Người mắc bệnh béo phì được điều trị tại trung tâm giảm cân ở Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc. Ảnh: AFP/ TTXVN
Những người béo phì gây ra mức khí thải vào môi trường nhiều hơn 20% so với mức khí thải người bình thường gây ra do sự tổng hợp chuyển hóa chất nhiều hơn dẫn đến sản sinh ra nhiều khí thải (carbon dioxide) hơn và lượng khí thải cũng tăng thêm do họ tiêu thụ nhiều đồ ăn thức uống, chưa kể tới lượng khí thải xả ra từ các phương tiện vận tải sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Theo tờ New York Post số ra ngày 26/12/2019, kết quả nghiên cứu được các nhà khoa học công bố gần đây cho thấy tình trạng béo phì trên toàn cầu tạo ra thêm 700 triệu tấn khí thải mỗi năm, tương đương 1,6% của toàn bộ lượng khí thải ước tính xả ra trên Trái Đất.
Trung tâm kiểm soát dịch bệnh của Mỹ đã gọi béo phì là “dịch bệnh” bởi đó chính là nguyên nhân gây ra tỷ lệ cao các bệnh tim mạch, đột quỵ, tiểu đường và một số loại ung thư.
Tác giả bài báo công bố trên tạp chí khoa học có tên Hiệp hội Béo phì (Obesity Society), giáo sư Faidon Magkos (Phai-đơn Mác-cốt) thuộc ĐH Copenhagen của Đan mạch, khẳng định kết quả nghiên cứu cho thấy việc tăng cường kiểm soát tình trạng béo phì sẽ không chỉ giúp con người vận động nhanh nhẹn, mang lại những hiệu quả lợi ích về tiết kiệm chi phí y tế cũng như giảm tỷ lệ tử vong mà còn giúp giảm bớt những ảnh hưởng tiêu cực lên môi trường sống.
Các nhà khoa học cũng cho rằng kết quả nghiên cứu không nhằm kỳ thị những người quá cân bởi người béo phì vốn đã hay vấp phải thái độ thiếu thiện cảm của những người khác. Ngược lại, nghiên cứu nhằm chỉ ra rằng con người sẽ phải trả giá đắt nếu không chú trọng để những người có vấn đề về cân nặng được tiếp cận y tế và chữa trị một cách dễ dàng.
Thực ra, hoạt động thể chất cũng sản sinh ra nhiều khí thải hơn nếu so với việc con người nghỉ ngơi nhưng không ai kỳ thị người chăm tập thể dục cho dù việc đó có ảnh hưởng môi trường đi nữa, giáo sư Boyd Swinburn (Boi Xuyn-bơn) thuộc ĐH Auckland, New Zealand cho biết.