Thành phố Bắc Ninh tích cực triển khai nhiều giải pháp bảo tồn và phát huy Di sản Dân ca Quan họ gắn với phát triển du lịch
Thành phố đang nỗ lực phối hợp đẩy nhanh tiến độ triển khai các quy hoạch, thực hiện các dự án bảo tồn, phục hồi cụm di tích chùa Dạm, chùa Hàm Long (phường Nam Sơn); dự án đền Bà Chúa Kho (phường Vũ Ninh); khu quần thể văn hóa Thủy tổ Quan họ làng Diềm (phường Hòa Long)... Đặc biệt, tập trung phát triển các điểm du lịch đã được UBND tỉnh công nhận; xúc tiến xây dựng Đề án phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa; Dự án ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý và quảng bá di tích, lễ hội, các loại hình nghệ thuật diễn xướng truyền thống gắn với phát triển du lịch. Cùng với đó, tiến hành rà soát, kiểm tra, đánh giá lễ hội để chọn lọc, phát huy nét văn hóa đặc sắc, tiêu biểu của thành phố nhằm tạo lợi thế cạnh tranh trong thu hút khách du lịch.
Kết quả kiểm kê mới nhất, thành phố Bắc Ninh hiện có 2 Bảo vật Quốc gia; 196 di tích lịch sử văn hóa, trong đó 42 di tích Quốc gia, 54 di tích cấp tỉnh; hơn 80 lễ hội truyền thống; có nghi lễ và trò chơi kéo co Hữu Chấp là Di sản văn hóa đa Quốc gia; có 3 điểm du lịch được tỉnh công nhận là: Làng Diềm, Đền Bà Chúa Kho và Văn Miếu Bắc Ninh.
Đáng chú ý, thành phố là không gian trung tâm sinh hoạt văn hóa Quan họ với 31/44 làng Quan họ gốc, 20 làng Quan họ thực hành, 53/71 nghệ nhân Dân ca Quan họ toàn tỉnh (hiện còn 33 nghệ nhân) và 75 CLB Quan họ với hơn 3000 hội viên tham gia. Các hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản Dân ca Quan họ Bắc Ninh, hoạt động giao lưu biểu diễn, truyền dạy được chú trọng. Phong trào văn nghệ quần chúng ngày càng phát triển sôi nổi, sâu rộng. Nhân dân các làng Quan họ tham gia vào hoạt động khôi phục, bảo tồn, phát huy nét đẹp, phong tục, tập quán, lề lối trong sinh hoạt văn hóa Quan họ. Nhiều CLB, đội văn nghệ huy động sự đóng góp của các nghệ nhân, liền anh liền chị tham gia hướng dẫn, truyền dạy cho thế hệ trẻ, tổ chức phong phú hoạt động giới thiệu, quảng bá và phục vụ nhu cầu thưởng thức, nghiên cứu, tìm hiểu về văn hóa Quan họ...
Nhiều hoạt động phong phú nhằm thu hút khách về với thành phố miền Quan họ
Bà Nguyễn Thị Hải, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin thành phố cho biết: Nhận thức rõ tầm quan trọng của tài nguyên di sản văn hóa, những năm qua thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá di sản với phong phú hình thức như xây dựng chuyên trang, chuyên mục quảng bá trên hệ thống Cổng thông tin điện tử và Đài Phát thanh thành phố; xuất bản 1000 sổ tay “Du lịch thành phố miền Quan họ”, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, tuyên truyền lưu động, các chương trình “Sắc màu văn hóa cuối tuần - Bắc Ninh, thành phố tôi yêu”; ra mắt các tuyến phố chuyên doanh, tuyến phố an toàn thực phẩm và nhiều hoạt động văn hóa đường phố...
Nhiều văn bản quan trọng nhằm tăng cường công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản trên địa bàn thành phố cũng được hoàn thiện như Nghị quyết về “Tăng cường phát huy giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống thành phố Bắc Ninh giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030”... Năm 2020, ngoài kinh phí hỗ trợ chống xuống cấp cho 7 di tích với 4,4 tỉ đồng, các địa phương tăng cường huy động xã hội hóa để tôn tạo di tích với kinh phí gần 20 tỷ đồng. Công tác chỉ đạo, quản lý, tổ chức lễ hội luôn được quan tâm, chú trọng một số lễ hội lớn thu hút đông du khách, có nhiều nét văn hóa đặc sắc như lễ hội Ném Thượng (Khắc Niệm), lễ hội làng Diềm, lễ hội kéo co Hữu Chấp (Hòa Long), lễ hội đền Bà Chúa Kho (Vũ Ninh)...
Tuy nhiên, việc phát huy nguồn lực di sản ở thành phố vẫn còn hạn chế. Tại các di tích thiếu đội ngũ hướng dẫn viên, chưa có giải pháp đột phá để phát huy tiềm năng văn hóa trong phát triển du lịch... Chính vì vậy, giai đoạn 2021-2025, thành phố đặt ra mục tiêu bảo tồn phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa gắn với phát triển du lịch. Giải pháp hướng đến là tập trung quảng bá hình ảnh, khai thác các di tích, di sản văn hóa, các công trình thiết chế văn hóa, thể thao để phục vụ phát triển công nghiệp du lịch; đầu tư đồng bộ, hoàn thiện các dịch vụ văn hóa tâm linh; nghiên cứu, tạo ra các sản phẩm văn hóa đặc trưng của thành phố, dựa trên giá trị di sản tự nhiên, nhân văn, vật thể và phi vật thể.
Bên cạnh đó, tiếp tục nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương trong quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa và lễ hội, nhất là với những di sản đã được nhà nước xếp hạng; huy động nguồn lực xã hội hóa, phối hợp với sự quan tâm hỗ trợ kinh phí của tỉnh để tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích, từng bước đưa các di tích trở thành điểm thu hút khách bền vững.