Xây dựng doanh nghiệp chia làm hai giai đoạn: Giai đoạn thứ nhất là khởi sự kinh doanh - những điều bạn cần làm để xây lên hệ thống doanh nghiệp. Giai đoạn này phải xây lên được đã. Sau đó mới đến giai đoạn thứ hai: Các chiến lược phát triển mở rộng, rồi mơ mộng doanh nghiệp triệu đô. Cái sai của tôi và tôi tin là đã từng là của nhiều người, đó chính là cứ thích học cao, học những thứ cao siêu, nhưng cuối cùng chẳng áp dụng được gì, thậm chí áp dụng vào còn bể. Cứ thích nói to, nghĩ lớn, làm mạnh, nhưng sau vài năm cảm thấy những gì mình học nó cứ sai sai, hay là ông thầy ngày nào mình theo lại là chém gió?
Tất nhiên, sau vài năm vỡ mộng, bị cuộc đời nó tát cho ê mặt, tôi đã có công cuộc QUAY XE lớn nhất trong tuổi trẻ của mình. Đó chính là bớt bớt lại, hay còn gọi là ngưng ảo tưởng, mơ mơ màng màng, mà chuyển hướng sang một cách làm hoàn toàn mới. Mày mò những kiến thức khởi nghiệp, start-up thực tế và làm. Cuối cùng tôi đã có màn start-up làm riêng tạm gọi là thành công, đủ để tôi nói lời từ biệt hoàn toàn với làm thuê.
Kể từ đó, tôi nhận ra, hai kiến thức, hai cách làm của hai giai đoạn: Khởi sự doanh nghiệp và Phát triển doanh nghiệp, nó hoàn toàn trái ngược nhau, thậm chí nó còn triệt tiêu nhau. Áp dụng sai là không lên được, thậm chí còn dẫn đến thua lỗ nặng nề, combo thêm đống nợ. Và dưới đây là 5 bài học nhớ đời nhất đến từ vị trí khởi nghiệp của Phúc Tài Chính, hân hạnh chia sẻ đến bạn.
Bài học số 1: Bạn sẽ không thể học được gì cho đến khi bắt tay vào làm
Tôi đã từng gặp những người, họ nói rằng họ biết nhiều lắm, họ học hết thầy này, thầy nọ. Nhắc đến Diễn giả nào nổi nổi cũng biết. Rồi họ cứ coi việc họ học từ người này, người kia là họ cao siêu lắm. Nhưng khi hỏi ngược lại: Đã làm riêng chưa? Thì chưa. Thậm chí có những em còn chưa kiếm đủ tiền nuôi sống bản thân. Tôi chỉ muốn nói rằng: Kiến thức họ biết, nhưng kiến thức không tạo ra thành quả, thì không phải kiến thức chất đâu. Chưa kể cái kiến thức phổ biến đại trà thì bạn biết đấy: Cỏ thì ở đâu cũng có, chỉ có chân giò thì phải cất công mới có thôi. Nếu kiến thức mà không giúp bạn khởi nghiệp được, không tạo ra những thành quả như lời hứa hẹn, thì kiến thức đó chỉ như mớ cỏ thôi. Việc của bạn là bớt bớt lại, để tìm kiến thức "chân giò" mà kiến thức này chỉ có, khi bạn bắt tay vào làm.
Nhớ nhé! Là chỉ khi bạn bắt - tay - vào - làm. Còn kiến thức bạn biết, bạn nói hay đấy, bạn bỏ tiền học từ người khác đấy, thì kiến thức đó là "chân giò" của người khác, nhưng nó vẫn là "cỏ" của bạn. Chả có một ý nghĩa gì nếu bạn không chuyển hóa nó để tạo ra thành quả. Tức là cả một quá trình: Bạn mua một con trâu con, bạn nuôi nó lớn lên bằng cách cho nó gặm đống cỏ kia, để rồi nó lớn, nó cho bạn cái "chân giò bò tuyệt hảo". Đừng bao giờ tự hào về kiến thức, hãy tự hào về thành quả. Và thành quả của bạn là gì? Bạn đã tạo ra thành quả chưa? Bạn đã bắt tay vào làm chưa? Chưa à? Nếu chưa thì kiến thức bạn có chả có giá trị gì với cuộc đời bạn. Giống như, cỏ có ý nghĩa với một số loài, nhưng chưa chắc đã có ý nghĩa với bạn.
Giống như: kiến thức về làm bản báo cáo tài chính, sẽ chẳng ý nghĩa gì với một cô giáo mầm non. Và các phương pháp dạy con, lại chẳng có ý nghĩa gì với buổi thuyết trình của một người làm kỹ sư xây dựng. Nên cái kiến thức bạn học từ các thể loại diễn giả, các ông thầy, chưa chắc đã giúp ích được cho bạn.
Giống như thế này nhé, để tôi nhớ lại một số bài học học từ trong khóa học 1000$ hồi 22 tuổi tôi học, nào là cách làm giàu nhanh 3 năm, cách kiến tạo doanh nghiệp triệu đô, hay đơn giản là quản lý nhân sự, cách đàm phán thương lượng, kỹ năng lãnh đạo,...
Cuối cùng có áp dụng được gì đâu, nói thật thế này, nếu ai là fan của DISC một công thức để xem người khác là dạng nào, trong quản lý nhân sự, thì nói thật, khi bạn khởi nghiệp, có khi không có tiền tuyển người đâu, hay cùng lắm chỉ 1, 2 nhân sự. Mà tuyển người còn khó vl ấy, vì bạn chưa là gì cả, người ta sẽ có xu hướng tìm doanh nghiệp lớn hơn. È cổ ra tuyển người còn không được, một đứa nó nhận làm cùng mình là mừng sút đầu gối, thời gian đâu mà DISC với DICS. Thực tế nó là thế.
Rồi các kiểu kỹ năng lãnh đạo. Lắm ông bà đi học thầy này, thầy nọ. Tôi đã từng làm cho 2 vợ chồng, lúc mới quen cũng chị học thầy này, học khóa kỹ năng lãnh đạo của thầy kia. Chỉ có động viên khích lệ thôi. Nhưng nói thật, doanh số thì không có, nhân viên thì nhiều lúc nó như bướm bay bướm đậu, như hoa cánh cụp, cánh xòe, rồi mắc lỗi. Tôi cũng là một người rõ ràng, nhận làm mà công việc trong ngày không hoàn thành, tiền lương 150 nghìn/ngày vẫn nhận đủ, là tôi cho out ngay. Vì rõ ràng, tôi trả đủ tiền em, thì em phải trả đủ công việc cho tôi. Chính vì vậy, như bản thân tôi, không có kỹ năng lãnh đạo gì hết, bản thân mình lãnh đạo còn không xong, nên tôi đưa hết vào hệ thống công nghệ chạy tự động, từ truyền thông, tư vấn, bán hàng, ... cho công nghệ làm hết. Và kết hợp các jobs, sống đời kinh doanh tự do.
Những gì bạn học thì hay đấy, nghe hợp lý, bùi tai. Nhưng cuộc đời này, luật sinh ra là để phá, từ sách vở, từ học tập, ra thực tế nó cách cả ngàn bước chân. Nhưng đây, một bước không bước, cứ đứng đó mân mê tự hào với kiến thức. Tôi chả bao giờ tôi tự hào tôi học cái này, học cái kia. Ngay cả mấy năm đi làm thuê chưa một lần nói là tôi học học viện tài chính. Chỉ có nói về những điều tôi đã làm được. Chỉ có trên trang web moneycoach.vn này, nó là chia sẻ về tài chính nên tôi mới nói tôi học tài chính. Quả thực, sau 4,5 năm ra trường, đó là lần đầu tiên tôi nói tôi học trường nào.
Còn tôi thấy, có nhiều người cứ hô hào, tôi là học trò của thầy này thầy kia, thực chất là họ lấy để tạo thương hiệu thôi. Chứ học diễn giả giờ bỏ tiền vào, chồng tiền ra là xong, chứ có thi thố gì đâu. Nên hi vọng rằng, không ai tự hào về học này, học nọ nữa. Ngay cả khi thiết kế ra gói Coach 101 điều cần biết về tiền, tôi luôn nhấn mạnh việc áp dụng, chứ không phải đọc mặt chữ.
Nên làm đi nhá, thành quả của bạn là gì. Liên tục hỏi bản thân: Thành quả của mình là gì? Tiền mình làm ra từ kiến thức này là được bao nhiêu? Nhìn vào đống cỏ kiến thức đó và nghĩ rằng: Từ đống cỏ này mình tạo ra được bao nhiêu cái chân giò đây?
Bài học số 2: Tập trung tìm kiếm và tạo lập cộng đồng khách hàng tiềm năng
Có nhiều người, cứ mơ màng về đống cỏ của họ, mà quên mất việc quan trọng là tìm những con bò. Khi tôi bắt đầu start-up, tôi bỏ qua hết các thể loại kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng quản lý nhân sự, các chiến lược bán hàng, các chiến lược rót tiền quảng cáo,... bỏ hết. Bỏ hết. Đã bảo là một pha quay xe mạnh nhất tuổi trẻ. Bỏ hết tất cả kiến thức cao siêu, những mơ mộng cao siêu. Và làm bước đầu tiên, là tìm kiếm những người quan tâm về mặt hàng tôi cung cấp và quan trọng nhất là họ rút tiền trả cho tôi vì tôi mang đến cho họ điều đó.
- Dẹp hết những thứ tưởng quan trọng, ngốn cực nhiều thời gian nhưng không mang lại hiệu quả cho giai đoạn khởi nghiệp ban đầu này từ: Làm những video đẹp và chất như nước cất nhưng 3 ngày may ra mới làm xong 1 cái, rồi là chỉnh làm sao để giọng nói mình hay, rồi là nắn nót thiết kế từng cái ảnh một,... rồi nghĩ tên công ty, thiết kế logo,... Mà bạn biết không, cái logo moneycoach.vn này là một em sinh viên làm thêm tại công ty tôi làm thuê ngày trước, tôi bảo em ấy thiết kế cho
- Dẹp hết những người có vẻ là khách hàng, nói chuyện nhiệt tình lắm, muốn nhờ tôi giúp đỡ, cảm giác cần kiến thức của tôi lắm, tôi làm một bài test nhanh là tiền, báo giá tiền, thì chạy mất hút. Dẹp hết những người chỉ thích ăn không của thiên hạ. Thời gian của người kinh doanh có phải là rác đâu mà đi rải bừa như vậy.
- Dẹp hết tất cả việc thuê người ra sao, phải tạo lập một cơ sở ra sao, phải mua trang thiết bị ra sao, phải mua bàn, mua ghế, mua các đồ vật ra sao,...
Tôi dẹp hết. Tôi chỉ làm đúng một việc, viết các bài viết, quay các video để marketing tìm kiếm ra những khách hàng tiềm năng, và tìm kiếm những người sẵn sàng trả tiền cho thứ mà tôi cung cấp. Vậy nên tiện đây cũng bày tỏ quan điểm luôn là: Với mảng tư vấn tài chính, huấn luyện kinh doanh này, tôi đã xây web moneycoach.vn và kênh youtube MONEY COACH VN với rất nhiều bài học và chia sẻ bổ ích. Thời gian tôi dành để viết ra, làm ra những video hỗ trợ cho hàng ngàn, hàng chục ngàn người. Nên nếu ai muốn tôi tư vấn trực tiếp thì hãy trả tiền. Sòng phẳng. Chứ tôi không bị mấy lời ngon ngọt dụ dụ rồi tư vấn miễn phí đâu. Thời gian của người kinh doanh cực đáng giá, ngáo ngơ tý là đã hết tháng rồi, với bao nhiêu khoản tiền phải chi, hóa đơn cần thanh toán, thì lấy thời gian đâu mà phục vụ các đồng chí muốn sử dụng sản phẩm, dịch vụ của người khác mà không muốn mất tiền được. Tính tôi rất sòng phẳng, ngay từ bé, tôi không có tiền thì tôi không đòi tiền của bố mẹ để mua, lớn lên, tôi làm ra tiền thì tôi chi. Tôi sẽ bỏ tiền ra để có được điều tôi muốn.
Vậy nên, chỉ dùng thời gian trực tiếp của bạn tìm kiếm và phục vụ hỗ trợ các khách hàng tiềm năng, những người luôn sẵn sàng bỏ tiền ra để có được thứ sản phẩm, dịch vụ bạn cung cấp. Thường thường, số khách hàng này chỉ chiếm 20% tổng số người đến với bạn mà thôi. 80% còn lại là những người thích sản phẩm của bạn đấy, có vẻ nhiệt tình quan tâm đấy, nhưng bên trong họ lại chưa thực sự cần, nên họ không bỏ tiền ra. Nếu người kinh doanh nào mà bị những người này, thôi miên, sa hố mà dành thời gian, tư vấn hỗ trợ họ thì doanh nghiệp chẳng mấy chốc đâm đầu xe vào ngõ cụt. Toang ngay. 80% người này, hãy "tiếp đãi" họ bằng một trang web và một trang youtube với nhiều chia sẻ hay, để làm gì: Để họ cày views cho. Mỗi lượt xem, lượt đọc của họ, sẽ giúp cho bài viết, video của bạn nhiều view lên, để dễ dàng tiếp cận tiếp đến với những khách hàng tiềm năng thực sự của bạn.
Hay những ai còn chưa mua hàng, đang xem xét, tôi không thể ngồi hàng giờ thuyết phục họ được, mà thay vào đó tôi lại hướng họ vào đọc web, xem youtube, để hai hệ thống này thuyết phục khách hàng tự động cho tôi, sau khi xem, nếu họ mua, tôi có thêm khách hàng, nếu họ không mua, tôi tăng được lượt views để google, youtbe đánh giá bài viết, video của tôi chất lượng. Một công đôi việc vì chắc chắn, dù tôi bỏ cả ngày thuyết phục không thể nào bằng hệ thống bài viết web và video youtube rồi. Nên có hệ thống web và youtube sẽ hiệu quả hơn rất nhiều.
Thời gian sống hằng ngày, một là tôi viết các bài viết và làm video để hướng tới phục vụ hàng ngàn, hàng chục ngàn, trăm ngàn khách hàng, như tại thời điểm này, web moneycoach.vn mới xây được 4 tháng, đã lên 1000 lượt đọc/ngày. Hoặc tôi đi tiếp tục xây các hệ thống kinh doanh khác về Vending web, về PAS video, Magic Pen hay dịch vụ du học cùng với các TEAM của tôi. Thời gian sống trực tiếp của tôi, cực kỳ giá trị là vì vậy. Nên không thể nào có thời gian mà trả lời chị ăn cơm chưa, hay ngồi tiếp chuyện "chị nói video còn nhanh", hay ngồi à ưa nhắn tin được. Tôi sẽ sử dụng thời gian sống hiện tại của mình để LÀM NHỮNG VIỆC TẠO RA GIÁ TRỊ CAO.
Tôi lúc nào cũng như một thanh kiếm lao đi chiến đấu, thời gian đâu mà để ý một vết bùn lấm trên tay, mà tôi là người ở trong hệ thống kinh doanh của tôi, tất cả đều có chiến lược. Mấy thứ còn đang yếu, còn đang chưa được hoàn hảo, tôi chưa dành thời gian được, mà tôi phải dành thời gian cho những thứ quan trọng tại giai đoạn này.
Tất cả đều win win:
- 20% Khách hàng tiềm năng sẵn sàng rút ví chi tiền: Chúng ta phục vụ trực tiếp, dành thời gian giúp đỡ hỗ trợ họ.
- 80% Người chưa mua hàng, chưa sẵn sàng chi tiền, hay sẽ không bao giờ mua hàng từ bạn: Đưa họ link web, link youtube để họ xem. Vừa cung cấp cho họ kiến thức, và sau quá trình này, một là họ trở thành khách hàng trả tiền cho bạn, hai là họ vẫn không mua hàng từ bạn, thì bạn vẫn được lượt views để lan tỏa trang web đến với những khách hàng thực sự của bạn.
Xây dựng một cộng đồng khách hàng tiềm năng như vậy để hỗ trợ, giúp đỡ họ lâu dài, bởi vì những người như vậy, không sớm thì muộn họ cũng giàu. Giàu có nó nằm ở khí chất.
Bài học số 3: Không tham khảo ý kiến khi đã tiến hành khởi nghiệp
Khởi nghiệp mà vác ý tưởng đi hỏi người này, người kia thì mãi mãi bạn không làm được đâu. Và ngay cả trong khởi nghiệp, nghe người này người kia nói này nọ mà làm theo họ là vỡ hệ thống ngay. .
Tôi từng là người đứng đằng sau tạo thương hiệu và cố vấn xây dựng thương hiệu cho diễn giả. Tôi sẽ chỉ làm những gì khi tôi đã trở thành chuyên gia trong lĩnh vực đó, thấu hiểu lĩnh vực đó và ở đủ lâu trong lĩnh vực đó. Suốt 4 năm đầu tiên lên cái đất Hà Nội, tôi đã nằm vùng trong lĩnh vực diễn giả này.
Vậy nên kiến thức của những người qua đường kia, họ cứ nghĩ họ giỏi lắm, xong không quen biết gì, tự nhiên xông vào cuộc đời người khác xong khuyên. Xong người ta không nghe thì lại bảo người ta bảo thủ. Hỏi lại một câu, bạn là cái thá gì mà tôi phải nghe bạn? Nếu muốn người khác nghe bạn, hãy xây dựng thương hiệu đi, hãy trở thành người nhiều người đến tìm lời khuyên đi, sao phải đi rình rình một người không quen biết gì xong nhảy vào cuộc đời họ khuyên rồi mang cái mác nhân đạo muốn tốt cho tôi, trong khi làm phiền tôi ra?
Khi bạn khởi nghiệp, kinh doanh, hãy biết tránh xa những người khuyên này nọ, họ đều là những người rảnh mà thôi. Vì người giỏi người ta bận kiếm tiền rồi. Như tôi thời gian tôi hỗ trợ khách hàng của tôi còn không có, lấy đâu ra thời gian nhảy vào cuộc đời của một ai không quen không biết xong bảo em ơi tay em dính mực này.
Tôi sẽ không bao giờ khuyên ai, trừ khi tôi được hỏi. Bởi tôi biết, cái người làm lĩnh vực đó thì họ là chuyên gia trong lĩnh vực đó rồi, như tôi làm sao mà đi khuyên người khác chăm con được, tôi đã đẻ bao giờ đâu. Những kiến thức hớt hớt bên ngoài ăn thua gì, mà những cái lỗi mà bạn nhìn ra, người khác họ không nhìn ra chắc. Có những người cứ tưởng mình là vĩ nhân, nhưng thực chất là loại bần cùng về tư duy và rảnh háng về thời gian.
Nên khi đã quyết làm, sau một thời gian nghiên cứu đủ lâu, tìm lời khuyên đủ nhiều, thì đến khi bắt tay vào làm, hãy kiên định đi theo chiến lược của mình. Thứ bạn cần nhất lúc này chính là sự kiên định mà thôi. Hôm nay bạn đã vạch ra viết 5 bài web, quay 20 video chẳng hạn, thì tập trung hoàn thành, không thể nào vì một tin nhắn của ai đó, bảo sàn nhà của bạn có vết bẩn, mà bạn dành cả ngày đó đi lau nhà được. Đúng không? Còn nếu có khúc mắc, rắc rối, hãy tìm kiếm các chuyên gia, chứ không đến lượt ai đó ở trên mạng kia. Như bản thân tôi, thầy của tôi hiện tại, tôi chỉ nghe những người chuyên gia trong ngành đủ làm tôi phục, hay một người thầy ở Malaysia, chứ đâu phải thích khuyên tôi, thích làm thầy tôi mà được.
Đã quyết làm, là chỉ có làm, làm theo chiến lược của chính bạn. Ngó ngang, ngó dọc là hết năm chẳng làm được cái gì đâu. Kiên định bạn nhé. Người thành công là người luôn có cái tôi lớn. Và nhất định phải kiên định. Chứ không những người rảnh kia, sẽ kéo bạn xuống rảnh như họ đấy.
Bài học số 4: Khởi nghiệp một mình
Tôi biết cái này khi nói ra thì sẽ vấp phải vấn đề của nhiều người đây. Bởi vì nhiều người khởi nghiệp cùng bạn bè, người thân, vợ chồng,... hay vì bản thân chỉ mạnh một mảng nên muốn làm cùng dăm ba người khác để bổ sung cho nhau tạo thành hệ thống kinh doanh. Nhưng quan điểm của tôi thì khác, hi vọng chia sẻ một vài ý tưởng đến bạn như sau.
Vì cái đích cuối cùng của kinh doanh, là bạn tạo ra tài sản. Và tài sản này, phải lâu dài, phải phục vụ cho bạn cho đến khi bạn về già, cho đến tận lúc bạn trút hơi thở cuối cùng, cho đến khi nhắm mắt xuôi tay, thậm chí là để cho đời con cháu bạn kế nghiệp. Vậy nên, bạn phải xây dựng được những hệ thống kinh doanh. Và phải loại hết tận gốc những trường hợp có thể khiến tâm huyết, thời gian, công sức của bạn đã bỏ ra xây dựng mà cuối cùng lại toang.
Việc kinh doanh mấy anh em chung đụng với nhau rất dễ bị bể. Có cuộc tình nào màu hồng, có vụ kinh doanh nào mấy anh em làm riêng sát cánh cùng nhau đến già đâu bạn. Chính Steve Jobs bị những người đã từng là anh em sát cánh loại ra khỏi doanh nghiệp của mình. Nên tôi không thể xây chung được, rủi ro như vậy, tôi không thể đặt cược vào đó. Mà tôi sẽ làm như sau:
- Hệ thống kinh doanh chính - hệ thống mà tôi tâm huyết dồn tiền của công sức vào nhiều năm - Chiếm 50 đến 70%: Phải là của riêng tôi.
- Các hệ thống kinh doanh vệ tinh, cái 10%, cái 20%, cái 30%: Tôi sẽ kết hợp làm cùng một người có chuyên môn giỏi về lĩnh vực đó, có jobs cùng làm, cùng ăn chia % sòng phẳng luôn. Tôi xây tài sản của tôi, họ có tài sản của họ. Cùng góp chung và ăn chia theo jobs luôn. Rõ ràng, không nhập nhằng tài sản.
Tôi không thể nào đặt cược vào một thứ rất dễ bể được. Mà không có gì thay đổi nhanh bằng suy nghĩ của con người. Kinh doanh là một cuốn tiểu thuyết dài của những câu chuyện, mấy câu chuyện có cái kết hạnh phúc đâu. Đến cả Ông Đặng Lê Nguyên Vũ một người vác từng bao cafe một, làm với vợ cuối cùng thì...Tôi không hiểu sao mọi người lạc quan vậy. Dồn hết tất cả vào một jobs làm chung. Điều đó không sai, nhưng vẫn phải dành thời gian xây hệ thống của riêng mình. Hướng tới đa dạng hóa các nguồn thu nhập chứ không bỏ hết tất cả vào một thương vụ được. Bất bênh lắm. Bạn thấy đấy, đến con thuyền lớn họ cũng có những cái thuyền bé, hay cái phao cứu trợ khi cần. Có những người cứ ao ước đi xây thuyền lớn với bạn bè, cứ tin tưởng cái thuyền lớn rồi chủ quan không chuẩn bị cái phao cho mình. Đừng vậy, hãy luôn mở cho bản thân một con đường lui khi cần, vì tàu Titanic cũng có lúc bị đắm.
Tôi cũng đã từng góp tiền vào chung đụng rồi. Chỉ sau 3 năm, trải nghiệm đủ nhiều, nước sôi cho chín con tim, tôi đã quyết theo con đường xây thứ của riêng mình. Và lao vào học bỏ mẹ. Hệ thống đầu tiên tôi xây cũng bể, nhưng vẫn cứ học, vẫn cứ làm, vẫn cứ chuẩn bị một ngày dong thuyền căng gió ra khơi, thất bại làm lại. Học từ A đến Z. Từ những ngày đi làm không công gọi đến hết nước bọt 300 cuộc điện thoại trên ngày, đến những ngày mày mò tự làm web, tự thiết kế,... Sau 8 năm, tôi đã hoàn toàn làm chủ được một hệ thống kinh doanh lớn và đẻ ra thêm 6 hệ thống khác bằng việc xây các team, chưa kể ai cần và có thời gian, tôi vẫn nhận làm thuê cho họ. Khởi nghiệp, nhưng cần phải rõ cái đích đến của mình, mới chắc được.
Vậy nên, những ai đang làm chung, hãy dành thời gian làm thêm những cái thuyền nhỏ và cái phao nữa. Cùng với đó là học hỏi thật nhiều để xây một con thuyền lớn cho bản thân. Ngày hôm nay cá ăn kiến, nhưng ngày mai kiến hoàn toàn có thể ăn cá được.
Bài học số 5: Chiến lược lan tỏa thương hiệu giai đoạn đầu khởi nghiệp
Mọi vấn đề của doanh nghiệp sẽ được giải quyết phần lớn nếu có nhiều khách mua hàng. Muốn vậy, điều đầu tiên bạn phải làm là: Lan tỏa thương hiệu của bạn đến với thật nhiều người. Thường thường, số khách mua hàng sẽ chiếm 7% số người tiếp cận được. Vậy nên bạn phải lan tỏa càng mạnh càng tốt.
Và muốn lan tỏa ở trên Interntet hay cả ở trong thực tế đời sống, thì với một thương hiệu mới thành lập, bạn bắt buộc phải chơi chiến lược rải - tức là rải thật nhiều video, bài viết, hay rải nhiều tờ rơi.
Ví dụ như hãy bắn lên Internet thật nhiều video. Vì với một kênh Youtube mới lập, mối quan hệ không có, không thể nào vì một video mà nổi lên được, cho dù video đó có hãy đến mấy. Nên hãy chơi chiến lược phủ. Phủ thật nhiều video. Và cái mốc con số đầu tiên phải cán là 2000 video. Chính vì vậy, thay vì làm 1 video hoàn hảo, cả tuần mới nặn ra được 1, 2 cái. Bắt buộc bạn phải rải và phủ đến 20 video mỗi ngày. Nhớ là mỗi ngày. Cả tháng ra 100 video là bình thường. Nếu chỉnh cho hoàn hảo khéo mất mấy năm. Nên hãy bỏ qua tiểu tiết. Sự hoàn hảo luôn là kẻ thù của thành công là vì vậy. Cho dù có ai nói, video bạn chưa đẹp, hay video nói nhanh, hay video thế này, thế nọ,... bỏ qua đi, mấy người đó khuyên để thể hiện thôi, có biết chiến lược kinh doanh gì đâu. Tốt luôn là kẻ thù của vĩ đại. Muốn trở lên vĩ đại, bạn phải bỏ qua mấy cái nhỏ bé. Internet mà bạn rải cho triệu video là nổi ngay.
Tôi rất là buồn vì gặp nhiều doanh nghiệp hệ thống Marketing cực kỳ sơ sài, video lẹt đẹt vài cái, cái bài viết trên web thì lèo tèo, web dần trở thành web chết, xong lại oằn mình đổ tiền vào quảng cáo. Nó sẽ không bền. Hãy tập trung phủ nhiều video và nhiều bài viết. Kiểu gì thị trường Internet sẽ thuộc về bạn.