Khi tour du lịch trở thành cái bẫy
Với tâm lý muốn tiết kiệm chi phí và tận dụng ưu đãi hè, anh Nguyễn Thanh Long (quận 1, TP.HCM) đã không ngần ngại đặt tour Phú Quốc cho cả gia đình qua một website mới lạ nhưng trông rất chuyên nghiệp. Mức giá 2,5 triệu đồng/người cho gói 3 ngày 2 đêm, bao gồm vé máy bay khứ hồi và khách sạn 4 sao, đủ sức thuyết phục anh chuyển khoản ngay 10 triệu đồng. Nhưng thay vì vé điện tử và lịch trình, anh chỉ nhận được… sự im lặng tuyệt đối.

Không riêng anh Long, chị Đỗ Hồng Nga (TP.Thủ Đức) cũng suýt trở thành “nạn nhân bất đắc dĩ” khi đặt tour qua một fanpage mạo danh công ty du lịch nổi tiếng. “Họ có đầy đủ hình ảnh, bài viết giống y trang thật, lại tư vấn rất chuyên nghiệp. Nhưng khi yêu cầu chuyển khoản đặt cọc vào tài khoản cá nhân, tôi nghi ngờ và gọi đến công ty thì không liên lạc được. Nhờ đến tận nơi kiểm tra, tôi mới biết đó là trang giả mạo", chị kể lại.
“Giá sốc” – chiếc mồi nhử ngọt ngào của lừa đảo du lịch
Mỗi mùa cao điểm du lịch, thị trường lại chứng kiến sự bùng nổ của các chương trình khuyến mãi hấp dẫn: từ tour nghỉ dưỡng 3 ngày chỉ vài triệu đồng đến combo khách sạn – vé máy bay giá “rẻ như cho”. Tuy nhiên, ẩn sau những con số bắt mắt ấy là hàng loạt bẫy lừa được dựng lên tinh vi, có chủ đích. Nhiều đối tượng đã sao chép website, fanpage của các công ty du lịch lớn, sử dụng hình ảnh thật, nội dung thật, thậm chí giả mạo nhân viên để tạo niềm tin. Khi người dùng nhẹ dạ chuyển khoản, chúng lập tức cắt liên lạc và biến mất không dấu vết.

Theo các chuyên gia, đây không còn là hiện tượng rải rác mà đang dần trở thành một "dịch vụ lừa đảo" có tổ chức. Các chiêu trò ngày càng đa dạng: từ hứa hẹn tour giá rẻ không căn cứ, giả mạo vé máy bay, đặt phòng khách sạn “ma”, đến việc yêu cầu thanh toán qua tài khoản cá nhân thay vì tài khoản công ty. Với hình thức tinh vi như vậy, ngay cả những người từng có kinh nghiệm du lịch cũng có thể bị đánh lừa nếu thiếu tỉnh táo. Các chuyên gia cảnh báo, người tiêu dùng cần chủ động kiểm tra thông tin dịch vụ, đối chiếu tên công ty thụ hưởng khi chuyển khoản và tuyệt đối không để giá rẻ làm lu mờ sự thận trọng.
Người tiêu dùng thông minh – lớp “áo giáp” cần thiết
Trước thực trạng này, nhiều doanh nghiệp du lịch không chỉ tập trung vào việc bán tour mà còn chủ động nâng cao nhận thức cộng đồng, thông qua các chiến dịch truyền thông về cách đặt dịch vụ an toàn, phòng tránh lừa đảo.
Bà Trần Thị Bảo Thu – Giám đốc Tiếp thị và Truyền thông Vietluxtour khuyến cáo, thay vì chạy theo giá rẻ, khách hàng nên quan tâm đến tính minh bạch của dịch vụ: từ tên công ty, phương thức thanh toán, thông tin liên hệ cho đến hợp đồng rõ ràng. “Khách nên chọn đặt qua website có dấu xác thực, kiểm tra kỹ đơn vị nhận tiền, đọc kỹ điều kiện đi kèm. Nếu thấy yêu cầu chuyển khoản vào tài khoản cá nhân – đó là dấu hiệu cần nghi ngờ”, bà Thu chia sẻ.

Ngoài ra, du khách có thể tham khảo đánh giá từ cộng đồng du lịch uy tín, hoặc hỏi ý kiến từ bạn bè, người thân đã có kinh nghiệm. Đối với nhóm gia đình có người già, trẻ em, bà Thu khuyên nên chọn tour trọn gói từ đơn vị lớn, để được chăm sóc từ đầu đến cuối hành trình.
Doanh nghiệp hành động, người dùng phải tỉnh táo
Trước sự gia tăng và biến tướng của các hành vi lừa đảo trong du lịch trực tuyến, nhiều doanh nghiệp không chỉ dừng lại ở việc cảnh báo, mà còn chủ động nâng cấp hạ tầng số và quy trình bán hàng để bảo vệ khách hàng. Một số công ty lữ hành lớn đã triển khai hệ thống đặt tour thông minh tích hợp xác minh hai lớp, đồng thời thiết lập đội ngũ chăm sóc khách hàng trực tuyến để giải đáp, xác thực thông tin khi người dùng cần kiểm tra nguồn gốc fanpage, số điện thoại hay tài khoản ngân hàng.

Tuy vậy, theo các chuyên gia trong ngành, nỗ lực từ phía doanh nghiệp chỉ có thể phát huy tối đa khi người tiêu dùng giữ vai trò trung tâm trong việc phòng ngừa rủi ro. Việc tỉnh táo trước các ưu đãi “quá đẹp để là thật” chính là bước đầu tiên để tự bảo vệ bản thân. Không nên tin tưởng tuyệt đối vào quảng cáo trên mạng xã hội, không chuyển tiền qua tài khoản cá nhân và luôn ưu tiên các kênh đặt tour chính thức – đó là những nguyên tắc cơ bản nhưng hiệu quả trong bối cảnh lừa đảo kỹ thuật số đang ngày càng lan rộng. Theo ông Nguyễn Minh Mẫn – chuyên gia trong ngành, giải pháp căn cơ vẫn nằm ở ý thức của người tiêu dùng.
“Một kỳ nghỉ trọn vẹn không chỉ nhờ cảnh đẹp hay khách sạn sang, mà đến từ việc bạn kiểm soát được trải nghiệm đó ngay từ bước đầu – lựa chọn và thanh toán dịch vụ. Nếu mỗi người tỉnh táo hơn trước lời mời gọi hấp dẫn, thì bẫy lừa tour giá sốc sẽ không còn đất sống”, ông Mẫn nhấn mạnh.