“Mỏ vàng” trăm ngàn tấn bị bỏ quên
Ngành nuôi trồng và chế biến tôm của Việt Nam đang phát triển rất nhanh, đem lại giá trị xuất khẩu cao, chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu ngành thủy sản Việt Nam. Năm 2018, Việt Nam đã chế biến 1 triệu tấn tôm và xuất khẩu đến 97 thị trường khác nhau, đạt giá trị 3,6 tỷ USD.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam đến năm 2025. Theo đó, đến năm 2025 cả nước phấn đấu đạt tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm tôm đạt 10 tỷ USD.
Theo dự tính, đến năm 2025 nếu ngành tôm Việt Nam đạt tổng kim ngạch xuất khẩu như trên thì đồng nghĩa lượng phụ phẩm tôm thải loại ra môi trường là khoảng 450.000 tấn, tương ứng mỗi ngày có hơn 1.000 tấn phụ phẩm bị thải loại khỏi dây chuyền sản xuất.. Đây là một con số khổng lồ.
450.000 tấn phụ phẩm tôm nếu không được tận dụng hợp lý sẽ trở thành nguồn chất thải lớn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Trong khi đó, với nhiều quốc gia trên thế giới, nguồn phụ phẩm tôm lại là nguyên liệu “vàng” để sản xuất chitosan.
Chitosan là một nguyên liệu đa năng, quý giá, để chế tạo ra rất nhiều sản phẩm công nghiệp, thương mại, y tế… rất cần thiết cho cuộc sống.
Trong y học, chitosan có khả năng thúc đẩy quá trình đông máu, là nguyên liệu để làm vật liệu y sinh như da nhân tạo, màng sinh học,…; Trong chế biến thực phẩm: Chitosan là một phụ gia thực phẩm tạo độ cứng, tạo keo, phân lớp và khử axit của trái cây, bánh kẹo, nước giải khát, thức ăn; Trong nông nghiệp, chitosan dùng để bảo vệ thực vật…
“Tại Cà Mau, thủ phủ của ngành công nghiệp nuôi trồng thủy sản, những năm về trước, vỏ tôm thải ra trong quá trình chế biến chất cao như núi và được phân loại vào khu rác thải có mùi, có nguy cơ hủy hoại bầu không khí dân sinh mà lại rất lãng phí. Trước tình trạng này, đồng thời để hưởng ứng Chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia của Bộ Khoa học và Công nghệ, công ty Vietnam Food (VNF) chúng tôi đã quyết định thực hiện dự án “Hoàn thiện công nghệ và hệ thống thiết bị sản xuất chitosan từ phụ phẩm tôm quy mô công nghiệp”, với mục tiêu đạt nguồn thu 50 đến 60 tỷ đồng mỗi năm.” – bà Nguyễn Thị Tuyết Nga, chủ nhiệm dự án cho biết.
Sản xuất chitosan quy mô công nghiệp: Việc không dễ nhưng lợi ích cao
Trước khi VNF thực hiện dự án “Hoàn thiện công nghệ và hệ thống thiết bị sản xuất chitosan từ phụ phẩm tôm quy mô công nghiệp”, trên cả nước mới chỉ có một số dự án nghiên cứu sản xuất chitosan từ phụ phẩm tôm ở quy mô phòng thí nghiệm, chứ chưa hề có dự án sản xuất ở quy mô công nghiệp và thương mại hóa thành công.
Theo dự kiến, khi dự án này thành công sẽ sản xuất chitosan nền từ chitin chất lượng cao ở quy mô 100 tấn thành phẩm/năm, thu về 50 – 60 tỷ đồng/năm, và trên hết là thiết lập tiêu chuẩn cơ sở cho sản phẩm chitosan tại Việt Nam vì hiện nay chúng ta chưa có tiêu chuẩn cụ thể để đánh giá chất lượng cho sản phẩm này. Đây sẽ là bước đi quan trọng để phát triển ngành sản xuất chitosan thành ngành công nghiệp trọng điểm của nước ta.
Sau 9 tháng triển khai, đến tháng 10/2019, nhóm nghiên cứu đã hoàn thiện việc nghiên cứu chitosan quy mô pilot, trong đó chất lượng chitosan hoàn toàn có khả năng cạnh tranh với sản phẩm từ nước ngoài.
“Dự án nghiên cứu này đòi hỏi nguồn kinh phí lớn và các thiết bị phân tích chuyên sâu hiện đại. Bên cạnh đó chúng ta còn thiếu nhiều phương pháp phân tích các chỉ tiêu hóa lý của sản phẩm chitin và chitosan. Thế nhưng nhóm nghiên cứu đã nỗ lực làm việc, chủ động khắc phục khó khăn. Đến thời điểm này chúng tôi đang thực hiện hoàn thiện hồ sơ mời thầu thiết bị phân tích, hóa chất, thiết bị sản xuất. Trong quá trình này không thể không kể đến sự hỗ trợ, tư vấn về cả kinh phí và các thủ tục liên quan của Văn phòng các Chương trình Khoa học và Công nghệ Quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ bà Nguyễn Thị Tuyết Nga, chủ nhiệm dự án cho biết thêm.
Nhóm dự án tin rằng, dự án này thành công sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển ngành sản xuất chitosan thành ngành công nghiệp trọng điểm của nước ta.
Nhiệm vụ nghiên cứu thuộc Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020, do Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý.
Bộ Khoa học và Công nghệ đã đưa vào triển khai các Chương trình khoa học và công nghệ quốc gia với mục tiêu tập trung các nguồn lực đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, lấy doanh nghiệp làm trung tâm hỗ trợ nghiên cứu, làm chủ, ứng dụng hiệu quả các công nghệ cao và tiên tiến trên thế giới.
Các nghiên cứu góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ, hàng hóa trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước.
Nhiệm vụ nghiên cứu thuộc Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020, do Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý.
Bộ Khoa học và Công nghệ đã đưa vào triển khai các Chương trình khoa học và công nghệ quốc gia với mục tiêu tập trung các nguồn lực đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, lấy doanh nghiệp làm trung tâm hỗ trợ nghiên cứu, làm chủ, ứng dụng hiệu quả các công nghệ cao và tiên tiến trên thế giới.