Trong bối cảnh nghệ thuật truyền thống đứng trước nhiều cơ hội lẫn thách thức từ đời sống đương đại, việc gìn giữ và phát huy âm nhạc dân gian không chỉ dừng lại ở bảo tồn, mà cần những cách tiếp cận khoa học, sáng tạo và phù hợp với thực tiễn giảng dạy. Với tâm huyết ấy, NSƯT, Thượng tá, ThS Nguyễn Thị Hương Giang – giảng viên Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội – đã chủ trì thực hiện đề tài khoa học "Nâng cao chất lượng phương pháp biểu diễn một số ca khúc mang âm hưởng dân ca ba miền", vừa được nghiệm thu ngày 30/6/2025.
Đề tài được đánh giá là một hướng đi mới trong công tác giảng dạy thanh nhạc, đồng thời tạo nền tảng học thuật vững chắc cho việc khơi dậy giá trị của dân ca trong môi trường giáo dục nghệ thuật quân đội – nơi sự kết hợp giữa kỷ luật và sáng tạo là yêu cầu cốt lõi.

Chia sẻ tại Hội nghị nghiệm thu, NSƯT Hương Giang cho biết, công trình tập trung khảo sát thực trạng giảng dạy và biểu diễn dân ca ba miền tại Khoa Thanh nhạc – Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội trong thời gian qua. Thông qua các hoạt động biểu diễn thực hành, nhóm nghiên cứu đã tiến hành phân tích, đánh giá chất lượng biểu diễn, từ đó xây dựng hệ thống giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả giảng dạy và biểu diễn thể loại âm nhạc này.
Cấu trúc đề tài gồm hai chương lớn, triển khai theo hướng khoa học và thực tiễn. Trong chương đầu tiên, nhóm nghiên cứu làm rõ các khái niệm nền tảng như “ca khúc”, “dân ca”, và “ca khúc mang âm hưởng dân ca”, đồng thời lý giải tiến trình hình thành – phát triển của thể loại này trong đời sống văn hóa âm nhạc Việt Nam. Sự đa dạng vùng miền trong âm nhạc dân gian được phân tích như một chất liệu quý giá, cần khai thác có chọn lọc trong đào tạo thanh nhạc. Cùng với đó, nhóm nghiên cứu đề cập sâu đến vai trò của kỹ thuật thanh nhạc, khả năng cảm thụ màu sắc âm nhạc dân gian và nghệ thuật xử lý tiếng Việt – những yếu tố tạo nên chất lượng biểu diễn.
Chương hai đi vào trọng tâm với phần đánh giá chi tiết thực trạng biểu diễn ca khúc dân gian trong nhà trường, chỉ ra những điểm mạnh cần phát huy cũng như một số tồn tại trong phương pháp giảng dạy. Từ đây, nhóm tác giả đề xuất bốn nhóm giải pháp thiết thực: xây dựng chương trình đào tạo đa dạng, ứng dụng kỹ thuật biểu diễn hiện đại, tăng cường kết nối thực hành – giao lưu biểu diễn, và ứng dụng công nghệ trong dàn dựng sân khấu.
Một điểm sáng nổi bật trong hội nghị nghiệm thu chính là chương trình biểu diễn minh họa gồm 10 tiết mục mang âm hưởng dân ca ba miền. Các ca khúc quen thuộc như Dáng đứng Bến Tre, Giận mà thương, Về quê, Gọi trăng… được trình diễn theo hình thức hát beat kết hợp vũ đạo, hòa âm, phối khí hiện đại và dàn dựng sân khấu công phu. Đây không chỉ là phần minh chứng thuyết phục cho tính khả thi của đề tài, mà còn là một trải nghiệm nghệ thuật thể hiện đúng tinh thần "giao thoa giữa truyền thống và hiện đại".
Đại tá, TS, NSND Nguyễn Xuân Bắc – Phó Hiệu trưởng Nhà trường – đánh giá cao chất lượng khoa học, tinh thần nghiên cứu nghiêm túc và tính ứng dụng thực tiễn của công trình. Theo ông, đề tài đã đặt ra được những định hướng rõ ràng trong việc nâng cao hiệu quả giảng dạy âm nhạc dân gian trong quân đội, đặc biệt là yêu cầu phải hiểu đúng, cảm thụ sâu sắc và biểu diễn dân ca bằng tinh thần sáng tạo có gốc rễ văn hóa.
Với những giá trị mang lại, đề tài được Hội đồng nghiệm thu đánh giá xếp loại Xuất sắc. Đây là minh chứng cho nỗ lực không ngừng của đội ngũ giảng viên trong việc đổi mới chương trình đào tạo nghệ thuật, hướng đến mục tiêu xây dựng thế hệ nghệ sĩ quân đội vừa vững tay nghề, vừa thấm đẫm bản sắc dân tộc.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và sự trỗi dậy mạnh mẽ của các loại hình nghệ thuật mới, việc nâng cao chất lượng biểu diễn ca khúc dân gian không chỉ là yêu cầu chuyên môn, mà còn là trách nhiệm văn hóa. Nỗ lực của NSƯT Hương Giang và đồng nghiệp cho thấy âm nhạc dân tộc hoàn toàn có thể sống tiếp, sống mạnh, sống đẹp – miễn là chúng ta biết nâng đỡ và lan tỏa bằng ngôn ngữ nghệ thuật của thời đại hôm nay.