Biến thể SARS-CoV-2 ở Nam Phi làm giảm hiệu quả vaccine

(Chinhphu.vn) - Hai hãng Novavax và Johnson & Johnson (J&J) của Mỹ thông báo biến thể của virus SARS-CoV-2 tại Nam Phi đã làm giảm hiệu quả của vaccine ngừa COVID-19 do họ chế tạo.

(Chinhphu.vn) - Hai hãng Novavax và Johnson & Johnson (J&J) của Mỹ thông báo biến thể của virus SARS-CoV-2 tại Nam Phi đã làm giảm hiệu quả của vaccine ngừa COVID-19 do họ chế tạo.
Ảnh minh họa
Chủng 501Y.V2 được phát hiện ở Nam Phi và được báo cáo lần đầu tiên vào ngày 18/12/2020 cho Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Biến thể này do mạng lưới các nhà khoa học trên toàn Nam Phi phát hiện ra khi truy vết gene virus. 

Trưởng nhóm chuyên gia nghiên cứu về COVID-19 của WHO, tiến sĩ Maria Van Kerkhove cho biết biến thể tại Nam Phi và các biến thể khác của SARS-CoV-2 đều gây biểu hiện bệnh lý giống nhau với cùng mức độ nghiêm trọng theo tiêu chí về số bệnh nhân phải nhập viện điều trị và số ca tử vong.

Tuy nhiên, hôm 28/1, hãng Novavax công bố các kết quả thử nghiệm lâm sàng bước đầu cho thấy vaccine của hãng chỉ đạt hiệu quả 50% đối với các bệnh nhân ở Nam Phi, trong khi tỉ lệ ở Anh lại đạt đến 89,3%.

Đến ngày 29/1, đến lượt hãng dược J&J cho biết loại vaccine tiêm một mũi của hãng đạt hiệu quả 66% trong khuôn khổ thử nghiệm lâm sàng rộng khắp ở 3 châu lục, nhưng có tỉ lệ thành công khá khác biệt tùy theo vị trí địa lý. Chẳng hạn tỉ lệ thành công đạt đến 72% tại Mỹ nhưng chỉ đạt 57% tại Nam Phi.

Trước đó, tạp chí Nature đã dẫn các nghiên cứu công bố liên tiếp gần đây ghi nhận biến thể của SARS-CoV-2 còn có khả năng lẩn tránh phản ứng miễn dịch tạo ra do vaccine và lần nhiễm bệnh COVID-19 trước (gây ra do chủng virus cũ).

Cũng liên quan đến vấn đề vaccine COVID-19, theo AFP, Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) cho biết không có mối liên hệ nào giữa các trường hợp tử vong sau khi tiêm vaccine của Pfizer-BioNTech và các tác dụng phụ của vaccine.

EMA công bố kết luận này sau khi đánh giá các dữ liệu đầu tiên thu thập từ chương trình triển khai tiêm vaccine COVID-19.

Theo đó, cơ quan này cho biết họ đã tìm hiểu các trường hợp tử vong, trong đó có một số người lớn tuổi và kết luận rằng các dữ liệu không cho thấy có mối liên hệ nào giữa việc tiêm vaccine Comirnaty (tên chính thức của vaccine do Pfizer-BioNTech chế tạo) và các trường hợp tử vong này.

Cũng trong nội dung cập nhật đầu tiên kể từ khi Liên minh châu Âu bắt đầu chiến dịch tiêm chủng trong tháng 12, EMA cho biết dữ liệu thu nhận được nhất quán với mức độ an toàn đã biết của vaccine và không phát hiện những tác dụng phụ mới nào.

Cũng theo EMA, những báo cáo ghi nhận về các trường hợp thi thoảng bị dị ứng nặng với vaccine cũng đều không vượt quá so với những phản ứng phụ đã biết.

Cho tới nay, EMA đã phê chuẩn 2 vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech và Moderna. Theo kế hoạch, EMA sẽ phê chuẩn vaccine thứ 3 do Đại học Oxford và hãng AstraZeneca phát triển.

Thời gian qua, một số nước như Na Uy, Đan Mạch, Phần Lan, Iceland và Thụy Điển đã ghi nhận một số trường hợp tử vong sau khi được tiêm vaccine COVID-19 của Pfizer-BioNTech. Trong đó, Na Uy ghi nhận 33 ca tử vong trong số những người cao tuổi được tiêm liều vaccine đầu tiên nhưng chưa thể chứng minh có mối liên hệ nào giữa việc tiêm vaccine và tình trạng tử vong sau đó.

Trẻ em mắc COVID-19 dễ lây hơn người lớn

Một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí y học The Lancet xác nhận trẻ em ít bị nhiễm COVID-19 hơn người lớn nhưng lại dễ lây cho người khác hơn. Ngoài ra, trẻ em ít khi mắc bệnh nghiêm trọng dù có triệu chứng nhiễm giống như người lớn.

Các nghiên cứu trước đây đã ghi nhận hiện tượng trẻ em ít bị nhiễm virus SARS-CoV-2 hơn người lớn. Dù vậy, nghiên cứu mới do các nhà khoa học Mỹ và Trung Quốc thực hiện cho biết trẻ em dễ lây nhiễm cho người khác hơn người lớn.

Họ đã khảo sát 29.578 ca dương tính ở Vũ Hán thuộc 27.101 hộ gia đình. Trong 57.581 ca tiếp xúc với người nhiễm sau đó có 10.367 người có kết quả xét nghiệm dương tính và 17.556 người không qua xét nghiệm.

Kế đến, các nhà khoa học chia các bệnh nhân theo nhóm tuổi để khảo sát. Kết quả khảo sát cho thấy những người dưới 20 tuổi lại có khả năng lây nhiễm cho người khác cao hơn 60% so với những người từ 60 tuổi trở lên.

Ngoài ra, trẻ em và thiếu niên có thể phát triển các triệu chứng nhiễm như người lớn nhưng ít có khả năng mắc bệnh nghiêm trọng hơn.

TS. Ramanan Laxminarayan, trưởng nhóm nghiên cứu, đưa ra kết luận với hãng tin AFP: "Trẻ em giữ vai trò quan trọng trong chuỗi lây truyền bệnh".

Từ nghiên cứu đã nêu, cần xem xét lại chiến lược tiêm chủng vốn loại trừ trẻ em trong các thành phần được ưu tiên tiêm vaccine COVID-19.

Ở Pháp, Bộ trưởng Xã hội và Y tế Olivier Véran khẳng định sẽ thay đổi chiến lược tiêm vaccine nếu có đầy đủ dữ liệu chứng minh trẻ em dễ lây nhiễm hơn.

H.Phương (tổng hợp)