cứ ở cả buổi trong bếp nên chúng không cách nào lấy trộm được than mà chơi trò đốt lửa.

chuy-lg-que-1w-1631583014.jpgHai ảnh minh họa do tác giả cung cấp.

Những đêm sáng trăng, sau khi ăn cơm xong cả nhà thường ngồi quanh cái bàn đá kê ngoài gốc mận để hóng gió. Hai đứa trẻ vừa ngồi gãi vì bị muỗi chích vừa nghe bà cố khoe: “Ngày xưa ba tao cưng tao lắm, má tao cho tao đeo vàng đỏ tay. Người ta còn nói tao là con gái mình vàng, trắng như bông bưởi”. Rồi bà chỉ ra đất đai tổ tiên còn những chỗ nào và những chuyện không đầu không đuôi của những người hàng xóm. Tính tình của bà cố có nhiều cái kỳ cục cho nên người cha thường dặn cả nhà phải nhịn bà, bà có nói gì thì đừng cãi. Ví dụ như ai cho quà bánh bà luôn từ chối bằng câu: “Thôi, có ít thì bây để bây ăn đi!” nhưng mà ai thiệt tình mang về thật thì bà giận đấy. Bà cố thương con trai hơn con gái. Thằng cháu trai ăn vụng thì không sao nhưng hễ bà thấy đứa con gái cũng ăn vụng thì thể nào bà cũng chửi. Hai chị em nó đánh nhau. Con chị tuy cao hơn em một chút nhưng không đánh lại thằng em, phần vì sức con gái, phần vì nhường em cho nên lần nào cũng bị thằng em vật xuống sân cào cấu. Những lúc ấy bà cố lại đứng bên ngoài mà hét; “Trời ơi, nó đánh chết thằng nhỏ rồi.”

Mỗi tháng bà cố cắt tóc một lần. Có ông già tóc bạc phơ, đi xe đạp, phía sau chở theo thùng đồ nghề con con cứ nhớ ngày mà đến. Mỗi lần bà cố cắt tóc là những giây phút huy hoàng của hai đứa trẻ. Đứa lăng xăng lấy ghế, đứa canh chó cho ông già cắt tóc vào nhà. Rồi cho đến khi bà cố ngồi ngay ngắn trên ghế, choàng tấm vải to qua vai phủ kín cả người, mắt lim dim thì hai đứa trẻ lại vào bếp ăn trộm những "báu vật" của bà mà ra vườn chuối chơi nhà chòi.

Rồi hai đứa trẻ lớn lên, bà không cần canh giữ cái bếp nữa vì chúng đã thôi chơi những trò con nít. Điện kéo về làng, mấy cây đèn dầu xếp xó, từ lúc ba mua cái nồi cơm điện là coi như bà cố chính thức... mất việc. Hình như bà cũng buồn, đi ra đi vào, thở dài, thở vắn. Hằng ngày bà cố vẫn đi kiếm tàu cau về phơi khô rồi tẩn mẩn ngồi tước hết lá để dành bó chổi quét sân. Mỗi lần lên cơn hen suyễn, tiếng rên của bà lại dài hơn nhưng bà chỉ chịu nằm nghỉ một lát. Hết mệt bà lại đi lanh quanh trong sân. Bóng của bà cứ thênh thang kéo dài theo bóng nắng. Niềm vui duy nhất của bà là mỗi tháng chờ ông già cắt tóc để nói chuyện bâng quơ. Chẳng biết hai người già xa lạ mỗi tháng gặp nhau có một lần mà mỗi lần khoảng chừng có ba mươi phút ấy lại có nhiều chuyện để nói đến thế. Ông già vừa cắt tóc vừa nói chuyện thì thầm. Bà cố bị lãng tai không biết có nghe được gì không mà cái miệng móm mém trả lời như là hiểu hết vậy. Cắt tóc xong bà cố sẽ rót cho ông một chén trà, ông uống vội, nhận tiền công, cảm ơn rồi lại rời đi. Bà cố đi ra ngoài cổng tiễn ông cho đến khi ông đạp xe khuất sau cái hàng rào dâm bụt rồi mới chịu vào nhà.

Bà cố mất, một chiều cuối năm. Bà không ốm đau gì, bà nằm ngủ rồi đi luôn. Đám ma chỉ vỏn vẹn có bốn cái khăn tang (Thằng con trai cứ thắc mắc tại sao khăn tang của nó màu vàng mà không phải màu trắng. Mẹ phải giải thích vì là bà cố nên nó phải mang khăn tang màu vàng). Đám tang làm cái xóm nhỏ chộn rộn lên, người ta đến viếng nhanh và rời đi cũng nhanh vì còn bao nhiêu việc bộn bề ngày tết.

Chó sủa như giặc chồm. Ông già cắt tóc lại đến. Ông đứng im lìm trước ngõ như một pho tượng được tạc từ hàng trăm năm trước. Thằng con trai chạy ra bảo: "Ông ơi, bà cố con chết rồi không cắt tóc nữa". Ông vẫn đứng lặng yên như chưa nghe nó nói gì. Thằng con trai gào thêm mấy lần nữa mà thấy ông vẫn đứng im thì nó hậm hực bỏ vào nhà. Chó vẫn sủa rát. Đứa con gái đi ra, nó nhẹ nhàng hơn thằng con trai: "Ông ơi, bà con mất hôm trước tết rồi". Ông già cắt tóc vẫn đứng lặng yên. Trong phút chốc nó tưởng như ông đang hóa đá nếu như đôi mắt ông không hấp háy và cái miệng đang móm mém run run : "Cuối cùng tôi cũng chờ được ngày này, bà cứ sợ tôi chết trước không ai cắt tóc cho bà nữa. Thôi tôi về đây! ... Tôi muốn bỏ nghề lâu lắm rồi nhưng lo rằng không ai cắt tóc cho bà nên tôi cứ phải đi . Bây giờ thì tôi có thể nghỉ ngơi và chuẩn bị cho mình..." Hai hàng nước mắt chảy lặng lẽ trên khuôn mặt già nua. Đứa con gái quay mặt đi, nó không kịp nhận ra những giọt nước mắt chân thành và bình yên của ông già cắt tóc. Đó cũng là lần cuối cùng hai đứa trẻ nhìn thấy ông. Bây giờ là tháng ba. Hoa mận vẫn thơm, ba cây mận bên hông nhà nở bông trắng xoá. Đứa con gái nằm võng giăng dưới gốc mận đong đưa làm thằng em trai nó đang trèo trên cây hét vọng xuống: "Chị đừng đưa võng nữa làm bông mận rụng hết rồi! Mà hồi nãy ông già cắt tóc nói gì vậy chị?" Con chị không trả lời, hình như nó ngủ quên. Chẳng biết giấc mơ của nó có thơm mùi hoa mận hay không nữa.

Hai đứa trẻ đã trưởng thành (con của chúng đã biết thắp hương lên bàn thờ bà cố). Họ hàng không còn ai nhắc đến bà cố nữa. Chỉ đến dám giỗ bà, mẹ hay nhắc chuyện xưa. Mỗi lần như thế chúng có cảm tưởng như mẹ đang nói về miền quá vãng nào xa xôi lắm.

(CTT - 12/5/2017)

Theo Chuyện làng quê