Bánh đúc nấu vôi

Chợ quê tôi xưa lèo tèo, hàng quán lụp xụp, chỉ là những cái lều theo kiểu lều vịt, chẳng ra hàng ra lối, ai có gì bán nấy, chỉ có mấy sạp hàng xén là đông khách, hàng hóa chỉ là kim chỉ đá lửa, mì chính hàn the, lược thưa lược dày...

chuye-q3z-1629617107.jpgẢnh minh họa do tác giả tuyển chọn.

Hàng quà chả có gì nhiều, hoa quả cây nhà lá vườn chứ không như bây giờ, mẹt ổi mẹt khế, có khi còn bán cả sung chín xâu thành từng chuỗi trông như tràng hạt của các cụ đi chùa.

Thức quà sang nhất chắc là phản bánh đúc của bà Cả Híp, bà bán nhiều loại bánh đúc, thỉnh thoảng tôi theo mẹ ra hàng bà ăn bánh đúc riêu cua. Tôi còn nhỏ chả cảm nhận được gì nhiều, nhưng nhìn các bà các cô sì sụp chan húp say mê trông cứ hay hay là...

Bánh đúc có hai kiểu nấu chính, đó là bánh đúc xay và bánh đúc hột. Chỉ là khác nhau ở chỗ xay bột và không xay chỉ vò gạo ngâm , còn cách nấu gần giống nhau.

Những ngày mưa gió không làm đồng áng được mẹ tôi hay nấu bánh đúc hột, nấu một nồi to đổ ra mấy sàng lót lá chuối, cả nhà ăn trừ cơm.

Để nấu được nồi bánh đúc, kể cũng kì công đáo để.

Đầu tiên phải ngâm gạo, phải là thứ gạo cứng cơm, không quá dẻo. Gạo được ngâm một đêm cho mềm và có mùi chua chua thì đem ra giã nhổ nháo, không cần quá kĩ, nếu đem xay cối đá sẽ mịn hơn và bánh trông đẹp mắt, khi ăn bánh mềm hơn bánh hột.

Nhân bánh thì có nhiều kiểu, bánh đúc nấu mỡ hoặc tóp mỡ hành phi, bánh đúc lạc, bánh đúc dừa...

Bánh đúc nấu mỡ thường chan với riêu cua, ăn kèm rau sống hoặc chấm mắm tôm chanh ớt, bánh đúc lạc dừa ăn khô, không cần thức gì nữa.

Gạo đã xay hoặc giã thì đem nấu, bánh vừa hay nhão tùy thuộc vào người đổ nước, lượng nước phải vừa đủ thì bánh mới đanh. Để có được bánh giòn thì phụ thuộc vào lượng vôi và hàn the , vôi hòa lấy nước trong vừa phải, hàn the nhiều quá bánh sẽ chát , cứng mất ngon.

Khi đã chuẩn bị xong các thức sẽ đun nồi bánh( nhân lạc , dừa sẽ cho sau, khi nồi bánh đã sôi) , đun nhỏ lửa, bắt đầu lúc búc sôi là phải nguấy kĩ, nguấy đều tay nếu không bánh sẽ khê, mùi khét mất ngon.

Cứ đun nhỏ lửa như vậy, cho đến khi bột nở hết sẽ tra nhân vào, đun đến khi nồi bánh đặc sền sệt, nguấy chặt tay là được.

Đổ bánh ra dần, sàng lót lá chuối tươi, dàn đều cho đẹp mắt, đợi bánh nguội đanh lại là ăn được, khi ăn cắt bánh ra từng lát nhỏ. Tôi thích bánh đúc riêu cua, làm một mạch bốn năm bát chan với riêu cua, no phĩnh diều mà mồm vẫn muốn ăn nữa.

Nhưng ngon nhất phải là cạo cháy bánh đúc, vừa bùi vừa béo, dai dai... tôi làm gãy cả muôi vì cạo cháy.

Nhà đông người ăn hết cả mấy sàng bánh đúc, có lần tôi sang nhà thằng Mẹo , thấy nhà nó lót lá chuối xuống nền nhà đất và đổ bánh đúc lên, to bằng nửa cái chiếu mà buồn cười chảy nước mắt.

Ấy là ăn ở nhà, nhà mình nấu, còn như hàng bà Cả Híp thì bánh được làm thành từng " cối" nom gọn gàng và xinh xắn , mỗi cối to bằng cái đĩa con cũng lót lá chuối cắt tròn, đều tăm tắp.

Quà quê chỉ thế thôi, xoay quanh hạt lúa củ khoai. Ngóng mẹ đi chợ về mà có cối bánh đúc thì thích chả còn gì bằng !

...

Mưa gió mấy ngày nay, nghĩ đến bánh đúc mà lòng nôn nao khó tả, nhớ thương một thời khốn khó cần lao.

Ước gì lại được ngóng mẹ đi chợ về, lục tung cái thúng vỉ buồm của mẹ!

TT

Theo Chuyện làng quê