Ảnh: Internet
1. Tổ chức đợt sinh hoạt chính trị tư tưởng sâu rộng trong các cấp Hội, cán bộ và hội viên phụ nữ cả nước theo chủ đề “Giữ trọn niềm tin theo Đảng”
Chào mừng kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, hướng tới đại hội Đảng các cấp và Đại hội Đảng toàn quốc XIII, Hội LHPN Việt Nam đã xây dựng tài liệu sinh hoạt hội viên về lịch sử 90 năm vẻ vang của Đảng;hướng dẫn các cấp Hội tổ chức cho hội viên, phụ nữ đóng góp ý kiến vào dự thảo văn kiện Đại hội Đảng các cấp, tập trung vào các vấn đề phát huy vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, thực hiện bình đẳng giới; chỉ đạo Hội LHPN các cấp tổ chức các đợt tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng, các nội dung của Đại hội Đảng, kết quả Đại hộitrước, trong và sau Đại hội Đảng các cấp.
TW Hội triển khai nghiên cứu rà soát các vấn đề liên quan đến phụ nữ và công tác phụ nữ trong Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc các nhiệm kỳ từ năm 1986 đến nay làm cơ sở để tuyên truyền và vận động phụ nữ đóng góp ý kiến vào dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc XIII; hướng dẫn các cấp Hội tổ chức cho cán bộ, hội viên, phụ nữ cả nước đóng góp ý vào dự thảo đề cương văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc XIII gắn với các hoạt động kỷ niệm 90 năm thành lập Hội LHPN Việt Nam và Ngày Phụ nữ Việt Nam trong nửa cuối tháng 10 và nửa đầu tháng 11; tổ chức các hội thảo tham vấn chuyên gia, tổ chức diễn đàn lấy ý kiến nữ trí thức, nữ doanh nhân. Đây là đợt sinh hoạt chính trị có ý nghĩa quan trọng nhằm phát huy quyền làm chủ của cán bộ, hội viên phụ nữ góp phần hiến kế xây dựng Đảng, xây dựng đất nước.
2. Các hoạt động chào mừng Kỷ niệm 90 năm thành lập Hội LHPN Việt Nam
Trong suốt năm, các cấp Hội trong cả nước tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống như về nguồn các “địa chỉ đỏ” của Hội, theo dấu chân những người nữ anh hùng, giao lưu nhân chứng lịch sử của các phong trào phụ nữ tiêu biểu như “Đội quân tóc dài”, “Ba đảm đang” thi tìm hiểu 90 năm lịch sử Hội LHPN Việt Nam… Trong những ngày kỷ niệm quan trọng của đất nước và của Hội, TW Hội tổ chức một số sự kiện lớn.
2.1. Đợt thi đua đặc biệt lập thành tích chào mừng Đại hội Thi đua yêu nước Hội LHPN Việt Nam lần thứ IV và kỷ niệm 90 năm thành lập Hội LHPN Việt Nam (1930- 2020) với chủ đề “90 hành động thiết thực vì phụ nữ và trẻ em”
Đợt thi đua được phát động trong hệ thống Hội từ tháng 1/2020 đến tháng 9/2020, tổng kết đợt thi đua trong Đại hội thi đua yêu nước Hội LHPN Việt Nam lần thứ IV và dịp kỷ niệm 90 năm thành lập Hội LHPN Việt Nam.
Theo đó, các cấp Hội lựa chọn nội dung và cách thức hành động thiết thực phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, đơn vị, trọng tâm ưu tiên là các hành động thiết thực hưởng ứng theo chủ đề năm “An toàn cho phụ nữ và trẻ em”, các nhiệm vụ trọng tâm năm 2020, chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, các nhiệm vụ quan trọng đột xuất theo chỉ đạo của Đảng, Nhà nước (như nhiệm vụ phòng chống dịch Covid 19…). Phấn đấu kết thúc đợt thi đua, mỗi tỉnh/thành, đơn vị giới thiệu ít nhất 02 hành động thiết thực xuất sắc của tập thể, cá nhân và 02 hành động xuất sắc của cá nhân để Trung ương Hội lựa chọn 90 hành động thiết thực xuất sắc, tiêu biểu biểu dương, khen thưởng.
2.2. Giao lưu Chi hội trưởng tiêu biểu năm 2020
Các cuộc giao lưu được tổ chức ở 7 khu vực, gắn với 7 Cụm thi đua: Đồng bằng sông Hồng; Trung du miền núi phía Bắc; Miền núi biên giới phía Bắc; Trung Bộ, Tây Nguyên và duyên hải miền Trung; Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ.
Các cuộc “Giao lưu Chi hội trưởng tiêu biểu” được tổ chức nhằm mục đích biểu dương thành tích, tôn vinh đội ngũ chi hội trưởng giỏi đã có nhiều đóng góp đối với phong trào và hoạt động Hội, tạo điều kiện để chi hội trưởng học hỏi, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, phương pháp, kỹ năng thực hiện nhiệm vụ nhằm nâng cao năng lực đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Cuộc giao lưu có sự tham gia của đại diện Lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội tại địa phương; đại diện Lãnh đạo Hội LHPN Việt Nam, Hội LHPN các tỉnh thành và đại điện các chi hội trưởng tiêu biểu trong cả nước.
2.3. Lễ kỷ niệm 90 năm thành lập Hội LHPN Việt Nam và Đại hội thi đua yêu nước lần thứ IV của Hội LHPN Việt Nam
Chương trình được tổ chức nhằm ôn lại truyền thống vẻ vang của Hội LHPN Việt Nam, phát huy truyền thống trong công tác xây dựng tổ chức Hội và phong trào phụ nữ hiện nay, đồng thời kết hợp tôn vinh những phụ nữ tiêu biểu đã đóng góp cho phong trào phụ nữ và hoạt động Hội thời gian qua, vinh danh cán bộ Hội, những người được trao Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam, trao giải sáng tác xuất sắc nhất về phụ nữ và Hội được phát hiện qua Cuộc thi sáng tác về đề tài “Phụ nữ và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam” và dự kiến công bố di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia liên quan đến áo dài.
2.4. Triển lãm “Nữ tướng khăn rằn”
Triển lãm “Nữ tướng khăn rằn” khai mạc tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (36, Lý Thường Kiệt, Hà Nội).
Triển lãm giới thiệu về cuộc đời và sự nghiệp của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân – thiếu tướng Nguyễn Thị Định – nguyên Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam thông qua 3 chủ đề: “Người con gái Bến Tre”, “Nữ tướng đầu tiên thế kỷ XX”, “Nữ lãnh đạo tài năng và gần gũi”. Từ những tài liệu, hiện vật, hình ảnh, lời tự sự trong cuốn hồi ký của bà và chia sẻ của những con người đã từng sống và làm việc cùng với thiếu tướng Nguyễn Thị Định. Triển lãm không chỉ khái quát lại những đóng góp to lớn của bà trong phong trào giải phóng dân tộc, phong trào phụ nữ và sự phát triển của đất nước; mà còn là những góc khác trong cuộc sống của một người phụ nữ, một người vợ và một người mẹ.
Thông qua triển lãm, công chúng sẽ hiểu hơn về chân dung một người phụ nữ Việt Nam thông minh, quyết đoán, mưu lược mà rất giản dị, khiêm nhường, nhân hậu. Các thế hệ nhân dân và đặc biệt là phụ nữ Việt Nam mãi tự hào, khâm phục, biết ơn vị nữ tướng anh hùng, nhân hậu Nguyễn Thị Định - người phụ nữ đã làm nên những điều phi thường cho dân tộc, cho phụ nữ Việt Nam.
3. Chuỗi sự kiện với chủ đề “Áo dài - Di sản văn hóa Việt Nam”
Trung ương Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức các hoạt động chủ đề “Áo dài - Di sản văn hóa Việt Nam” nhằm góp phần giữ gìn, phát huy giá trị văn hoá dân tộc, khẳng định bản sắc văn hoá qua chiếc Áo dài Việt Nam, đồng thời, hướng tới việc công nhận Áo dài là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Theo đó, nhiều hoạt động thiết thực và có ý nghĩa chính trị, văn hóa, xã hội sâu sắc được tổ chức ở cấp Trung ương và địa phương.
Mở đầu, vào dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3), Hội LHPN Việt Nam cùng Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phát động hội viên, phụ nữ, cán bộ công chức viên chức, nữ thanh niên, sinh viên cả nước mặc áo dài trong “Tuần lễ Áo dài” dài từ 2- 8/3/2020 nhằm lan tỏa, tôn vinh giá trị áo dài Việt Nam. Mặc dù bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều tỉnh thành và các cấp Hội vẫn có nhiều hình thức tôn vinh áo dài sinh động và phong phú như tổ chức thi ảnh đẹp áo dài, thi ảnh áo dài với di sản quê hương, vận động ủng hộ áo dài cho hội viên, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, tổ chức các cuộc toạ đàm, nói chuyện chuyên đề truyền cảm hứng về áo dài…
Một nhóm trên Facebook với tên gọi “Tự hào áo dài Việt Nam” đã được thiết lập từ giữa tháng 2 năm 2020. Sau 3 tuần thiết lập, đến ngày 02/3 nhóm đã có gần 4.000 thành viên với hơn 1.000 bài viết.
Các hoạt động trình diễn áo dài, diễu hành và đồng diễn áo dài dự kiến sẽ được tổ chức từ tháng 4 đến tháng 10 và cao điểm là tại 06 tỉnh/thành phố (Thủ đô Hà Nội, T.P Hồ Chí Minh, Đắk Lắk, Cần Thơ, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam).
Trong tháng 4, Hội thảo “Áo dài Việt Nam: Nhận diện, tập quán, giá trị và bản sắc” do Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Viện Văn hoá Quốc gia tổ chức sẽ làm rõ hơn các giá trị liên quan đến áo dài, giá trị lịch sử, nghệ thuật, văn hóa, xã hộicủa áo dài Việt Nam, góp phần thu thập thông tin để lập hồ sơ công nhận di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia.
4.Lễ trao Giải thưởng Kovalevskaia năm 2019
Năm 2019, Giải thưởng Kovalevskaia được trao cho 01 tập thể:Tập thể khoa học nữ Phòng Thí nghiệm Cúm, Khoa Virus, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung Ương, Bộ Y tếvà 01 cá nhân:PGS.TS. Trần Thị Thu Hà Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Lâm nghiệp, Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Thái Nguyên bởi những thành tích xuất sắc trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học nói chung và nghiên cứu khoa học tự nhiên nói riêng (tóm tắt thành tích đính kèm).Giải thưởng Kovalevskaia bắt đầu triển khai ở Việt Nam năm 1985 dành cho các nhà khoa học nữ trong lĩnh vực khoa học tự nhiên. Trong 34 năm qua, Giải thưởng Kovalevskaia đã được trao tặng cho 18 tập thể và 47 cá nhân các nhà khoa học nữ.
Lễ trao Giải thưởng Kovalevskaia năm 2019 dự kiến tổ chức vào tháng 5/2020 nhân kỷ niệm Ngày Khoa học và công nghệ Việt Nam tại Trung tâm Phụ nữ và phát triển (20 Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội). Tại lễ trao giải cũng sẽ vinh danh các nữ trí thức được phong hàm giáo sư, phó giáo sư và bảo vệ thành công luận án tiến sỹ trong năm qua. Dự kiến thành phần tham dự gồm có: Đại diện Lãnh đạo Nhà nước; đại diện lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Hội, các Trường Đại học có cá nhân, tập thể nhận Giải thưởng, các tập thể và cá nhân đã nhận Giải thưởng trong thời gian qua, ... Đồng thời, tại lễ trao giải thưởng cũng sẽ trưng bày một số kết quả nghiên cứu khoa học tiêu biểu của các nữ trí thức.
5. Tiếp tục thực hiện chủ đề năm 2020 “An toàn cho phụ nữ và trẻ em”
Các tỉnh/thành Hội tiếp tục tổ chức thực hiện chủ đề “An toàn cho phụ nữ và trẻ em” với trọng tâm ưu tiên là phòng chống xâm hại trẻ em; khuyến khích các cấp Hội lựa chọn nội dung về an toàn cho phụ nữ và trẻ em phù hợp với thực tiễn địa phương, đơn vị để tập trung tuyên truyền; tuyên truyền về các mô hình an toàn (Làng quê an toàn, Thành phố an toàn; "an toàn đường đến trường" cho học sinh; “thắp sáng đường quê”, “Một điểm dừng” hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương; phòng tư vấn học đường…).
Các hoạt động tuyên truyền về việc thực hiện chủ đề năm sẽ gắn với đợt thi đua đặc biệt“90 hành động thiết thực vì phụ nữ và trẻ em”chào mừng Đại hội thi đua yêu nước Hội LHPN Việt Nam lần thứ IV và kỷ niệm 90 năm thành lập Hội LHPN Việt Nam.
Các cấp Hội thường xuyên chủ độngnắm bắt, phát hiện, phản ánh với các cơ quan chức năng về các vụ việc xâm hại, bạo lực phụ nữ và trẻ em; can thiệp sớm ở cơ sở ngay khi phát hiện vụ việc và kịp thời lên tiếng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ, trẻ em.
Trung ương Hội đẩy mạnh các hình thức truyền thông trên nền tảng số và xây dựng tài liệu nguồn cho các địa phương; Phối hợp với Bộ Công an tổ chức Hội nghị Tổng kết việc thực hiện Nghị quyết liên tịch 01/NQLT-TW về “Quản lý, giáo dục người thân trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội” giai đoạn 2017 – 2020; Tổ chức Hội nghị tổng kết chương trình phòng, chống tội phạm, mua bán người giai đoạn 2016 - 2020, tham mưu hình thức và nội dung phối hợp phù hợp trong giai đoạn 2021- 2025.
6. Tổng kết Chương trình Đồng hành cùng phụ nữ biên cương giai đoạn 2018 - 2020
Chương trình Đồng hành cùng phụ nữ biên cương do Trung ương Hội LHPN Việt Nam và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng phối hợp thực hiện. Đến nay, Chương trình đã đạt được những kết quả cụ thể bằng những con số ấn tượng: đã có gần 100 đơn vị, mạng lưới, hiệp hội, tổ chức nhận hỗ trợ các xã biên giới thuộc chương trình;155 xã biên giới khó khăn được nhận hỗ trợ (vượt 65 xã so với kế hoạch), tổng nguồn lực từ năm 2018 đến nay đạt khoảng 107 tỷ đồng[1], trong đó riêngsố tiền vận động qua cổng thông tin nhân đạo 1400 là gần 4 tỷ đồng để hỗ trợ mô hình sinh kế tại 39 xã thuộc chương trình. Hơn 300 ngàn người quan tâm và ủng hộ, quảng bá chương trình qua tin nhắn, áo nhận diện chương trình, VOV, VTV, Đài phát thanh truyền hình các tỉnh/thành trong cả nước…
Để tổng kết, đánh giá kết quả 3 năm triển khai chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” giai đoạn 2018 – 2020, trên cơ sở đó định hướng nhân rộng hiệu quả chương trình trong các năm tiếp theo, Trung ương Hội LHPN Việt Nam và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng dự kiến tổ chức vào tháng 12/2020 tại Thành phố Hà Nội. Thành phần dự kiến tham dự 150 người bao gồm: đại diện Lãnh đạo Đảng, Nhà nước; Bộ Tư lệnh Bộ đội BP; Ban Dân vận TW; Ủy ban Dân tộc; Chủ tịch Hội LHPN các tỉnh/thành; tập thể, cá nhân tiêu biểu trong triển khai chương trình (Hội LHPN một số xã, huyện, Đồn Biên phòng một số địa phương, các doanh nghiệp/tổ chức/mạnh thường quân…).
Trong chương trình Hội nghị, có tổ chức giao lưu với các điển hình tiêu biểu trong việc triển khai chương trình trong giai đoạn 2018 - 2020.
7. Diễn đàn quốc tế “5 năm thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững nhìn từ góc độ bình đẳng giới”
Diễn đàn quốc tế “5 năm thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững nhìn từ góc độ bình đẳng giới” dự kiến được tổ chức vào tháng 9/2020 nhân dịp kỷ niệm 90 năm thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (Hội), 75 năm ngày thành lập Liên hợp quốc, 5 năm thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) của Liên hợp quốc và 25 năm thực hiện Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh, trong bối cảnh năm nay, Việt Nam đảm nhiệm vai trò kép là Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Diễn đàn 2020 là sự tiếp nối của Diễn đàn quốc tế “Phụ nữ, Hòa bình và Phát triển” do Hội phối hợp với UNWomen Việt Nam tổ chức năm 2015 nhân kỷ niệm 85 năm thành lập Hội LHPN VN, 70 năm ngày thành lập Liên hợp quốc, 20 năm thực hiện Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh, 15 năm thực hiện Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ và thông qua các mục tiêu SDG.
Diễn đàn do Hội và UNWomen Việt Nam phối hợp tổ chức nhằm tạo diễn đàn trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, sáng kiến, cách làm hiệu quả trong phong trào phụ nữ, trong thực hiện các mục tiêu SDG, nhất là SDG 5 về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ; tăng cường tình đoàn kết, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa phụ nữ các nước vì mục tiêu “Bình đẳng, Phát triển và Hoà bình” như Hội nghị Phụ nữ Thế giới lần thứ 4 tại Bắc Kinh đã đề ra và được tái khẳng định qua các mục tiêu SDG. Diễn đàn này cũng là cơ hội để giới thiệu với bạn bè quốc tế về đất nước, con người, phụ nữ Việt Nam và các hoạt động của Hội LHPN VN.
Tham dự Diễn đàn dự kiến có 200 đại biểu gồm đại diện Lãnh đạo Đảng, Nhà nước; đại biểu các bộ ngành, các đoàn thể chính trị - xã hội cấp trung ương; TW Hội, Hội LHPN một số tỉnh/thành, tổ chức thành viên và đơn vị trực thuộc của Hội; các viện nghiên cứu, tổ chức phi chính phủ của Việt Nam hoạt động về phụ nữ, giới và phát triển; đại diện các tổ chức phụ nữ khu vực và quốc tế; tổ chức phụ nữ một số nước; đại diện Liên hợp quốc và tổ chức quốc tế tại Việt Nam.
[1]Trong đó: Hỗ trợ gần 10 nghìn con giống, hỗ trợ vốn vay gần 4 tỷ đồng, gần 1 nghìn công trình dân sinh, gần 300 mái ấm tình thương, trên 70 nghìn xuất quà tặng, 7 nghìn xuất học bổng cho học sinh nghèo vượt khó, tổ chức gần 500 lớp tập huấn, truyền thông nâng cao năng lực cho phụ nữ, tổ chức khám chữa bệnh cho gần 15 nghìn người,…