Bánh mì kẹp Việt Nam – Món ăn đường phố vang danh thế giới

Nhắc đến ẩm thực Việt Nam người ta thường hay nghĩ đến phở, bún chả, bánh cuốn… Nhưng bên cạnh đó, bánh mì kẹp cũng là một trong những món ăn đặc trưng đang dần khẳng định vị thế của mình trong lòng thực khách nước ngoài.

Bánh mì kẹp Việt Nam. Ảnh internet

Lịch sử sự ra đời của bánh mì kẹp Việt Nam

Bánh mì đã xuất hiện từ rất lâu trên thế giới, cách đây hàng ngàn năm và là một trong những món ăn phổ biến. Ở thời kì đó, con người vẫn thường ăn các loại ngũ cốc, bột mì… Qua thời gian, con người chợt nhận ra trộn những loại ngũ cốc đó với nước nấu lên ăn ngon hơn và dân dần từ đó, bánh mì ra đời

Có tài liệu cho rằng, bánh mì ban đầu được tạo nên thông qua hình thức lên men tự nhiên. Rồi cứ như thế, con người tiếp tục phát triển việc tạo ra bánh mì bằng những phương pháp ngày càng mới, để cho ra loại bánh mì như hôm nay.

Việt Nam có một nền ẩm thực đa dạng với nhiều món ăn phong phú. Ngoài những món ăn truyền thống, thì ẩm thực Việt Nam cũng tiếp nhận những tinh hoa ẩm thức nước ngoài, “nhào nặn” để thành những món ăn mang đậm hương vị nước nhà. Và bánh mì kẹp Việt Nam đã ra đời trong sự kết hợp hài hòa như thế.

Bánh mì kẹp Việt Nam hay còn được gọi với cái tên xưa là bánh mì Sài Gòn, được làm bằng bột mì thông thường (có thể có bột gạo) và là loại thức ăn đường phố phổ biến ở miền Nam Việt Nam, sau này lan ra Miền Trung và Miền Bắc. Loại bánh mì này xuất phát từ bánh mì baguette do người Pháp đem vào Nam Việt Nam.

Năm 1859, chiếc bánh làm từ bột lúa mì của phương Tây đã theo chân quân đội Pháp tràn vào thành Gia Định. Bánh mì ngày ấy vẫn còn rất “Tây” được nướng bằng củi, đặc ruột và vỏ chưa giòn như bây giờ. Sau đó, bánh được nướng bánh bằng lò gạch, loại lò mà hiện nay người ta vẫn thường dùng để nướng bánh.

Khác với vỉ nướng bằng củi, than, lò gạch là loại lò đóng kín, cho phép giữ lại hơi nước khi nướng bánh. Ở nhiệt độ cực cao và hơi nước cực nhiều, chiếc bánh mì baguette sẽ trở nên rỗng ruột hơn, ruột bông xốp, vỏ ngoài giòn rụm. Đây cũng chính là điểm tạo nên sự khác biệt giữa bánh mì nước ta với bánh mì Pháp.

Bánh mì là món ăn nhanh buổi sáng, buổi tối cho giới học sinh, sinh viên và người lao động vì có giá thành phù hợp. Tuỳ từng địa phương ở Việt Nam mà bánh mì có thể được sử dụng thay thế cho bữa sáng, hoặc như một món ăn nhanh vào các thời điểm khác nhau trong ngày.

Thời ấy, một chủ tiệm bánh mì ở Sài Gòn đã cảm thấy việc ăn bánh mì cùng bơ, thịt nguội, pa-tê trên đĩa quá cồng kềnh và mất thời gian, bèn nghĩ ra cách kẹp nhân vào bánh để người dân lao động có thể thuận tiện mang theo. Bánh mì kẹp xuất hiện. Bánh mì chế biến thêm nhân thịt, trở nên quen thuộc đến mức trở thành món ăn bình dân của người dân Sài Gòn. Tùy thuộc vào thành phần nhân được kẹp bên trong mà bánh mì kẹp có những tên gọi khác nhau.

Bánh mì kẹp Việt Nam được định hình rõ nét khi có sự xuất hiện của tiệm bánh mì Hòa Mã, nằm gần ngã tư Cao Thắng – Nguyễn Đình Chiểu. Tiệm bánh mì do vợ chồng ông Hòa mở ra. Trước khi có tiệm bánh này, người ta chỉ thường ăn bánh mì chấm với bơ, súp, hay ăn kèm riêng với thịt nguội. Nhận thấy việc này quá mất thời gian, vợ chồng ồng Hòa đã nghĩ ra việc kẹp chúng lại vào trong bánh mì.

Bánh mì Hòa Mã đã tồn tại 50 năm kể từ ngày thành lập. Nhiều người khẳng định chủ nhân ở đây là người đầu tiên bán những ổ bánh mì thịt kiểu Sài Gòn. Những du khách người nước ngoài cũng thường ghé lại quán Hòa Mã để thưởng thức hương vị bánh mì thịt để cảm nhận nét riêng của Sài Gòn.

Đặc trưng riêng của bánh mì kẹp Việt Nam

Bánh mì kẹp bắt đầu có những nét đặc trưng riêng của mình. Ổ bánh mì vừa đủ cho một khẩu phần ăn nên không cần lớn lắm, nhưng vỏ bánh phải giòn, ruột bánh đặc vừa phải khi nhai không làm mất ngon. Để không bị ngấy, ổ bánh mì được cho thêm vài lát dưa chuột, đu đủ, cà rốt cắt sợi ngâm chua, thêm vài cọng hành, rau thơm để có hương thơm và một ít ớt cay cay.

Cho đến ngày nay, các tiệm bánh mì đã mở rất nhiều trên khắp đất nước và đến mỗi vùng miền lại có những tên gọi riêng, những loại nhân, gia vị, nước xốt khác nhau. Bánh mì tiếp tục được phát triển và biến tấu với nhiều hình thức và cách phối hợp nguyên liệu mới, đáp ứng nhu cầu ẩm thực và khẩu vị của người Việt như bánh mì dân tổ, bánh mì pate thịt, bánh mì nem khoai, bành mì gà, bò…

Bánh mì kẹp không dừng lại ở món điểm tâm sáng nữa, nó được dùng cho cả ở bữa trưa, chiều, tối và chẳng riêng gì của người Sài Gòn, nó còn trở thành ẩm thực đặc trưng của người Việt. Và tuyệt vời hơn nữa, bánh mì kẹp còn là món ăn mà khách du lịch nào cũng phải nếm thử khi đặt chân đến Việt Nam.

Bánh mì Việt vươn ra thế giới

Sau năm 1975 bánh mì Sài Gòn theo chân Việt Kiều vượt biên tới Pháp, Mỹ, Úc, Canada mang theo công thức bánh mì kẹp thịt độc đáo và bánh mì dần trở nên phổ biến khắp nơi trên thế giới.

Bánh mì Việt Nam được Google hiển thị. Ảnh internet

Bánh mì Việt nhiều lần được công nhận bởi các chuyên gia ẩm thực và truyền thông quốc tế. Tờ The Guardian khi xếp bánh mì Việt Nam ở vị trí thứ hai trong danh sách món ăn đường phố ngon nhất thế giới. 

Đã có rất nhiều bài báo nước ngoài giành những lời khencho Bánh mì Sài Gòn hay Bánh mì Việt Nam như: BBC, The Culture Trip, Zester Daily, Price Of Travel…Bánh mì đã lôi cuốn và làm xiêu lòng rất nhiều đầu bếp nổi tiếng thế giới như Anthony Bourdain (Mỹ), Cameron Stach (Canada)…

Ngày 24/3 vừa qua, kỷ niệm 9 năm ngày từ "banh mi" được đưa vào từ điển Oxford, Google công bố Google Doodle Bánh mì - hình ảnh động của ổ bánh mì Việt trên trang chủ Google Việt Nam (Google.com.vn) cùng hơn 10 quốc gia khác bao gồm Mỹ, Singapore, Pháp, Canada, Úc, Thụy Sĩ...

Nhiều ý kiến cho rằng Bánh mì Việt Nam chỉ là món ăn đường phố không phù hợp để mang ra đấu trưởng ẩm thực quốc tế, nhưng ẩm thực đường phố cũng chính là một trong những nét văn hóa đặc trưng của người Việt và bánh mì cũng là một món ăn tiêu biểu trên đường phố Việt.

Ngoài những công thức biến thể gắn liền với văn hóa vùng miền như bánh mì bì của miền Nam, bánh mì chả cá của miền Trung, bánh mì pate thịt miền Bắc,… mỗi hàng làm bánh mì lại có bí quyết gia truyền của họ, tạo nên hàng trăm công thức muôn màu muôn vẻ mà bạn chỉ có thể tìm thấy ở Việt Nam. Như vậy, từ một chiếc baguette cơ bản, bánh mì Việt đã kế thừa và phát triển để đưa tên mình vào bản đồ ẩm thực thế giới, trở thành món ăn đường phố ngon nhất.