Ông Lý Thanh Chiêu kiểm tra chất lượng cây quế giống.
Theo cán bộ xã Đức Thông, chúng tôi đến thăm vườn cây ăn quả của gia đình ông Lý Thanh Chiêu. Cảm giác đầu tiên khi đặt chân đến đây chính là sự “choáng ngợp” bởi những đồi quế xanh ngút ngàn, vườn cam, quýt trải dài men theo sườn đồi. Vừa đưa chúng tôi đi thăm mô hình vườn rừng, ông Chiêu vừa chia sẻ: Năm 1987, tôi lập gia đình và được bố mẹ chia cho 5 ha đất rừng, khi ấy gia đình tôi thuộc hộ nghèo. Ngoài làm nông nghiệp, tôi mua một vài cây quế về trồng. Sau đó tôi mở rộng diện tích trồng quế, ứng dụng khoa học kỹ thuật nên vườn quế phát triển tốt. Đến nay, tôi đã trồng được trên 10 ha quế, trong đó có 5 ha đang cho thu hoạch. Năm 2019 gia đình tôi thu nhập từ quế trên 100 triệu đồng.
Có kết quả đó, gia đình ông Chiêu phải trải qua không ít khó khăn. Để nâng cao thu nhập cho gia đình, cuối năm 2015, ông Chiêu tham gia lớp tập huấn mô hình trồng cam, quýt do Hội Nông dân huyện tổ chức. Năm 2017, ông vay Ngân hàng Chính sách xã hội huyện 50 triệu đồng mua 500 cây quýt giống về trồng. Nhờ sự chăm chỉ học hỏi, trung bình mỗi vụ quýt thu nhập từ 30 - 40 triệu đồng. Bên cạnh đó, ông còn nuôi lợn, gà thả đồi, mỗi năm bán trên 200 con gà, 2 lứa lợn thịt, mỗi lứa 4 - 5 con. Ngoài tận dụng những mảnh đất ruộng, rẫy sẵn có của gia đình, ông Chiêu còn chuyển đổi và trồng hơn 2 ha thạch đen. Hằng năm thu hoạch 4 - 5 tấn cây thạch khô, giá bán 25 - 30 nghìn đồng/kg, năm 2019, gia đình ông thu nhập 150 triệu đồng từ bán thạch đen. Trừ chi phí, tổng thu nhập đạt 300 triệu đồng.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Chiêu còn nhiệt tình tham gia công tác Hội Nông dân xã. Hằng năm, ông giúp đỡ nhiều hội viên về cây giống, chia sẻ kinh nghiệm trồng, chăm sóc vườn cây... Ông Lý Thanh Chiêu là tấm gương tiêu biểu trong phát triển kinh tế vườn rừng ở địa phương.