Cao Bằng: Giấy bản - Di sản miền sơn cước

Nghề làm giấy bản xưa là một niềm tự hào, là nét tinh hoa đã có truyền thống lâu đời của các dân tộc thiểu số. Tuy nhiên hiện nay, công nghệ in ấn với độ chính xác cao, giấy công nghiệp với khả năng sản xuất đại trà lớn đã khiến nghề làm giấy bản bị mai một hoặc tồn tại một cách lay lắt.

IMG_8154

Người Dao xã Quang Thành (Nguyên Bình) sử dụng giấy bản trong lễ cấp sắc.

Người Nùng An ở Lũng Ỏ, xã Phúc Sen (Quảng Hòa); người Tày xóm Lũng Quang, thị trấn Thông Nông và xã Trường Hà (Hà Quảng); người Dao Đỏ xã Yên Lạc (Nguyên Bình)… lưu giữ nghề làm giấy bản truyền thống từ bao đời nay. Giấy bản thường được làm vào thời gian nông nhàn, đặc biệt là dịp Tết để cúng mừng năm mới. Làm giấy bản vào mùa khô ráo, trời nắng mới đem phơi để giấy trắng và đẹp. Nguyên liệu làm giấy bản gồm có cây dưỡng, trúc...; dụng cụ làm giấy bản rất đơn giản như: khuôn để tráng giấy, nồi nấu chất liệu giấy, thanh gỗ để đập giấy, chậu đựng nước pha bột giấy… đều do đồng bào tự sáng chế ra.

Người Tày, Nùng ở Cao Bằng làm giấy bản từ vỏ mạy sla (cây dưỡng) hái trong rừng. Đem đun sôi, tước sạch lớp vỏ đen bên ngoài (chỉ lấy lớp trắng bên trong) rồi phơi khô. Sau đó đun lần thứ hai rồi vớt ra đem ngâm nước lã 1 ngày. Vớt lên vò giũ hết phần nhựa còn dính lại đem về nhà dùng cây đập cho nát nhừ rồi cho xuống bể đã đổ sẵn nước. Dùng một thanh gỗ khuấy đều khi chỉ còn sót lại lớp xơ vỏ cây thì vớt lên sẽ được lớp giấy còn ướt hiện hình trên khung. Đem giấy bản còn ướt lên sàn nhà dán lên bức vách gỗ trước cửa nhà phơi khô. Mỗi mẻ giấy bản sử dụng khoảng 2 kg vỏ cây dưỡng làm được 35 - 40 tệp giấy bản thành phẩm, bán với giá từ 10 - 15 nghìn đồng/tệp. Mỗi mẻ giấy cho thu nhập khoảng 300 - 400 nghìn đồng.

Còn với người Dao Đỏ xã Yên Lạc (Nguyên Bình) có kỹ thuật làm giấy bản độc đáo từ cây trúc. Những cây trúc non (bắt đầu ra lá) đem ngâm nước vôi khoảng 2 tháng rồi rửa sạch và tiếp tục đem ngâm nước lã khoảng 3 tháng trong các hố (trúc trong hố được đậy ủ bằng lá chuối và nén cho ngập nước). Sau đó rửa sạch các đoạn trúc rồi đưa lên máng đập cho tơi, đập đến khi phần thịt cây trúc thành bột thì tiến hành xeo giấy.

Bột giấy đưa vào thùng gỗ trộn với nước lã và thêm phụ gia là nước đun với vỏ cây “tẻng từng” (một loại cây có tại địa phương). Dùng lưới vớt bột giấy trong thùng, công việc này chỉ cần một người làm nhưng phải là người có kinh nghiệm, quen tay và khéo léo. Sau khi nước trôi đi, bột giấy bám trên lưới thành tờ giấy, gỡ giấy ra và xếp thành từng tệp. Mỗi tờ giấy bản cầm lên mỏng tang, sắc vàng, độ xốp cao, dai, mịn, soi ra ngoài ánh nắng thấy rõ những sợi tơ và phảng phất hương thơm của cây rừng.

Kỹ thuật làm giấy bản của người Tày, Nùng, Dao Đỏ… là quy trình sản xuất được đúc rút và hoàn thiện qua nhiều thế hệ, phải tiến hành nhiều công đoạn khác nhau. Nhưng điều cơ bản nhất để giữ gìn nguyên vẹn đến hôm nay là giấy bản không sử dụng bất kỳ một loại hóa chất nào trong sản phẩm nên rất an toàn cho người sử dụng. Giấy bản tuy mỏng nhưng dai, bền hơn giấy sản xuất công nghiệp, nếu bảo quản ở nơi khô ráo, giấy bản có thể để vài chục năm vẫn sử dụng tốt.

Đặc biệt, giấy bản đối với cộng đồng dân tộc thiểu số ở Cao Bằng là sản phẩm không thế thiếu trong cuộc sống tâm linh, xuất hiện hầu hết trong các nghi lễ vòng đời con người, như: lễ cấp sắc, cầu an, đám ma, mừng năm mới… Giấy bản đi vào đời sống tâm linh và như sợi dây gắn kết giữa người sống với người đã khuất, như lời nhắc nhở người sống luôn nhớ về tổ tiên, nguồn cội. Vì thế, nghề làm giấy bản lặng lẽ tồn tại và khẳng định giá trị văn hóa của mình trong đời sống của đồng bào các dân tộc.

Tuy nhiên, nghề sản xuất giấy bản tại các địa phương còn nhiều hạn chế, như: chưa được hỗ trợ phát triển nghề; chưa quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ; công cụ sản xuất do người dân tự chế tạo còn thô sơ, chưa giải phóng sức lao động của con người..., do đó chưa đem lại thu nhập ổn định và giảm nghèo bền vững cho người dân. Từ đó, nguy cơ mai một nghề thủ công truyền thống ngày càng lớn…

Chủ tịch UBND xã Phúc Sen Nông Thị Dung cho biết: Nghề làm giấy bản của người Nùng An đã có từ rất lâu, trước đây người dân trong xã hầu như nhà nào cũng biết làm nghề này. Tuy nhiên, những năm gần đây không còn phổ biến, hiện chỉ còn một số hộ làm nhưng khâu tiêu thụ sản phẩm khó khăn, những tháng giáp Tết mới có nhiều người mua. Đây là điều tất yếu bởi hiện nay, các mặt hàng giấy bản rất đa dạng về chủng loại, kiểu dáng nên hấp dẫn người tiêu dùng. Chính điều này làm mai một nghề làm giấy bản truyền thống của người dân Nùng An.

Để gìn giữ, bảo tồn và phát huy nghề làm giấy bản tại các địa phương, trước hết phải có sự tác động từ các cấp, ngành hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật giúp giải phóng sức lao động và tăng năng suất sản phẩm. Định hướng phát triển bền vững làng nghề truyền thống gắn với bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường. Kết hợp bảo tồn phong tục, tập quán với phát triển làng nghề du lịch để thu hút du khách trong và ngoài nước tới tham quan, tìm hiểu về phong tục làm giấy bản, trở thành điểm nhấn du lịch trải nghiệm ấn tượng.