Bốn bề tĩnh lặng, chỉ còn tiếng nhạc như đang dìu đưa tôi vào thế giới của riêng mình, mà ở nơi đó, những âm thanh được pha trộn hài hòa của những tha thiết, lãng mạn, trữ tình cùng với những chia lìa, xa cách. Và cũng từ thế giới ấy, âm thanh đang đưa tôi đi xa mãi, đi mãi để trở về với những kỷ niệm của một thời ấu thơ, hay những hình ảnh của những cuộc tình ngây ngô tuổi học trò, hay của những biệt ly lẫn đoàn tụ ... của hạnh phúc lẫn đau thương.
Đĩa nhạc "tiền chiến" vẫn cứ quay, âm thanh và hình ảnh có lúc bay bổng, bay vút lên cao rồi hạ thấp, chập chờn trong không trung, ẩn hiện trong làn mưa bụi của bầu trời ngả mầu trắng đục. Các bạn có thường thưởng thức những bản nhạc tiền chiến như tôi đang thưởng thức không? Trong lứa tuổi chúng ta, hẳn không ai đã không một lần hoặc nhiều lần thưởng thức. Tôi đoan chắc như thế.
Vậy nhạc tiền chiến là nhạc gì nhỉ? Cứ hiểu theo nghĩa thông thường của nó thì nhạc tiền chiến hẳn là loại nhạc được viết từ trước chiến tranh. Nhưng trước cuộc chiến tranh nào? Thế chiến 1939-1945 hay cuộc chiến 1945-1954 hay 1954-1975? Tôi cứ tạm chia như thế.
Tôi có câu hỏi như thế vì có nhiều bản nhạc viết sau này, người ta vẫn xếp nó vào loại nhạc tiền chiến, vì nó có cái "air" tiền chiến như nhạc sĩ Tô Vũ nói về bản nhạc "Em Đến Thăm Anh Một Chiều Mưa" của ông. Ông nói, bản nhạc này có cái "air" của nhạc tiền chiến thôi, vì thực sự, khi ông viết nó, chiến tranh đã xẩy ra rồi. Đấy là ông Tô Vũ nói về cái mốc thời gian của cuộc chiến 1945-1954. Nếu ta lấy mốc ở cuộc chiến 1954-1975 thì bản nhạc đó quả thực là nhạc tiền chiến ở cái mốc thời gian này. Thôi thì ta cứ lấy mốc thời gian nào đó cho hợp với bản nhạc thì lấy, cho rộng đường nói chuyện và cho vui vẻ cả làng.
Như vậy, khi nói đến nhạc tiền chiến là ta muốn nói đến cái âm hưởng của loại nhạc này hơn là chỉ chuẩn định trên cái mốc thời gian của nó thì phải? Cái "air" của nó có lẽ dựa trên tính chất nhẹ nhàng, lãng mạn, trữ tình, hay bi ai, và đặc biệt là nó thiên về loại nhạc thính phòng và mang nhiều chất thơ. Tôi nói như thế vì có nhiều bản nhạc được viết trước chiến tranh (1939-1945 hay 1945-1954) mà không được liệt kê vào loại nhạc tiền chiến như những bản "Trên sông Bạch Đằng" của Hoàng Quý, "Việt Nam bất diệt" của Hoàng Gia Linh, "Hè về" của Hùng Lân, "Khỏe vì nước" hay những bản nhạc thuộc loại quân ca chẳng hạn .
Tôi cũng chẳng biết danh từ nhạc tiền chiến có tự bao giờ? Tôi chỉ xin mở dấu ngoặc ở đây bằng một trích đoạn: "Ảnh hưởng văn hóa Pháp đã trở nên rõ rệt vào thập niên 1930 và theo nhạc sĩ Phạm Duy coi năm 1938 là năm quan trọng cho nền nhạc mới vì là năm khai sinh ra nhạc cải cách. Và cũng chính năm 1938, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tuyên, tác giả bản "Kiếp hoa" đã từng đi du thuyết cổ võ cho nền nhạc mới được các báo chí như tờ Ngày Nay đăng tải, ông gọi loại nhạc mới này là nhạc cải cách" (dựa theo lời ông Bùi Bảo Trúc trong một chương trình nhạc thính phòng tổ chức ở San Jose).
Những bản nhạc tiền chiến đã đi sâu vào lòng người Việt Nam từ nhiều thế hệ, vẫn còn tồn tại đến bây giờ và cả mai sau, do đó nhạc tiền chiến tự nó có chỗ đứng rất quan trọng trong nền âm nhạc Việt Nam. Nói như thế, những nhà nghiên cứu âm nhạc tìm hiểu về nhạc tiền chiến cũng là tìm hiểu một phần khá lớn của "âm nhạc mới" nước ta.
Âm nhạc cũng là một bộ môn, ta có thể dựa vào đó để biết tiến trình sinh hoạt của một xã hội vào những thời điểm khác nhau. Từ những năm đầu của thế kỷ 20 đến nay, đất nước ta có nhiều thay đổi, nhất là chịu ảnh hưởng nền văn hoá Tây phương, ắt hẳn những đổi thay ấy phải ảnh hưởng đến nền âm nhạc của ta. Và ngược lại, sự tìm hiểu về âm nhạc Việt Nam trong thời kỳ "tiền chiến" cũng là một phần trong sự tìm hiểu tiến trình thay đổi của xã hội ta trong thời kỳ ấy.
Trong khuôn khổ như những lời tâm sự cùng các bạn bè trong phạm vi bằng hữu, tôi chỉ muốn xin được chia sẻ với các bạn về những cảm xúc mà tôi có được khi nghe vài bản nhạc tiền chiến chứ không nói về sự phân loại, phẩm chất, cấu trúc, lịch sử hình thành của những bản nhạc ấy cũng như không nói về âm nhạc Việt Nam vì đấy không phải là lãnh vực mà tôi am hiểu. Chúng ta hãy cùng nghe một vài bản nhạc tượng trưng có tính cách phổ thông, dễ nghe, dễ hiểu, và cũng dễ nhận ra những nét đặc thù của nó biến thiên theo cảm xúc của mình.
Hãy nghe bản "Đêm đông" của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương để chúng ta cùng rung cảm với nỗi lòng cô đơn của ông. Trong một băng nhạc, nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương đã tâm sự là ông viết bản nhạc này khi ông đi dọc theo phố Khâm thiên, Hà nội, vào chiều tối 30 Tết. Phố Khâm thiên là con phố có nhiều cô đầu còn gọi là ả đào hay ca nhi. Các cụ ta xưa thường đến đây để nghe hát ả đào (hay ca trù). Ông chợt bắt gặp, qua bóng dáng cô đơn của người ca nhi đứng đợi khách ngoài ngưỡng cửa rồi quay vào soi bóng mình trong gương, nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương liền liên tưởng tới hòan cảnh của ông lúc đó, nhà ở Huế, ra Hà nội học, một mình đi lang thang giữa lòng thành phố. Ông nhớ nhà ghê lắm. Ông mượn hình bóng lẻ loi của người ca nhi đó để nói lên tâm sự cô đơn của mình, ông viết :
Đêm đông, ca nhi đối gương, riêng sầu ôm bóng.
Hình bóng ca nhi ấy, thoáng hiện ra, nhưng biến đi rất nhanh để nhường chỗ cho hình bóng của một chinh phụ chờ chồng như chính ông đang hướng trông về người thân ở chốn xa xôi.
Đêm đông, xa trông cố hương buồn lòng chinh phu,
Đêm đông, bên sông ngẩn ngơ, kìa ai mong chồng.
Ông đi, đi lững thững dưới đêm đông mưa phùn gió bấc với tiếng chuông buông từ xa vọng lại. Âm thanh buồn bã xa thẳm ấy như quyện lấy hình ảnh của những con chim đang bay về một phương trời vô định cùng với những đám mây xám hạ ngang lưng trời. Những tiếng gió rít ào ạt cuốn hút trong cơn lốc xoáy là chất liệu tạo nên những âm thanh dồn dập của dòng nhạc như đang vang vọng lên những lời nấc nghẹn:
Gió nghiêng chiều say, gió lay ngàn cây, gió nâng thuyền mây,
Gió reo sầu tư, gió đau niềm riêng, gió than triền miên.
Cái buồn da diết của kẻ xa nhà như ông, trong mỗi câu, ông đều réo gọi quê hương, réo gọi mái ấm gia đình ở phương trời xa:
Đêm đông, ôi ta nhớ nhung đường về xa xăm
Đêm đông, ta mơ giấc mơ gia đình yêu đương
Đêm đông, ta lê bước chân phong trần tha phương,
Có ai, thấu tình cố lữ, đêm đông không nhà.
Ta thấy ông cứ nhắc đi nhắc lại mãi tiếng "đêm đông", ắt hẳn trong ông, đêm đông chính là hình ảnh làm ông xúc động và thổn thức. Âm thanh đêm đông được ông diễn tả như có lúc nó lên thật cao, có lúc nó trầm xuống, có lúc lại kéo dài ra lê thê, mệt mỏi, như nghẹn ngào, nức nở làm chùng lòng những người xa gia đình, xa quê hương như ông.
Trong bản nhạc Đêm đông, cái mà mọi người yêu thích, chính là bên cạnh cái hay của âm điệu, của lời ca, nó còn mang tâm trạng của chính chúng ta, ít nhất một lần trong đời, đã rơi vào hoàn cảnh như ông. Và trong hoàn cảnh ấy, bản nhạc không còn là của Nguyễn Văn Thương nữa, mà chính là tiếng kêu não lòng của chính chúng ta để thương mình và cũng để thương người. Bản Đêm đông là bản nhạc tiêu biểu mượn những hình ảnh thiên nhiên, như cảnh mưa gió trong đêm đông, để gửi gấm tâm sự cô đơn của mình.
[…]
Theo Chuyện quê