Cảm nhận về tập thơ: 36 bài thơ "Miền nhớ" của tác giả Trần Ngọc Lai

36 bài thơ "Miền nhớ" đến với tôi trong những ngày đầu bị cách ly với xã hội vì covid-19. Cầm trên tay cuốn thơ nhỏ xinh với lời đề tặng nhẹ nhàng chân ái, tôi thấy như mình vừa được cất đi một gánh nặng muộn phiền, bớt đi một nỗi buồn lo âu và nhận được sự động viên, khích lệ rất nhiều từ tác giả cuốn thơ.

270068293-1920625848125592-1712149449377665104-n-1641262673.jpg

Tám mươi tư tuổi, với người bình thường thì chỉ cần minh mẫn, nói chuyện cùng con, cháu, chắt... vui vẻ hàng ngày là đã tuyệt vời. Nhưng với ông - Trần Ngọc Lai, thì cảm tưởng như tuổi càng lớn sức bật thơ ca càng mạnh mẽ, trẻ trung và giàu xúc cảm. Đọc rất nhiều bài thơ của ông trên Facebook, trên trang diễn đàn văn chương và cuộc sống, nhất là qua các tập "Thơ cùng bạn bè Facebook" của Ông và lần này là 36 bài thơ "Miền nhớ".

Tôi thấy hình như tuổi tác không chạm vào được thế giới tâm hồn vô tư, yêu thương thuần khiết ở nơi ông. Có thể nói thơ ông đem đến cho người đọc một sự nhẹ nhàng, thanh thoát đến lạ. Yêu cái đẹp, say cái đẹp, đau đáu về một miền đất đã đi qua...tất cả đều được ông đưa vào thơ mộc mạc mà chân tình. Người đọc nghe như  câu chuyện đâu đây thoáng có mình trong đó. Với 36 bài thơ "Miền nhớ" tác giả đã vẽ nên một bức tranh đầy cảm xúc ngọt ngào, sâu đậm, chất chứa tình yêu quê hương, đất nước (chuyện của tôi; cánh đồng làng ta; Tháng tư đi dọc triền đê...; Sông Mã của tôi...), tình yêu đôi lứa bình dị như lúa ngô miền quê sông nước (Xóm cũ tháng ba; khói lam chiều; Nỗi nhớ cuối thu; Bông sen hồng của tôi;....). Và hơn tất cả là tình yêu  cha, mẹ, anh, em, đồng bào....  gói trọn trong những lời thơ đầy trìu mến, thân thương.

Hãy cảm nhận thơ của ông, cảm nhận tình thơ nhân hậu, dịu dàng qua các cung bậc cảm xúc trải dài theo "Miền nhớ".

"Tôi sinh ra từ đất

Đồng làng nuôi lớn lên" Thủ thỉ, bình dị ông dẫn dắt người đọc về miền quê yêu dấu, nhắc nhở tình yêu thủy chung với nơi mình sinh ra, có mẹ người không ra khỏi lũy tre làng nhưng "... Sao chuyện gì cũng biết

Giải chuyện gì cũng xong? ....." (Chuyện của tôi)

Mẹ cõng nắng, đội mưa khó nhọc cho con nên người

"...Cấy mùa lưng khoác áo tơi

Mồ hôi thánh thót mẹ rơi từng hàng...." (Áo tơi đi cấy).

Có cha

"... còng lưng bốn mùa mưa nắng

Xẻ sườn cao...

Cô đơn như con thú hoang, lạc giữa đại ngàn. ...." (Tất cả vì con).

Có người em gái hy sinh cả niềm khao khát riêng tư của người thiếu nữ thay anh lo cho mẹ cho cha và hơn tất cả góp phần thầm lặng cho công cuộc bảo vệ tổ quốc

"Em gái của tôi

Cũng như bao người

... mắt sáng..

... môi hồng...

Em tôi có tấm lòng thành

Phần cho cha mẹ, phần giành cho tôi

... vẫn nhớ một người..

... đã đi xa rồi...

Cái ngày khói lửa...." ( Em gái của tôi).

Từng lời thơ nhẹ nhàng "Miền nhớ" dẫn dắt người đọc đi qua những triền đê, bãi cát, dòng sông, qua những vùng núi đồi xa tắp, hút hồn bởi cảnh đẹp ma mị

"Truyền thuyết kể rằng:

Ngày xửa ngày xưa...." (Chuyện lạ nơi cổng trời Tam Đảo); (Chuyện hoa Tam Giác Mạch; Chiều biên giới; Một thoáng SaPa).

Hay như "... Xứ lạc đường

Dốc cao rừng thẳm, núi mù sương...)

Nhớ lá bàng rơi, nhành hoa phượng tím, bông cúc hoạ mi "... nhắc bàng... rụng lá...

Phượng hồng bỏ nắng...

Vòm me xanh...." (Mùa lá bàng rơi; Cúc hoạ mi....)

Và nhắc nhở chúng ta hãy trân trọng những công trình thủy lợi đã đem lại sự sống mới cho đời "... Hồ xanh cho rừng thêm lá

Rừng xanh cho má thêm hồng...

Để lụt lội không hành nữa

Để người áo ấm, cơm no.." (Suối em nay đã có chồng).

Trong thơ ông còn khắc hoạ nét thủy chung, trân trọng, nâng niu với những gì mình có, yêu quí giữ gìn nó như là báu vật của mình để dâng cho đời bởi từng chi tiết nhỏ thôi ông đã khắc hoạ dọc "Miền nhớ" suốt một chiều dài của cuộc đời ông đã đi qua: - Từ miền quê ra thành phố (Chuyện của tôi; Lính mới tò te...)

- Từ miền xuôi lên miền ngược (Cánh đồng làng ta; Hà Nội thu; Chiều biên giới...). Và hơn tất cả là một nước Nga xa xôi có đàn ngỗng trời thủy chung với nơi nó ở (Tuyết đầu mùa), phải chăng đây là lời nhắn nhủ rằng hãy trân quí nơi ta sinh ra, mảnh đất nghèo thôi nhưng "nuôi lớn anh hùng" (...) đấy, nghèo thôi nhưng "Nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nổi thành người" (Quê hương)... nhấn nhá, nhẹ nhàng ông đưa chúng ta đi từ không gian (Cánh đồng làng ta; Hà Nội thu;....) đến thời gian cụ thể (xóm cũ tháng ba)... (tháng tư đi dọc triền đê).... Không chỉ vậy thơ ông còn là một bức khắc hoạ cách thể hiện đủ thể loại thơ mang âm hưởng cuộc sống, nét văn hoá vùng miền và hơn hết là đặc thù riêng của các dân tộc Việt Nam. "... thung lũng Sủng Là....

Bánh núi, rượu nương..."

"....Em ngồi thêu khăn...

Đàn môi em đợi...

......

Đàn môi H'mông biết nói những lời yêu thương..." (Khúc hát đàn môi).

"... Dù hoa thấp thoáng...

Sáo Mèo dìu dặt...

Khen ai xốc nhịp..." (Một thoáng Sa Pa)....

Đọc "Miền nhớ" tôi thấy đây như không phải thơ của một thì lão 84 mà là của một chàng sinh viên mới từ quê ra tỉnh kể về một cuộc du ngoạn của mình, về những gì mình có.

Đến với tập thơ "Miền nhớ" dù chỉ có 36 bài thôi bạn đọc sẽ cảm nhận được nhiều điều thú vị, sẽ được nhâm nhi một lối viết chân phương nhưng cũng không kém phần hài hước, ý nhị "Suối em nay đã có chồng" Không phải cô nàng tên suối, chẳng phải anh chàng nào tên A, B, C....

Mà là nhờ "Có chàng thủy lợi dưới xuôi

Lên đây dựng lán xây hồ

....

Tích dần "vàng trắng" vào kho... "Để

"Suối em nay đã có chồng"

Là hồ, là đập để

... "Chung nguồn cho suối thành sông"

Không dám bàn luận về bút pháp, ngôn từ bởi tôi không giỏi về thơ ca, lại càng không biết gì về niêm luật thơ nhưng với tôi "Miền nhớ" sẽ là một tập thơ đáng có, nên đọc, sẽ cho mọi người nhận biết thêm về một cách diễn tả chuyện đời chuyện người thật giản đơn, bình dị, để chúng ta thêm yêu cuộc sống, yêu những gì mình có.

 Khép lại tập thơ là cảm nhận về một con người, một tác giả cùng với các thi lão trong diễn đàn văn chương như ông Lê Quang Lâm, ông Phan Huy Hùng,.... Ông Trần Ngọc Lai như những con tằm đang rút những sợi tơ vàng để dệt thêu nên bức tranh thơ ca của diễn đàn văn chương và cuộc sống cũng như nền thơ ca Việt Nam. Trân trọng và quý mến....

 

Theo Chuyện Làng quê