Bông huệ trắng

Buổi trưa, tôi thường ra coi tiệm cho vợ về ăn cơm. Vợ chồng tôi có một tiệm nhỏ bán hoa tươi ở chợ. Gọi là tiệm cho sang, thật ra đó chỉ là một cái sạp nhỏ mấy mét vuông nằm lọt thỏm giữa khu chợ suốt ngày đông đúc và lắm tiếng ồn.

267162289-713597232940600-1485438636826202737-n-1639460139.jpgẢnh sưu tầm

Được cái, sạp nằm ngay ngã tư con lộ chính nên khá đông khách. Và, với một thằng viết văn làng nhàng như tôi, nhờ vậy cũng sống tạm qua ngày cùng người vợ giỏi giang và sạp bán hoa tươi đắt khách quanh năm. Quả chính cái sạp nầy nuôi cả nhà tôi nhưng điều tôi thích hơn vẫn là hàng ngày, cứ mỗi buổi trưa ra sạp lại được nhìn ngắm thỏa thích những đóa hoa tươi thắm, đủ màu sắc khoe rực rỡ trên bước chân người qua lại.

Một gian nhà đầy hoa, có loại tôi biết tên, loại không biết tên cứ như làm lòng tôi dịu hẳn lại trong cơn kiếm sống tất bật hàng ngày, trong những trang viết đầy gai góc. Không gì làm lòng ta thanh thoát, dịu êm và lắng đọng hơn bằng hoa, hình như R. Tagore bảo vậy. Tôi tin ông thi hào Ấn Độ nầy khi nói về hoa như là một thứ tôn giáo trong đời sống. Nó cũng làm người ta mê mải, đam mê, đắm đuối tôn thờ.. Chẳng phải các loài hoa đều được đặt những nơi cao quý nhất đó sao? Chẳng phải những tình yêu thuần khiết nhất đều bắt đầu từ biểu tượng một loài hoa. Và các đôi trai gái yêu nhau. Có lời tỏ tình nào êm dịu, tuyệt vời hơn khi tặng nhau một đóa hồng hay hoa “Xin đừng quên tôi” chớm nở.

…Nhưng thôi, tôi chỉ mơ mộng tí chút khi ngồi chễm chệ trên chiếc ghế thật cao, đảo mắt nhìn quanh xem có ai đi ngang qua mà mời mọc: “Hoa tươi đây, hoa Đà Lạt mới đem về đây… Mời anh chị ghé mua… Bảo đảm giá cả và chất lượng…” Vợ tôi bảo tôi mời khách như vậy, giọng nói phải nhẹ nhàng, từ tốn người ta mới chịu vào, cái thằng tôi đôi khi cũng được việc. Thần sắc tôi trông tội nghiệp thế nào không biết nhưng cứ hễ ai ghé vào sạp, nghe tôi chào mời, nỉ non một hồi, không ít thì nhiều, thế nào họ cũng mua hoa giúp tôi.

Khách hàng quen thuộc nhất của tôi lại là một thằng bé. Vâng, một thằng bé đâu chừng mười bốn, mười lăm tuổi dáng lêu khêu, gương mặt hiền lành, dễ thương, hầu như trưa nào cũng đến chỗ tôi mua hoa. Nó mua không nhiều, mỗi lần một bó nhỏ giá chỉ có vài ngàn nhưng lại lựa rất kỹ, mà chỉ đặc biệt mua hoa huệ trắng. Lúc đầu, tôi cũng ngạc nhiên. Hỏi nó mua hoa làm gì, nó chỉ lắc lắc đầu không nói không rằng một câu. Riết rồi tôi thấy kệ! Mắc gì đến tôi. Nó có tiền nó mua, tôi có hoa tôi bán. Cứ ba ngàn một bó sáu chiếc mà đếm tới. Ngữ nầy chắc mang tặng bồ, tặng bịch gì đây. Ôi, cái thằng con nít ranh hỉ mũi còn chưa sạch, mới chừng ấy tuổi chưa nứt mắt đã tí tởn làm người lớn, tôi nhủ thầm trong bụng như vậy. Trả tiền tôi lúc nào cũng là những tờ giấy bạc nhàu nát như bộ đồ thằng bé đang mặc. Nó đến và đi lặng lẽ, đôi mắt đen mở to lấp lánh niềm vui và bước đi như chạy lẫn vào trong khu phố đông người. Tôi cứ băn khoăn tự hỏi không biết nó làm gì, mua hoa tặng ai… Thi thoảng, có vài cánh hoa đẹp còn dôi ra trong chậu, tôi nhã ý tặng nhưng nó nhất định không lấy. Buổi trưa, dù trời nắng hay mưa, cứ như đến giờ hẹn, nó lại đến tôi mua hoa huệ trắng với những đồng tiền nhàu nát rồi bươn bả bước đi không nói một lời nào…

…Bẵng đi một thời gian khá lâu, tôi không gặp thằng bé. Vợ tôi lúc nầy bán hoa luôn vào buổi trưa nên tôi không phải trông chừng sạp. Tôi có hỏi về thằng bé mua hoa huệ trắng thì cô ấy lắc đầu quầy quậy:

- Thằng bé nào thế, sao em không biết? Mà trăm người bán vạn người mua, hơi đâu để ý. Nó mua hoa làm gì? Hay là nó lại gạ ông rồi ăn cắp hoa đấy! Trẻ con bây giờ táo tợn lắm…

Tôi không biết nói gì thêm và quên bẵng chuyện mua hoa huệ trắng. Mãi cho đến một hôm, tôi nhớ là chiều thứ bảy, sẵn mới lãnh tiền nhuận bút, tôi hào phóng dẫn vợ con đi ăn tiệm. Quán đông nghịt người. Tôi đang cắm cúi ăn thì một giọng trẻ con rụt rè phát ra từ sau lưng:

- Cháu… Cháu mời chú đánh giày…

- Không! Tôi lạnh lùng đáp.

- Chú làm ơn! Từ sáng giờ cháu chưa đánh được đôi giày nào! Tiếng thằng bé khẩn khoản.

- Đã bảo là không mà, tôi gắt.

Tôi bực mình ngoái nhìn lại và chợt nhận ra thằng bé. Cặp mắt lóng lánh thơ ngây và gương mặt dễ thương kia thì không lẫn vào đâu được nhưng nụ cười hạnh phúc mỗi lần mua hoa của tôi thì biến đâu mất. Nhường lại là gương mặt buồn thiu như chực khóc…

- Cháu có phải là thằng bé vẫn thường mua hoa của chú! Tôi hấp tấp hỏi mà lòng xốn xang.

- Dạ.. Là cháu. Thằng bé lí nhí.

- Thì ra… cháu làm nghề đánh giày! Mà sao lâu lắm chú không thấy cháu đến mua hoa! Tôi hỏi.

- Dạ… Thằng bé ngập ngừng hồi lâu mới trả lời. Dạo này cháu đánh giày ế quá chú ạ! Có khi cơm còn không đủ ăn!

Miếng đồ ăn trên miệng tôi bỗng đắng ngắt. Tôi nghẹn như không nuốt nổi, thương cảm nhìn thằng bé gầy rộp đi so với lần đầu tôi gặp. Tôi nhìn kỹ nó, vẫn bộ đồ cũ nát, nhiều chỗ rách hơn và nước da nhợt nhạt chắc vì thiếu ăn thiếu ngủ. Nhìn các con tôi đang nô đùa, vui vẻ tíu tít trò chuyện quanh bàn ăn thừa mứa, bất giác tôi thấy chạnh lòng.

- Thế ba mẹ cháu đâu? Tôi hỏi.

Như chạm vào nỗi đau nào đó, thằng bé không trả lời, cặp môi mím chặt lại. Mắt nó ngân ngấn nước. và chẳng nói thêm một câu nào, thằng bé lửng thửng ôm thùng đánh giày bước đi trước khi tôi kịp kêu nó lại. Buổi ăn tiệm của tôi xem như đã hỏng. Trên đường về, tôi cứ ân hận là không kịp hỏi chỗ ở của nó để may ra, tôi còn gặp lại nó, ít ra cũng giúp được nó tí gì. Nhưng tôi chắc rằng, điều ấy thằng bé cũng chẳng nói ra đâu…

*

Lúc này, cửa hàng bán hoa của vợ tôi ế ẩm. Tôi bỏ ngang công việc viết lách buổi trưa ra trông chừng cửa hàng. Với lại, tôi cũng có ý đợi thằng bé với nỗi cồn cào khôn tả. Bao nhiêu câu hỏi trong đầu của tôi về thằng bé chưa giải đáp được. Nó con nhà ai, ở đâu? Sao nó lại cứ để dành mua hoa với đồng tiền đánh giày ít ỏi? Tôi chỉ biết chắc một điều tiền nó dành dụm mua hoa là những đồng bạc lẻ nhàu nát. Ở đâu ra nếu không phải là tiền của nó chắt chiu từ những lần đánh giày hiếm hoi trong ngày? Và câu hỏi lởn vởn nhiều nhất trong đầu tôi là nó mua hoa để làm gì trong khi nó phải nhịn ăn, nhịn mặc… Nó xuất hiện trước tôi như những điều bí ẩn mà cho dù có cố cách nào, tôi cũng không giải đáp nổi… Ơn trời, trưa nay tôi lại gặp nó. Cũng cái dáng lêu khêu, nước da đen sạm và đôi mắt long lanh và trên người là bộ đồ rách rưới. Trên tay cầm chiếc hộp đánh giày, nó xăm xăm tiến về cửa hàng, moi ra những đồng tiền cũ nát và chìa ra cho tôi:

- Chú bán cho cháu bó hoa huệ trắng như mọi lần. Nó nói, mắt ngời hạnh phúc.

Lần nầy thì tôi không hỏi nó nữa. Tôi đã có cách của mình để khám phá bí mật của thằng bé. Lựa hoa cho nó xong, tôi lặng lẽ kín đáo nhìn nó. Đôi mắt nó như nở bừng lên với niềm vui vô hạn. Sau tiếng cám ơn ngắn ngủi, thằng bé tung tăng bước lẫn vào giữa đám đông với bó hoa trên tay đung đưa trước mặt. Tôi nhanh nhẹn rảo bước theo thằng bé. Chút nữa thì tôi mất hút nó trong đám đông khu chợ. Nó bước đi như chạy mà không hề hay rằng tôi đang hấp tấp theo sau. Một ngã quặt, rồi một ngã tư, tiếp đến là đường ra ngoại ô. Nó ra đây làm gì nhỉ? Trời đang chuyển cơn mưa lớn… Mặc! Tôi cứ đi theo nó mà trong lòng ngổn ngang bao nhiêu là câu hỏi…

Cái nghĩa trang thành phố hiện ra trước mắt tôi. Thằng bé vẫn xăm xăm tiến bước như đã quá quen các đường ngang ngõ tắt quanh các ngôi mộ. Mưa đã bắt đầu rơi. Sau một hồi quanh quất, nó đứng trước một ngôi mộ thấp lè tè cỏ mới lên xanh. Tôi đứng nấp sau chiếc mộ lớn, tò mò xem nó sẽ làm gì. Nó đứng đấy, trước ngôi mộ không bia kia, nghiêm trang, thành kính, mắt ngời hạnh phúc, miệng mấp máy như khấn nguyện điều gì... Mưa rơi mỗi lúc một nặng hạt. Nó cứ đứng như thế, co ro trong chiếc áo cũ mỏng manh, rách nát với bó hoa huệ trắng, run rẩy cầm trên bàn tay gầy guộc đặt bó hoa tươi trước ngôi mộ thấp bé, cỏ đã ướt đẫm nước mưa. Không thể chờ lâu hơn, tôi bước gần đến nó. Thằng bé như không hề biết đến sự hiện diện của tôi, hai chân quỳ trước mộ và tôi nghe nó nói tiếng được, tiếng mất giữa màn mưa:

- Con lại đến thăm mẹ đây, mẹ ơi! Con mang cho mẹ những đóa huệ trắng mà mẹ rất thích khi còn sống! Xin mẹ phù hộ cho con trong cuộc đời này… Con nhớ mẹ lắm…. Mẹ ơi…

Tôi lặng người nhìn thằng bé. Nó vụt lớn lên trong tôi, cao sang, thanh khiết như những bông huệ trắng khẽ rung lên, tuyệt đẹp, tinh tuyền. Mưa xối xả rơi trong nghĩa trang mà lòng tôi cứ ấm áp đến lạ kỳ. Những đóa huệ trắng như sáng rực lên giữa màn mưa đen kịt ./.

 VuLe Biên tập

Theo Chuyện quê