Bảo vệ di sản được vinh danh: Vẫn là bài toán khó

Với 40 di sản được UNESCO ghi danh, Việt Nam đang có rất nhiều lợi thế trong việc gắn phát triển văn hóa với du lịch. Nhưng  để hài hòa giữa công tác bảo vệ, bảo tồn và phát huy các di sản này vẫn là bài toán khó đối với cộng đồng được giao quản lý di sản.

Thắng cảnh Tràng An, Ninh Bình.

 

Theo Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam, các di sản được UNESCO vinh danh tại nước ta  trở thành niềm tự hào, sự hãnh diện của cộng đồng, người dân, chính quyền địa phương, mang đến cơ hội để phát triển kinh tế, nhất là du lịch. Như Quần thể danh thắng Tràng An sau khi được UNESCO ghi danh vào năm 2014, lượng khách đến Ninh Bình ngày càng tăng, với mức tăng trưởng bình quân trong giai đoạn 2010-2018 đạt hơn 12%/năm. Năm 2019, toàn tỉnh ước đón 7,65 triệu lượt khách, doanh thu ước đạt 3.600 tỷ đồng.

Còn với Vịnh Hạ Long, những năm gần đây luôn có mặt trong các bảng xếp hạng, bình chọn về điểm du lịch hấp dẫn do nhiều tổ chức quốc tế, hãng truyền thông, trang web uy tín trên thế giới bình chọn. Lượng khách tham quan vịnh Hạ Long tăng đều qua các năm. Năm 2019, vịnh Hạ Long đón tiếp khoảng 4,4 triệu lượt khách, bằng 106% so với năm 2018, bằng 112% so với năm 2017.

Có thể thấy các di sản được UNESCO ghi danh ở Việt Nam đã và đang có những đóng góp tích cực trong việc phát triển văn hóa, du lịch. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam, chúng ta đừng quên trách nhiệm quan trọng, đó là thường xuyên thông tin tới  nhân dân, kể cả những người giữ vai trò quản lý lĩnh vực văn hóa hiểu rằng, các di sản được UNESCO ghi danh không chỉ là cơ hội để kinh tế, là niềm tự hào, sự hãnh diện với thế giới, mà còn là trọng trách rất lớn lao trong việc bảo tồn và phát huy ý nghĩa các di sản này. Do vậy, rất cần hiểu thấu đáo thế nào là di sản văn hóa, thiên nhiên, di sản văn hóa phi vật thể theo Công ước quốc tế về di sản, và cần nhiều hơn những sáng kiến nhằm thu hút nhân dân tham gia ngày càng đông đảo hơn vào lĩnh vực bảo tồn, phát huy ý nghĩa của các di sản vì các mục tiêu, lợi ích quốc gia và quốc tế.

Thực tế cho thấy, ngay tại các di sản vẫn đang “ẩn chứa” những bất cập chưa được khắc phục. Đơn cử như Quần thể danh thắng Tràng An việc giải quyết hài hòa giữa bảo tồn di sản và phát triển du lịch cũng đang gặp phải không ít khó khăn, thách thức. Phó giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình Bùi Văn Mạnh cho biết: Số lượng khách du lịch đến tham quan các khu, điểm du lịch trong khu di sản tăng nhanh kéo theo nhu cầu cao về lưu trú, nhất là ở các khu vực có cảnh quan tự nhiên và khu dân cư nằm xen kẽ giữa các điểm du lịch. Loại hình kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch theo hình thức nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê phát triển mạnh, chủ yếu tập trung trên địa bàn các xã nằm trong vùng lõi của di sản. Sự tăng trưởng dân số dẫn đến nhu cầu về nhà ở của người dân tăng lên tạo ra những khó khăn và áp lực nhất định cho công tác quản lý, bảo tồn cảnh quan môi trường di sản. Trong khi đó, địa phương chưa có quỹ đất để di dời người dân sống rải rác trong vùng lõi của di sản ra vùng đệm.

Hoặc tại di sản Vịnh Hạ Long, theo Chủ tịch UBND thành phố Hạ Long, Trưởng Ban Quản lý vịnh Hạ Long Phạm Hồng Hà phân tích, áp lực từ các hoạt động kinh tế - xã hội đa ngành trên vịnh Hạ Long tạo sức ép không nhỏ đến công tác quản lý, bảo vệ di sản nói chung và cảnh quan, môi trường sinh thái vịnh Hạ Long nói riêng. Việc phát triển du lịch mạnh mẽ có nguy cơ ảnh hưởng tới các nguồn tài nguyên của di sản do gia tăng chất thải và sự tập trung nhiều người và phương tiện tại một số điểm du lịch trong mùa cao điểm gây vượt quá ngưỡng chịu tải cho phép…

Để khắc phục những khó khăn, vướng mắc trên, trong năm 2020, Thứ trưởng Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy đề nghị chính quyền các địa phương, cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến về các nội dung của các Công ước để cộng đồng người dân, nhất là người dân, doanh nghiệp ở các địa phương có di sản đã được công nhận hiểu hơn về vị trí vai trò của mình trong việc tham gia bảo vệ các di sản thế giới, thực hiện tốt cam kết của UNESCO. Đồng thời, phối hợp triển khai tốt hoạt động kiểm tra, giám sát việc bảo tồn và phát huy di sản tại các địa phương.

Công việc “hậu công nhận” đang đặt ra nhiều nhiệm vụ cần triển khai thực hiện một cách bài bản, có kế hoạch, lộ trình cụ thể; kế hoạch nghiên cứu sâu hơn nữa về di sản; xây dựng kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị các di sản. Hy vọng, chúng ta sẽ có lộ trình thực hiện cam kết với UNESCO một cách hiệu quả cao góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản trong đời sống hôm nay và mai sau.