Nhóm nhạc “Một thoáng dân ca” biểu diễn tại một quán cà phê.
Trong các đêm diễn tại chương trình trình diễn “Sắc xuân trên phố” tại Bảo tàng TP Cần Thơ, nhóm “Một thoáng dân ca” nhận được sự yêu mến từ khán giả. Những câu hò sông Hậu, điệu ru ngọt ngào, câu lý dí dỏm, vui tươi... được các nghệ sĩ trẻ thể hiện bằng sự say mê, truyền cảm xúc cho người xem.
Chủ công của nhóm nhạc này là anh Trương Tài Linh, một nhạc công đàn tranh trẻ tuổi có tiếng ở miền Tây và đang sở hữu bộ sưu tập băng đĩa, máy hát xưa cũ quý hiếm. Vốn yêu thích dân ca, cải lương, anh Linh nghĩ đến việc thành lập một nhóm nhạc dân ca vì ngay tại TP Cần Thơ và khu vực ÐBSCL chưa có một nhóm nhạc như thế. Ý tưởng của anh nhận được sự ủng hộ từ các bạn bè đang cùng học tại Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật Cần Thơ. Vậy là nhóm “Một thoáng dân ca” ra đời với 8 thành viên: Trương Tài Linh (đàn tranh), Huỳnh Long (ghi-ta điện), Bảo Hân (trống), Hồng Duyên (đàn tranh), Lê Tâm (đàn kìm) và Huỳnh Giang, Thanh Hoa, Thanh Ðiện (hát). Các thành viên tuổi đời đều mới ngoài đôi mươi, riêng Lê Tâm chỉ mới 15 tuổi.
Một nhóm nhạc đàn, hát dân ca Nam Bộ trực tiếp trên sân khấu với sự trẻ trung, hiện đại, đã tạo được hiệu ứng khá tốt. Nhóm nhạc được nhiều phòng trà, sân khấu cà phê ca nhạc, trường học mời đến biểu diễn. Không có những bài hát đình đám, không có dòng nhạc sôi động hợp thời và cũng không có những nghệ sĩ nổi tiếng nhưng mỗi chương trình “Một thoáng dân ca” biểu diễn đều có lượng khách khá đông và điều đáng quý đa phần đều là người trẻ. Họ tìm đến để thưởng thức vẻ đẹp của dân ca Nam Bộ. Em Nguyễn Hải Long, sinh viên, dự xem chương trình “Một thoáng dân ca” tại quán cà phê Dương Gia Chi Bảo (phường Tân An, quận Ninh Kiều), chia sẻ: “Các bạn diễn rất thu hút. Ngồi nghe lại những điệu lý, câu hò trong không gian yên tĩnh này thật thú vị. Em nghĩ các thành viên trong nhóm đã tìm được lối đi riêng”.
Anh Trương Tài Linh cho biết: Khi thực hiện các chương trình biểu diễn, phong cách của các nghệ sĩ có thể trẻ trung, hiện đại nhưng với dân ca Nam Bộ thì nhóm luôn tâm huyết biểu diễn đúng nguyên bản, không làm mới, không lạm dụng âm nhạc điện tử mà tối ưu hóa sự chân phương trong giọng hát, hòa đàn. “Cái khán giả cần là nghe lại điệu dân ca truyền thống thì họ mới tìm đến với mình. Mình cách tân, làm mới sẽ không hiệu quả”, anh Linh chia sẻ. Cũng với tâm huyết đó mà anh Linh và các thành viên luôn tìm tòi những điệu lý, câu hò xưa cũ, ít được biết đến như một cách khôi phục và bảo tồn di sản.
Tại TP Cần Thơ, hai loại hình diễn xướng dân ca đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia là Hò Cần Thơ và Hát ru người Việt ở Cần Thơ. Tuy nhiên, việc bảo tồn, phát huy và phát triển di sản gặp không ít thách thức trước xu hướng giải trí hiện đại, sự lấn át của các loại hình nghệ thuật đương đại. Nỗ lực của nhóm nhạc “Một thoáng dân ca” cho thấy sự đam mê và tâm huyết với di sản quê hương của các bạn trẻ. Ðó cũng là tín hiệu vui.