Năm 1958 chúng tôi học lớp Vỡ lòng tại 5 gian sau hậu cung đình Trung Kính hạ, giờ ra chơi nô đùa dưới hàng cây nhãn cổ thụ sau Đình, hay nghe tiếng mõ chuông và mùi trầm hương thơm toả ra từ ba gian Điện thờ của bác Nguyễn Đình Cam, lấp ló sau hàng rảo găng duối ken đặc, chó gà không qua nổi. Cứ nhớ vẻ âm u linh thiêng tại khu nhà này. Thủ nhang đầu tiên là ông Đồng (bố bác Trưởng Lãng và bác hai Cam) kế tiếp là bà Thè (mẹ chú hai Thọ và cô Lan Tại).
Tôi nhẩm tính bộ ban thờ, các đồ tế khí dễ tuổi đời dư trăm năm có lẻ, vì bây giờ anh Thiện con bác Cam 78 tuổi làm thủ nhang (vợ anh Thiện là chị Đỗ Minh Thinh người Láng thượng về làm dâu làng ta 1970). Anh Thiện được trẻ con chúng tôi quý vì những năm 1963-1965 hay dẫn lũ trẻ con chúng tôi ra bãi chiếu bóng Khương thượng xem phim, giá vé 5 xu, về qua chùa Bà âm u (nghĩa trang người tàu năm 1970 vẫn còn, nay la ngã tư đường Láng, Láng hạ, Lê Văn Lương) doạ có ma làm bọn tôi sợ chạy chí chết. Anh Thiện đi bộ đội 1965-1969 rồi về làm Lão nông tri điền, kinh tế khá giả lắm. Tôi còn nhớ ba gian điện thờ xưa, nằm sau cái ao của bác hai Ngát, cách sau Đình hàng rào găng duối ken đặc, ngõ vào nhà ám u dưới các gốc nhãn cổ thụ. Còn nhớ nội thất điện thờ ám khói đèn nhang : gian bên trái thờ Cô, gian bên phải thờ Tổ, gian chính giữa thờ ngai, tượng Đức Thánh Trần, hai ban quan Văn Võ hầu đức Ngài và tượng Hoài âm Hầu Trần Quốc Toản.
Làng Giàn có nhiều nhà cổ và có nhiều ban thờ Tổ tiên hàng trăm năm, nguyên vẹn hoành phi, câu đối, cửa võng và các đồ tế khí. Tôi đã chụp và đăng bài viết lên các trang nhóm MXH. Nhưng đây là địa chỉ duy nhất (số 1 ngách 43/98 phố Trung Kính) thờ Đức Thánh Trần, một trong các vị Thánh bất tử của dân tộc Việt nam ta.
(Xin trân trọng giới thiệu vài bức ảnh chụp 25/7/2020)