Bản ngã

Bất giác ngoái sau, tôi thấy một người đàn bà dáng vẻ quê cô đơn, lặng lẽ đi cuối dòng người, chốc chốc đưa tay lên chấm chấm nước mắt.

kim-oanh-1651622230.jpgTác giả bài viết này

   Đoàn người đưa tiễn ngoại tôi dài nửa con phố cổ. Sáng chủ nhật xe cộ thưa thớt hàng quán mở muộn, bớt ồn ào hẳn so với ngày thường. Phía trên bầu trời xám xịt thỉnh thoảng le lói vài tia nắng rồi lại vụt tắt. Bà con lối phố đổ ra hai bên hè tiễn biệt một người gắn bó với con phố nhỏ này non một thế kỷ. Không gian trầm mặc như muốn níu dòng người chậm bước...

    Bất giác ngoái sau, tôi thấy một người đàn bà dáng vẻ quê cô đơn, lặng lẽ đi cuối dòng người, chốc chốc đưa tay lên chấm chấm nước mắt.

   Tôi biết người đàn bà ấy. Quê chị ở một vùng đất trũng, đã trải bao công cuộc cải tạo mà cho đến tận bây giờ vẫn không thoát khỏi cảnh "chiêm khê, mùa thối" Nhà nghèo, một đàn con năm đứa, chồng bị xe đâm bại nửa người cả chục năm nay, vai chị gánh hết. Từng âý năm nay, cứ đến lúc nông nhàn chị lại theo dân làng lên thành phố vạ vật làm thuê đủ mọi thứ. Dần dà nhờ chịu thương chịu khó, chị được người mai mối đưa vào bệnh viện  làm thuê, chuyên phục vụ những bệnh nhân nặng theo yêu cầu. Chị nhận chăm nom ngoại tôi suốt ngày đêm, con cháu thì còn đi ra đi vào chứ chị chỉ loanh quanh bên giường, làm tất tần tật mọi việc của một người hộ lý một cách rất thành thạo, không nề hà cả những việc mà ngay đến người thân cũng ngại... Dẫu đành vì miếng cơm manh áo, dẫu với ngoại chị là "người dưng nước lã", nhưng cứ xem cách chị chăm sóc tôi thấy nó không hoàn toàn vì vậy , có một cái gì đấy rất khó gọi ra. Không phải tình máu mủ, ruột thịt, không phải tình hàng xóm, láng giềng, cũng chẳng mang ơn huệ...

   Được hơn hai mươi ngày thì ngoại tôi mất. Trong lúc rối lòng, chẳng ai để ý đến chị. Tưởng chị đã khăn gói về quê với đàn con nhỏ và người chồng tàn tật, ai ngờ chị vẫn nán lại, tiễn ngoại ra đi. Cái tình mà chị dành cho ngoại phải chăng đó là bản ngã trong mỗi con người.