Hướng đi nào cho cây cảnh nghệ thuật Việt Nam hội nhập và phát triển

Huy Hoàng

Những ngày qua, giới yêu cây cảnh nghệ thuật Việt Nam bàn tán sôi nổi chủ đề “Hội nhập cây cảnh nghệ thuật, bonsai Quốc tế: Vị trí nào cho Việt Nam” sau khi một nhà vườn lớn tại Bắc Giang là chủ sở hữu mới của một trong những cây cảnh đẹp bậc nhất của vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc).

1561172402-196-anh1--14--1561165615-width650height433

Nhiều người vui mừng trước việc những nghệ nhân, doanh nhân, chủ nhà vườn Sinh Vật Cảnh Việt Nam sở hữu được nhiều tác phẩm cây cảnh nghệ thuật, bonsai nổi tiếng trên thế giới. Việc làm đã chứng tỏ rằng, trong lĩnh vực Cây cảnh nghệ thuật người Việt đã sẵn sàng hội nhập, tiếp thu những cái mới, phá bỏ sự bảo thủ trong lối mòn sáng tạo nghệ thuật. Đây là cách để so sánh về quan điểm trường phái tạo hình nghệ thuật, mặt bằng giá cả giữa các quốc gia, vùng lãnh thổ khác nhau để kích thích sự phát triển, góp phần bổ sung và hoàn thiện những bản sắc cây cảnh nghệ thuật của riêng Việt Nam đã có lịch sử hình thành, phát triển hàng ngàn năm.Ngay khi tác phẩm này hiện diện tại Việt Nam, trong giới chơi cây cảnh nghệ thuật Việt Nam đã có nhiều ý kiến trái chiều trước vấn đề giá trị nghệ thuật cây cảnh nghệ thuật truyền thống (cây thế) và cây cảnh nghệ thuật đương đại (Bonsai), giữa vấn đề cây nội và cây ngoại.Vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều…

Hội nhập cây cảnh nghệ thuật, bonsai Quốc tế: Cách tiếp cận nào phù hợp với Việt Nam - Ảnh 3

Ngay tại Việt Nam cũng có nhiều trường phái tạo hình cây cảnh nghệ thuật

Cũng có ý kiến lại cho rằng, việc ngày càng có nhiều người sẵn sàng bỏ tiền tỷ ra để mua những tác phẩm bonsai Quốc tế dễ tạo ra sự kích thích cho xu hướng “sính ngoại” của người Việt vốn có sẵn quan niệm “cái lạ bằng tạ cái quen”. Từ đó, không chỉ làm mất đi thị phần của một ngành nghề mà Việt Nam có thế mạnh, có truyền thông lâu đời mà còn góp phần bào mòn những giá trị cây cảnh cây thế Việt vốn là niềm tự hào của bao thế hệ. Đây cũng chính là thách thức không nhỏ trong việc cạnh tranh giữa cây cảnh cây thế Việt với bonsai quốc tế ngay trên sân nhà.

Có ý kiến cho rằng, mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ có những đặc trưng khí hậu, vi khí hậu, thổ nhưỡng khác nhau nên thông qua tự nhiên đã lựa chọn ra những loại cây đặc hữu để có thể tồn tại và phát triển bền vững trước sự khắc nghiệt của khí hậu. Con người sống trong môi trường khác nhau đó sẽ hình thành nên tập quán khác nhau, đặc trưng văn hóa khác nhau. Những giá trị nền tảng tinh thần đó sẽ tác động đến quan điểm nhân sinh quan trong sáng tác nghệ thuật. Chính vì vậy, cần phải thận trọng trong việc du nhập ồ ạt những giá trị văn hóa ngoại lại.

Hội nhập cây cảnh nghệ thuật, bonsai Quốc tế: Cách tiếp cận nào phù hợp với Việt Nam - Ảnh 5

Nhóm quản trị Bonsai World với nhiều hoạt động tại Việt Nam

Lại có luồng ý kiến trái chiều cho rằng, việc nhiều nhà vườn đầu tư để sở hữu những tác phẩm quý của thế giới sẽ xuất hiện những xu thế “trọng thương” hơn “trọng nhân”. Nghĩa là trọng người mua bán cây cảnh đẹp sẵn có của các nước trên thế giới về chơi hơn là việc tìm tòi sáng tạo tự mình làm ra những “đứa con tinh thần” để sở hữu, chăm sóc làm gia bảo, quốc bảo như các thế hệ cha anh đã làm.

Cũng không phải không có lý khi có người cho rằng, trải qua nhiều thập kỷ, giới nghệ nhân, doanh nhân chủ nhà vườn Sinh Vật Cảnh Việt Nam đã "tự biên tự diễn" trong sân nhà với những tiêu chí, niêm luật tạo hình truyền thống “cha truyền con nối” mang tính chất gia truyền nên sự tiệm cận với những giá trị, tiêu chí quốc tế còn có khoảng cách rất xa. Trong thời đại toàn cầu hóa, thế giới đã phẳng hơn rất nhiều thì mọi sự bảo thủ, không cởi mở hòa nhập sẽ dẫn tới tụt hậu. Vì ngày nay, mạng xã hội đã kết nối toàn cầu, chỉ bằng một cú nhập chuột mỗi người đều có thể đã giao thoa, trao đổi các giá trị, các kỹ nghệ sáng tạo với nhau mà không gặp bất kỳ một sự khó khăn hay rào cản kỹ thuật nào. Vậy sự bảo hộ hay ý chí chủ quan của một bộ phận trong cộng đồng có chống nổi xu hướng chung hay không?

cay0909_1

Cần đi tìm sự thống nhất trong đa dạng khác biệt

Trong một diễn biến khác, hàng ngày có tới hàng triệu "tín đồ" Bonsai ở nhiều quốc gia trên thế giới đang theo dõi từng "hơi thở" của thị trường cây cảnh Việt Nam với sự ngưỡng mộ về sức sáng tạo và sự phong phú về loại hình, chủng loại cây cảnh cây thế mang những nét đặc trưng văn hóa Việt Nam.

Chính họ lại đánh giá rất cao về cây cảnh cây thế Việt Nam. Trong một lần trao đổi với người viết bài này, nhóm nghệ nhân quốc tế đến từ Israel đã nhận xét: “Các bạn đã đạt những bước tiến khá xa trên bầu trời nghệ thuật Bonsai Quốc tế. Ở nước tôi, người ta bắt gặp khá nhiều phong cách Bonsai Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan...nhưng tất cả chúng rất công thức. Nhưng ở đây chúng tôi bắt gặp một trường phái nghệ thuật bonsai giàu cảm xúc và rất có bản sắc riêng. Tôi sẽ tìm cách đưa những tác phẩm mang phong cách Việt Nam làm phong phú bộ sưu tập của mình. Thế giới nên biết đến Bonsai Việt Nam như biết tới tà áo dài duyên dáng của sứ sở này. Tôi yêu những gì khác biệt có hệ thống và có ý tưởng sâu sắc từ những nghệ nhân Bonsai Việt Nam...”.

(You have made great strides in the art of international bonsai. In my country, people have come across many bonsai styles of Japan, China, South Korea, Thailand ... but all of them are very traditional. But here we come across an art of bonsai that is rich in emotion with a very own identity. I will try to bring Vietnamese-style works to enrich my collection. The world should know about Bonsai Vietnam just like knowing about the charming ao dai of this land. I love the systematic differences and deep ideas from Vietnamese bonsai artisans...).

Ở Úc châu, nhóm nghệ nhân quốc tế hàng đầu của nước này đã mở diễn đàn Bonsai World để giảng dạy, hướng dẫn, kết nối về bonsai toàn cầu họ đã tổ chức những buổi đi thăm quan trao đổi kinh nghiệp thực tế cho những học viên của mình tại nhiều nhà vườn cây cảnh của Việt Nam.

Hội nhập cây cảnh nghệ thuật, bonsai Quốc tế: Cách tiếp cận nào phù hợp với Việt Nam - Ảnh 12

Trung tâm Bonsai Thanh Tâm với những khóa học dành cho người nước ngoài

Hay ở Trung tâm đào tạo Bonsai Thanh Tâm (TP.Hồ Chí Minh) nhiều năm nay đã mở các lớp đào tạo cho các học viên Quốc tế từ nhiều quốc gia đến học tập kỹ thuật tạo tác cây cảnh, cây thế của Việt Nam. Còn nghệ nhân Lâm Ngọc Vinh (cũng tại TP. Hồ Chí Minh) nhiều năm nay được nhiều quốc gia mời sang trực tiếp giảng dạy về nghệ thuật tạo tác bonsai, cây cảnh nghệ thuật, tiểu cảnh mang phong cách Việt Nam. Bước đầu, có thể họ bị hấp dẫn bởi những yếu tố khác lạ trong tạo hình cây cảnh cây thế Việt Nam như chính chúng ta thích bonsai của họ chăng? Hay việc làm đó, xuất phát từ niềm đam mê cây cảnh nghệ thuật thuần túy. Nhưng rõ ràng, đó là những tín hiệu rất tốt để quảng bá văn hóa Việt Nam, cây cảnh Việt Nam, hình ảnh về Việt Nam, Đất nước, Con người đến với thế giới bên ngoài bao la.

Hội nhập cây cảnh nghệ thuật, bonsai Quốc tế: Cách tiếp cận nào phù hợp với Việt Nam - Ảnh 13

Nghệ nhân Lâm Ngọc Vinh với những khóa đáo tạo quốc tế cho nhiều học viên các nước

Tôn trọng sự khác biệt, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa, nét đẹp cây cảnh nghệ thuật bên ngoài để bổ sung và hình thành những bản sắc riêng hội tụ cả yếu tố dân tộc và yếu tố thời đại trong từng giai đoạn cụ thể của lịch sử là vô cùng cần thiết. Vì vậy, không nên bảo thủ cực đoan, càng không nên dông dài thái quá trong việc tiếp cận ồ ạt những yếu tố khác lạ từ bên ngoài để dẫn đến có thể bị hòa tan, phụ thuộc trong quá trình hội nhập và tiếp biến văn hóa.  Lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của ông cha đã chứng minh, các lực lượng từ bên ngoài dù đã dùng mọi phương thức để thâm nhập, xâm lấn, thậm chí là đồng hóa về văn hóa, nền tảng tư tưởng, vật chất và tinh thần của dân tộc nhưng cuối cùng chúng đã thất bại hoàn toàn trong cay đắng!

Hội nhập cây cảnh nghệ thuật, bonsai Quốc tế: Cách tiếp cận nào phù hợp với Việt Nam - Ảnh 14

Một trong những tác phẩm mang bản sắc văn hóa nghệ thuật cây cảnh, cây thế Việt Nam

Dũng cảm mở cửa "đón gió" hội nhập bằng tâm thế, trí tuệ, truyền thống, nền tảng văn hóa Việt Nam nói chung, cây cảnh cây thế Việt Nam nói riêng để chiêu cảm những tâm hồn đồng điệu với văn hóa, nghệ thuật bonsai trên toàn thế giới phục vụ sự phát triển nhanh, mạnh và bền vững mới là điều quan trọng hàng đầu. Những người yêu cây cảnh ở nhiều nơi trên thế giới, họ khác nhau ở màu da, tiếng nói, môi trường văn hóa và nền tảng tư tưởng vật chất, tinh thần nhưng lại giống nhau ở niềm đam mê đi tìm vẻ đẹp trong thiên nhiên, kiến tạo những giá trị văn hóa mới trong mối quan hệ hài hòa giữa con người với thiên nhiên và Sinh Vật Cảnh. Từ lâu con người đã nhận ra thế giới này quả là rộng và có nhiều việc phải làm nhưng vẫn là giới hạn. Duy chỉ có nghệ thuật là không giới hạn, sự sáng tạo của con người là tài nguyên không bao giờ vơi cạn. Nghệ thuật là kết quả của những gì thăng hoa hướng thiện, là sợi dây vô hình kết nối giữa con người với thiên nhiên, con người với con người cho cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn, là đích đến của mỗi con người, mỗi quốc gia.

Hội nhập cây cảnh nghệ thuật, bonsai Quốc tế: Cách tiếp cận nào phù hợp với Việt Nam - Ảnh 17

Chính những nghệ nhân nước ngoài phải thừa nhận nhiều tác phẩm cây cảnh Việt Nam không thua kém gì bonsai nghệ thuật thế giới

Thiết nghĩ, với văn hóa trong môi trường mở toàn cầu, phương thức tiếp cận bền vững nhất là “Đi tìm sự thống nhất trong đa dạng khác biệt”, chủ động tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa văn hóa, giá trị thời đại để bổ sung, hoàn thiện và làm đậm đà, sâu sắc hơn những bản sắc văn hóa, giá trị dân tộc. Điều này, không chỉ đúng với việc hội nhập và phát triển cây cảnh nghệ thuật mà còn phù hợp với nhiều lĩnh vực trong cuộc sống.