Năm 1969, đại đội 202 (gồm 150 thanh niên của 11 huyện trong tỉnh Nghệ An) nhận lệnh hành quân vào chiến trường Bình-Trị-Thiên để vận chuyển lương thực, thuốc men, súng đạn cho chiến trường và tải thương binh về hậu phương. Tháng 3/1971, đơn vị được điều ra Đồng Hới để mở tuyến đường từ Quảng Bình lên Cộn dài khoảng 10km. Do địch bắn phá rất ác liệt nên nhiều đồng đội của chị HIền ngã xuống trên cung đường này. Nữ đại đội trưởng Hồ Thị Thu Hiền đã xung phong nhận nhiệm vụ rà bom mìn. Nhiều đồng đội can ngăn, xin đi thay nhưng chị cương quyết từ chối. Trước quyết tâm không lay chuyển ấy, toàn bộ đơn vị đã làm lễ truy điệu sống cho chị. 1 quả, 2 quả, rồi 3 quả bom tấn được phá thành công, anh em đồng đội chạy ào đến ôm người đại đội trưởng mà khóc. Tuyến đường được thông, những chuyến xe hàng lại bon bon ra mặt trận...
Sau đó, Đại đội 202 của chị được lệnh rời Quảng Bình vào Đường 9 - Nam Lào (Quảng Trị) làm nhiệm vụ chuyển thương binh về hậu phương. Với quyết tâm “Không để thương binh bị thương lần 2”, “Bảo vệ thương binh như bảo vệ chính bản thân mình”, cả đại đội viết đơn tình nguyện bằng máu để được đi. Quyết tâm làm bằng được, đơn vị quyết định mở một con đường khác để tải thương binh ra. Chị thành lập tổ cảm tử gồm 8 đồng chí, do chị chỉ huy đi mở đường. Lần thứ hai đơn vị lại làm lễ truy điệu sống người đại đội trưởng can trường và các TNXP cảm tử. Lần đó, chị cùng đồng đội trở về bình an.
Năm 1972, chiến dịch Nam Lào thắng lợi, đơn vị 202 lại nhận được nhiệm vụ mới là làm đường chiến lược và lấp hố bom từ Quán Hàu ngược lên Hướng Hóa, Minh Hóa (Quảng Bình). Tuyến đường này ngày đêm bị địch rải bom, bắn phá ác liệt, và còn đó các quả bom từ trường, bom bi… chưa phát nổ đe dọa những chuyến xe của bộ đội ta. Hôm đó, người nữ đại đội trưởng mặc chiếc áo trắng làm hoa tiêu cho xe chở hàng đi qua thì phát hiện 3 quả bom do máy bay B52 thả xuống nhưng chưa nổ, nằm chắn ngang đường. Chị Hiền cùng 5 đồng đội tìm cách vô hiệu hóa bom. “Lần này đồng đội tiếp tục tổ chức làm lễ chào cờ và truy điệu sống cho chị và 4 đồng đội. Và, rồi tổ cảm tử đã mưu trí dùng những đoạn cây nhỏ, nhẹ nhàng lăn 3 quả bom xuống vực sâu, phát nổ. Tuyến đường lại được thông suốt cho xe qua.
Chiến tranh kết thúc, cả Đại đội 202 của Đại đội trưởng Hiền có 10 đồng chí đã vĩnh viễn nằm lại chiến trường. Điều làm chị đau xót nhất là trong số ấy chỉ có 3 người chết thi thể còn nguyên vẹn và tìm thấy phần mộ. Còn lại 7 người trúng bom hy sinh, người được nhiều thì còn khúc xương, người ít thì còn khúc ruột... Với những cống hiến của mình Ngày 5/12/2007, chị được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng Vũ trang nhân dân./.
Nguồn: Mỗi ngày một câu chuyện LS
Theo Trái tim Người lính