Bà nội tôi là con quan nhưng không biết chữ. Bà không thích chúng tôi vì mẹ tôi là con địa chủ. Tôi vẫn nghe bà giải thích thế.
Ông ngoại tôi là địa chủ giàu nhất vùng. Cụ ngoại tôi xây dựng nên cơ ngơi bằng nghề hàng xáo, mua mấy chục mẫu ruộng tốt nhất làng để lại cho ông ngoại tôi. Tôi không biết điều đó là tốt cho ông ngoại tôi hay không tốt vì sau cải cách ruộng đất trời long đất lở, ông ngoại tôi trở thành thợ chữa bật lửa và chết trong nghèo đói.
Tôi không có nhiều ấn tượng lắm về bà nội và ông ngoại. Mọi thứ trong tôi chỉ mờ mờ..., hình như..., vì tôi có tật không vừa ý thì phản ứng, bật lại ngay, nhưng lại quên ngay. Bây giờ nhiều lúc ngồi nhàn ngẫm nghĩ, tôi không biết tôi không thích bà nội và ông ngoại ở điểm gì.
Nhưng ai đó quý tôi thì tôi cũng quý thôi rồi, ai giúp đỡ tôi thì tôi khắc cốt ghi tâm và nếu ai tình cảm với tôi thì suốt đời tôi không bao giờ quên.
Vì vậy, tôi vẫn luôn nhớ thương BÀ NGOẠI tôi.
Bà ngoại tôi là người xã khác, là con địa chủ giàu có nhưng bà không khác gì một người nông dân thật thà, chất phác.
Bà ngoại tôi cao lớn, khoẻ mạnh nhưng răng yếu và lưng Bà chóng còng. Bà kể bà rụng răng từ năm 30 tuổi. Bà hơn tôi khoảng 50 tuổi nhưng từ khi tôi biết và nhớ, lưng bà đã còng rồi.
Làng tôi có một cái hồ rất rộng trước cửa đình, gọi là Cửa Đình. Xung quanh hồ Cửa Đình là phần đất cao hơn hồ nhưng quanh năm ngập nước, dân làng tôi gọi là láng hoặc ruộng ao.
Gọi là ruộng nhưng chỉ có cỏ mọc. Toàn thứ cỏ mọc dưới bùn, ngọn ngoi khỏi mặt nước, tôi không còn nhớ các cây cỏ ấy tên gì. Trâu của làng suốt ngày lội dưới đó, ngâm mình dưới nước ăn cỏ. Cả một bãi rộng mênh mông hàng chục mẫu cỏ, đường trâu đi cắt ngang cắt dọc, tạo thành đường như đường mòn trong rừng. Dân làng tôi gọi đường trâu đi. Chồng của dì, em ruột mẹ tôi sống bằng nghề chài lưới thường chèo thuyền, thả lưới theo đường trâu đi này.
Ở khu ruộng ao mông mênh này, có một đặc sản là củ súng. Cây súng mọc dưới bùn, búp ngoi bên lên mặt nước xoè ra thành lá trải trên mặt nước cho những chú ếch, ễnh ương và nhái bén ngồi làm thơ, ngâm vịnh và hát đồng ca trong những đêm mưa rào.
Hoa súng ngoi lên khỏi mặt nước, nở ra nhiều cánh như hoa đồng tiền kép nhưng to hơn. Hoa không thơm như hoa sen nhưng rất đẹp, rất khoẻ khoắn, bản lĩnh và thanh khiết.
Khi mùa hoa nở cũng là mùa củ súng đến độ. Bọn trẻ con chúng tôi giờ đang trưa rủ nhau đi mò củ súng.
Lần theo thân lá, lặn xuống khoảng 1,5m là đến bùn, móc gốc củ lên. Giữa là củ cái, xung quanh là rễ và củ con. Củ con to bằng đầu đũa đến đầu ngón tay út, hình như quả dưa hấu. Bên ngoài là lớp mềm mịn như nhung rồi đến vỏ rất cứng. Trong lớp vỏ là thứ bột màu vàng ngà, nướng lên thơm ngon cực kì. Mỗi gốc có khoảng vài chục củ con. Một buổi đang trưa lặn ngụp đỏ vè mắt, bùn đầy lỗ tai chỉ moi được khoảng chục gốc. Tôi kể về nó vì có liên qua đến Bà Ngoại tôi.
Thỉnh thoảng, giữa mênh mông cỏ và nước ấy mọc lên như những khóm cây. Trẻ con chúng tôi gọi cây trâm bầu. Cây mọc thành khóm, thân gỗ. Thân cây to cỡ bắp tay, rễ rất rậm, rất dài, từ mặt nước cắm sâu xuống bùn vững chãi.
Chúng tôi đi moi củ súng thường gặp Bà Ngoại đang lội
lay cây đó nhổ lên mang về làm củi nấu cơm hoặc bán. Sân nhà Bà lúc nào cũng phơi loại củi này. Khi gặp cây củ súng sâu quá, chúng tôi lại gọi Bà đến moi giúp. Bà sẵn sàng lội hàng trăm mét đến giúp chúng tôi.
( Còn nữa ).
Theo Chuyện làng quê