Bác Hồ viết báo như thế nào, chuyện kể từ người điểm báo gần gũi bên Người

Nhân kỷ niệm 96 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1921 - 21/6/2025), chúng ta cùng tìm hiểu về sự nghiệp báo chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người sáng lập, bồi dưỡng và rèn luyện nền Báo chí Cách mạng Việt Nam.

Vào những ngày cuối tháng 6 này, một trong những người giúp việc lâu và gần gũi nhất Bác Hồ, phụ trách công tác điểm báo hàng ngày cho Người cũng đã ra đi về với cõi Bác Hồ được tròn 15 năm. Ông là Cù Văn Chước, một người được đồng chí Tố Hữu gọi là “Một người con tinh thần của Bác Hồ” và nhiều đồng chí lãnh đạo đương thời vẫn gọi thân mật là "Thư đồng riêng của Bác" hay "Vị tổng quản tại Phủ Chủ tịch".

Để có thêm tư liệu về Bác Hồ với TTXVN, vào đầu năm 2003, nhà báo Đỗ Phượng - nguyên Tổng giám đốc TTXVN đã cử người viết bài này thường xuyên gần gũi cụ Cù Văn Chước để ghi chép những tư liệu có liên quan. Và những năm tháng đó đã trở thành một cơ hội tuyệt vời giúp người viết bài này được tìm hiểu những tư liệu về Bác Hồ với sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam.

hcm-111-1624210525.jpg

Bác Hồ, người sáng lập, bồi dưỡng và rèn luyện nền Báo chí Cách mạng Việt Nam; Ảnh Tư liệu

Trước hết, cụ Chước kể về cơ duyên cụ vinh dự được phục vụ gần gũi Bác Hồ. Trong những ngày kháng chiến chống Pháp ở giai đoạn ác liệt nhất từ năm 1953 - 1954, trên cương vị phụ trách hậu cần của Đoàn TNXP với hàng chục ngàn người, đồng chí Cù Văn Chước luôn hoàn thành nhiệm vụ và được biết đến là người liêm cẩn, minh bạch, không bị lợi ích vật chất cám dỗ. Chính đó là một trong những phẩm chất mà ông được tổ chức tin cậy, giao cho nhiệm vụ chăm lo đời sống hàng ngày của Bác Hồ từ năm 1956 đến ngày Người ra đi về cõi vĩnh hằng. Từ năm 1962, ngoài việc phụ trách công tác hành chính Văn phòng Chủ tịch nước, cụ Chước được giao nhiệm vụ điểm báo và đề xuất xử lý những vấn đề báo chí nêu hàng ngày cho Bác.

Người thầy của báo chí cách mạng Việt Nam

Kể về sự nghiệp báo chí của Bác Hồ, cụ Cù Văn Chước cho biết, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là một lãnh tụ chính trị kiệt xuất, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, mà cuộc đời hoạt động của Người còn thực sự là một nhà báo vĩ đại. Trải qua 50 năm cầm bút, Người đã để lại cho đời hơn 2.000 bài báo, hơn 270 bài thơ, hơn 500 trang truyện ký dưới hơn 170 bút danh, tên gọi khác nhau gắn với từng thời kỳ.

Người coi báo chí là phương tiện để vận động, tập hợp lực lượng cách mạng, tổ chức, thực hiện mục tiêu cách mạng một cách nhanh chóng, sâu rộng và hiệu quả nhất. Dù trong hoàn cảnh nào và khó khăn đến đâu, Người vẫn quyết tâm sáng lập, chỉ đạo, cho ra đời những tờ báo cách mạng để phù hợp với các giai đoạn đấu tranh. Người là tấm gương mẫu mực về việc kiên trì tự học tập và rèn luyện viết báo, và trở thành người sáng lập, bồi dưỡng, rèn luyện nền báo chí cách mạng Việt Nam.

Rồi cụ Cù Văn Chước lần lượt chỉ ra những tư liệu, cũng như thông tin từ những lần ông được nghe Bác Hồ trực tiếp kể lại về quá trình Người đến với nghề báo.

Sau khi lên tàu ra đi tìm đường cứu nước năm 1911 và trải qua quá trình lao động, học hỏi và giác ngộ cách mạng ở xứ người, Bác đã nhận ra vai trò, tác dụng to lớn của báo chí. Nhưng phải đến 1917, Bác Hồ mới bắt đầu học tiếng Pháp và học làm báo.

Trong giai đoạn này, Bác Hồ đã được Jean Laurent Frederick Longuet - cháu ngoại của Karl Marx, nhiệt tình chỉ dẫn nghiệp vụ báo chí. Và bài báo đầu tiên của Bác Hồ với tựa đề "Yêu sách của nhân dân An Nam" được tờ L’Humanité (Nhân đạo - cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Pháp) đăng ngày 18-6-1919.

Đến năm 1921, với bút danh Nguyễn Ái Quốc, Bác Hồ cùng một số nhà hoạt động cách mạng người Maroc, Algeria, Tunisia... thành lập Hội Liên hiệp Thuộc địa và lập ra cơ quan ngôn luận của Hội - tờ Le Paria (Người cùng khổ), số đầu tiên xuất bản ngày 1-4-1922. Từ đây, Người trở thành trụ cột của tờ báo: Vừa là chủ nhiệm kiêm chủ bút, quản lý, phóng viên, phát hành... Tờ báo Le Paria đã có nhiều bài viết của Người nhằm vạch trần chính sách đàn áp, bóc lột dã man của chủ nghĩa đế quốc nói chung và đế quốc Pháp nói riêng, thúc đẩy các dân tộc bị áp bức nổi dậy đấu tranh cách mạng.

Cuối năm 1923, Nguyễn Ái Quốc bí mật sang Liên Xô hoạt động và bắt đầu viết báo bằng tiếng Nga. Cuối năm 1924, Nguyễn Ái Quốc bí mật về Quảng Châu (Trung Quốc), tổ chức huấn luyện cán bộ cách mạng, thành lập Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội với báo Thanh Niên là cơ quan ngôn luận, số đầu tiên ra ngày 21-6-1925.

bachovoibaochivn-1624210689.png

Bác Hồ nói chuyện với các nhà báo, tháng 9/1960. Ảnh tư liệu

Tháng 12-1926, Bác lập ra báo Công nông cho giai cấp công nhân và nông dân Việt Nam. Tháng 2-1927, Bác sáng lập tờ báo Lính kách mệnh dành cho đội ngũ chiến sĩ cách mạng. Mùa thu năm 1928, Nguyễn Ái Quốc bí mật đến Thái Lan, Người góp ý đổi tên báo Đồng Thanh của Việt kiều thành tờ Thân Ái. Ngày 5-8-1930, Người sáng lập tạp chí Đỏ, đồng thời là người chỉ đạo và cộng tác viên mật thiết của các tờ báo Búa liềm, Tranh đấu, Tiếng nói của chúng ta...với nhiều bút danh khác nhau.

Ngày 1-8-1941, Nguyễn Ái Quốc đã sáng lập báo Việt Nam độc lập ở căn cứ địa Việt Bắc đã góp phần đẩy mạnh tuyên truyền cổ động, tổ chức nhân dân vào các đoàn thể cứu quốc trong Mặt trận Việt Minh để chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền. Năm 1942, Người chỉ đạo thành lập báo Cứu quốc.

Sau Cách mạng Tháng Tám, Bác tiếp tục tổ chức và cho ra đời Đài phát thanh trung ương (nay là Đài tiếng nói Việt Nam) ngày 7-9-1945; Hãng tin Quốc gia (nay là Thông tấn xã Việt Nam) ngày 15-9-1945.

Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II (tháng 2-1951), Bác chỉ đạo thành lập báo Sự thật (nay là báo Nhân dân) - cơ quan ngôn luận của Đảng, số đầu tiên ra ngày 11-3-1951. Đáng chú ý, từ số 1 đến số 5.526 (ngày 1-6-1969), Bác Hồ đã đăng hơn 1.200 bài viết trên báo Nhân dân với 23 bút danh khác nhau. 

Trong đó bài báo cuối cùng Bác viết cho báo Nhân dân số 5526 ra ngày 1 tháng 6 năm 1969 với nhan đề "Nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên nhi đồng". Đây là bài viết thể hiện sự quan tâm của Người với thế hệ trẻ, những người chủ tương lại của Đất nước. Để họ vừa Hồng vừa chuyên, Người chỉ rõ trách nhiệm của tổ chức, của người lớn phải thường xuyên giáo dục, bồi dưỡng họ.

Phong cách báo chí Hồ Chí Minh

Cho đến tận bây giờ, người viết bài này vẫn nhớ những lưu ý của cụ Cù Văn Chước nhắc nhở cần phải thấm nhuần tư tưởng, đạo đức, phong cách làm báo cách mạng của Bác Hồ. Nghề báo là nghề đặc thù, ngòi bút là loại vũ khí sắc bén có thể cứu người và cũng có thể giết người. Vì vậy người cầm bút cần phải có cái tâm trong sáng và luôn nhớ ba phương châm khi cầm bút Bác đã dặn: Viết cho ai?, Viết để làm gì?, rồi mới đến Viết như thế nào? Văn phong phải giản dị, trong sáng ai đọc cũng có thể lĩnh hội được.

Cụ Chước chỉ rõ, ngày từ năm 1947, trong thư gửi trí thức Nam Bộ, trong đó có các nhà báo, Bác Hồ đã viết: "Ngòi bút của các bạn cũng là vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính, trừ tà, mà anh em văn hóa trí thức phải làm cũng là những chiến sĩ anh dũng trong công cuộc kháng chiến để tranh lại quyền thống nhất và độc lập cho Tổ quốc". Theo Bác, một người viết báo chân chính phải luôn ý thức được trách nhiệm và sứ mệnh của mình là "Phò chính, trừ tà".

Theo cụ Chước, Bác luôn căn dặn người viết báo: “Phải viết gọn, rõ ràng, vắn tắt. Nhưng vắn tắt không phải là cụt đầu, cụt đuôi mà phải có đầu, có đuôi... Viết phải thiết thực, “nói có sách, mách có chứng’”, tức là nói cái việc ấy ở đâu, thế nào, ngày nào, nó sinh ra thế nào, phát triển thế nào, kết quả thế nào?”. Có lần Bác phê bình những khuyết điểm của báo chí nước nhà bấy giờ: “Bài báo thường quá dài, “dây cà ra dây muống”, không phù hợp với trình độ và thời gian của quần chúng...”, “Thường nói một chiều và đôi khi thổi phồng thành tích, mà ít hoặc không nói đúng mức đến khó khăn và khuyết điểm của ta...”, “Đưa tin tức hấp tấp, nhiều khi thiếu thận trọng...”, “Thiếu cân đối: Tin nên dài thì viết ngắn, nên ngắn thì viết dài, tin để sau thì để trước, nên trước lại để sau...”, “Lộ bí mật - có khi quá lố bịch...”, “Khuyết điểm nặng nhất là dùng chữ nước ngoài quá nhiều và lắm khi dùng không đúng...”.

nhung-ky-niem-voi-cu-cu-van-chuoc-mot-nguoi-con-tinh-than-70403-1624211035.jpg

Tác giả bài viết lưu niệm cùng cụ Cù Văn Chước năm 2003

Bên cạnh đó, cụ Chước cũng lưu ý, sinh thời Bác Hồ luôn lên án gay gắt các bài viết thổi phồng, một chiều, nhưng Người cũng không khoan nhượng trước những bài báo viết sai lệch, thông tin thiếu chính xác, xuyên tạc, bóp méo sự thật. Người luôn luôn yêu cầu đội ngũ những người làm báo phải viết những bài viết “xây đi đôi với chống”.

Rồi cụ Chước nhấn mạnh phong cách báo chí của Bác Hồ được thể hiện ở tám điểm chính, không thể nhầm lẫn với bất kỳ ai.

Thứ nhất, viết báo phải có căn cứ: Bác căn dặn: “Chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói, chớ viết”. Bác yêu cầu người viết báo phải có trách nhiệm cao trước nội dung bài báo của mình, phải có căn cứ thuyết phục. Không được vội vàng mới nghe qua đã viết, không được chủ quan, suy đoán, phải có điều tra, nghiên cứu kỹ, nếu không đúng thì không nên viết. Người nhắc nhở những người làm báo: “Không biết rõ, hiểu rõ, chớ nói, chớ viết. Khi không có gì cần nói, không có gì cần viết, chớ nói, chớ viết càn”.

Thứ hai, viết cho đúng đối tượng: Bác dạy: “Bao giờ cũng phải tự hỏi: “Viết cho ai xem, nói cho ai nghe? Nếu không như vậy thì cũng như cố ý không muốn cho người ta nghe, không muốn cho người ta xem”. Với Bác: “Viết sao cho giản đơn, dễ hiểu, thiết thực. Sao cho mỗi đồng bào, chiến sĩ đều đọc được, hiểu được, nhớ được, làm được”. Song, viết cho các học giả và chính khách quốc tế, Bác lại viết một cách uyên bác, lập luận khoa học, chặt chẽ... Cho nên điều đầu tiên mà bất cứ người cầm bút nào trên mặt trận báo chí cách mạng phải hiểu rõ mục tiêu và nhiệm vụ của cách mạng là gì? Như Bác từng nói: “Bắn thì phải có bia, phải có mục tiêu”. Nghĩa là ngòi bút phải gắn với đối tượng.

Thứ ba, viết ngắn gọn, giản dị: Bác căn dặn: “Nói những điều thiết thực, đúng đường lối chính trị, ít tếu, viết ngắn, giản dị, vẽ dễ hiểu, trình bày rõ ràng, ít tiếp sang trang khác”. Người nêu rõ, phải viết cho đúng trình độ của người xem, viết rõ ràng, gọn gàng. Người dạy phải học cách nói, tiếng nói của quần chúng, chớ ham dùng chữ, những chữ mà không biết rõ thì chớ dùng, những chữ mà tiếng ta có, thì phải dùng tiếng ta, bất đắc dĩ mới phải dùng chữ, làm sao cho quần chúng đều hiểu, đều tin, đều quyết tâm theo lời kêu gọi của mình. Viết phải thiết thực, kịp thời, “nói có sách, mách có chứng”, tức là nói cái việc ấy ở đâu, thế nào, ngày nào, nó sinh ra thế nào, phát triển thế nào, kết quả thế nào?.

Thứ tư, viết sinh động, lôi cuốn: Đây là một nhu cầu thường xuyên để thu hút người đọc. Phong cách của Bác, người viết cần liên tưởng, dùng hình ảnh, lối ví, như: Chủ nghĩa đế quốc như “con đỉa hai vòi”, có đức mà không có tài thì chỉ như “ông bụt ngồi trên chùa” không giúp gì được ai.

Thứ năm, viết có tính chiến đấu: Bác Hồ là một tấm gương sáng về phong cách thẳng thắn, nêu cao tính chiến đấu với chủ nghĩa đế quốc và phê bình đồng chí của mình. Bác còn thể hiện tính thẳng thắn với chính mình, mỗi khi có việc làm chưa tốt, Bác nhận trách nhiệm tự phê bình...

Thứ sáu, khiêm tốn, giấu cái tôi: Bác kể lại về những ngày đầu làm báo của Bác ở Pháp: “Đấy, tôi thử viết bài này, đăng được thì các đồng chí đăng cho, tôi không có tự ái đâu, nhờ các đồng chí sửa để tôi học thêm”. Và trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, hoạt động báo chí của mình, do luôn nắm vững đối tượng và mục đích viết nên Người “viết gì cũng đưa cho một đồng chí xem lại, chữ nào khó hiểu thường các đồng chí bảo cho mình sửa”. Bác căn dặn người làm báo rằng: “Người cách mạng gặp khó khăn thì phải đánh thắng khó khăn, chứ không chịu thua khó khăn. Có người chỉ muốn làm cái gì để lưu danh thiên cổ. Muốn viết bài cho oai, muốn đăng bài mình lên các báo lớn. Cái đó cũng không đúng. Những khuyết điểm đó đều do chủ nghĩa cá nhân đẻ ra. Họ không thấy rằng: làm việc gì có ích cho nhân dân, cho cách mạng đều là vẻ vang. Muốn tiến bộ, muốn hay thì phải cố gắng học hỏi, ra công rèn luyện. Chớ tự ái tự cho mình là tuyệt rồi. Tự ái tức là tự phụ, mà tự phụ là kẻ địch dữ tợn, nó ngăn chặn con đường tiến bộ của chúng ta”.

Thứ bảy, Nhà báo cách mạng theo Bác không chỉ có bản lĩnh chính trị vững vàng, mà còn phải có đạo đức tốt và trong sáng. Người nói: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”, “phục vụ nhân dân, để tuyên truyền, giải thích đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ”, “phò chính trừ tà”, “là vũ khí cần thiết và sắc bén giúp cho chúng ta sửa chữa sai lầm và phát triển ưu điểm”, “viết cũng như mọi việc khác, phải có chí, chớ giấu dốt, nhờ tự phê bình và phê bình mới tiến bộ”. Người lưu ý trước tiên đề tài cho người cầm bút là "những điều mắt thấy, tai nghe". Nghĩa là viết báo trước tiên phải đúng sự thật, bắt nguồn từ thực tế cuộc sống với những con số, những sự kiện đã được xem xét kiểm tra, chọn lọc. Bởi theo Bác, sự thực vừa là sức mạnh của bài nói, bài viết cũng đồng thời là thước đo đạo đức của người làm báo cách mạng.

Thứ tám, không ngừng nâng cao chất lượng và đổi mới hình thức. Bác Hồ khẳng định: “Một tờ báo không được đa số “dân chúng” ham chuộng thì không xứng đáng là một tờ báo, phải làm thế nào cho báo có nhiều người xem...

Nhìn lại chặng đường vẻ vang 96 năm hình thành và phát triển của Báo chí Cách mạng Việt Nam, chúng ta tự hào được đứng trong hàng ngũ những người làm báo cách mạng Việt Nam, một nền báo chí được Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp khai sinh, bồi dưỡng và rèn luyện. Trong niềm tự hào đó, hơn ai hết, mỗi nhà báo, phóng viên phải luôn tự xác định rõ trách nhiệm và sứ mệnh của mình với xã hội, nghĩa vụ của một công dân đối với đất nước, không ngừng rèn luyện, phấn đấu nâng cao bản lĩnh chính trị, giữ vững đạo đức nghề nghiệp để báo chí xứng đáng là công cụ sắc bén, phục vụ đắc lực sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta trong giai đoạn hiện nay./.