Theo trang thống kê Worldometers, tính đến 6h sáng 9/4 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 do virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây ra trên toàn cầu đã lên tới 1.508.224 trường hợp, tăng 77.243 ca so với một ngày trước đó.
Số ca tử vong vì Covid-19 cũng đã lên tới 88.280 người, tăng 6.244 người sau 24 giờ.
Trong khi đó, có 329.542 bệnh nhân Covid-19 đã được chữa khỏi bệnh, trong khi vẫn còn tới 1.090.402 người đang phải điều trị, trong đó có 48.018 người đang trong tình trạng bệnh nặng hoặc nguy kịch.
Hiện dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng đến 209 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới.
* Mỹ hiện đang đứng đầu thế giới về số ca mắc bệnh với 426.300 người nhiễm, tăng 25.965 ca so với một ngày trước. Số người tử vong ở Mỹ vẫn tăng cao, với 1.781 ca được phát hiện trong 24h qua, nâng tổng số ca thiệt mạng do Covid-19 lên 14.622.
Mỹ hiện đang phải chữa trị cho 389.455 bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 với 9.234 ca nguy kịch.
Trong ngày 8/4, Cơ quan Quản lý Khẩn cấp Liên bang (Fema) và Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ (CBP) đã ra thông cáo chung cho biết, sẽ thu giữ toàn bộ các mặt hàng xuất khẩu là các thiết bị bảo hộ y tế quan trọng trong bối cảnh dịch Covid-19 đang bùng phát mạnh ở nước này.
Thông cáo nêu rõ các mặt hàng thuộc diện bị thu giữ gồm mặt nạ chống độc, khẩu trang phẫu thuật và găng tay phẫu thuật. Sau khi thu giữ, Fema sẽ xem xét số hàng nào được giữ lại để sử dụng trong nước và số hàng nào được phép xuất khẩu.
Theo một dự thảo được đăng trên mạng, quy định thu giữ và kiểm tra hàng xuất khẩu của Fema sẽ có hiệu lực từ ngày 10/4 - 10/8.
Đây là động thái mới nhất của chính quyền Tổng thống Donald Trump trong nỗ lực giảm bớt tình trạng khan hiếm trang thiết bị y tế cung cấp cho đội ngũ y bác sĩ và bệnh viện ở tuyến đầu chống dịch Covid-19.
* Ngày 8/4, Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh châu Âu (ECDC) cho biết, dịch Covid-19 đang lây lan và cướp đi sinh mạng của rất nhiều người tại khắp châu Âu và hiện chưa có dấu hiệu nào cho thấy đã lên tới đỉnh dịch.
Sau Mỹ, 4 nước châu Âu, lần lượt là Tây Ban Nha (148.220 ca, tăng 6.278 ca), Italy (139.422 ca, tăng 3.836 ca), Đức (113.067 ca, tăng 5.404 ca) và Pháp (112.950 ca, tăng 3.881 ca) ở nhóm các nước có số người nhiễm cao nhất thế giới.
Số người chết ở các nước châu Âu cũng thuộc nhóm cao nhất thế giới, với Italy đứng đầu 17.669 ca (tăng 542 ca), sau đó Tây Ban Nha là 14.792 ca (tăng 747 ca), Pháp là 10.869 ca (tăng 541 ca) và Đức là 2.256 ca (tăng 240 ca).
Theo báo cáo của ECDC, hệ thống theo dõi số lượng tử vong tại châu Âu do nhiều nguyên nhân, trong đó có cả do Covid-19, tỷ lệ tử vong cao hơn mức dự đoán đã diễn ra tại các nước Bỉ, Pháp, Italy, Malta, Tây Ban Nha, Thụy Sỹ và Anh, chủ yếu rơi vào những người già trên 65 tuổi.
Theo giám đốc ECDC, Andrea Ammon, dựa trên các bằng chứng hiện có và tình hình hiện tại thì "việc tiếp tục lây lan SARS-CoV-2 là điều có thể xảy ra".
Bà Ammon cho rằng, "hiện còn quá sớm để đột ngột dỡ bỏ tất cả các biện pháp ngăn ngừa lây lan trong đó có giãn cách xã hội, mặc dù những biện pháp thắt chặt này có thể gây gián đoạn cho toàn thể cộng đồng đứng trên phương diện kinh tế và xã hội".
* Pháp xác nhận 10.869 ca tử vong vì dịch Covid-19, trong đó 7.632 ca ở bệnh viện (tăng 541 trong 24 giờ).
Số bệnh nhân phải nhập viện là 30.375 (tăng 348 trong 24 giờ), gồm 7.148 trường hợp nghiêm trọng cần hồi sức tích cực ( tăng 482). Trong số những bệnh nhân được chăm sóc đặc biệt này có 108 người dưới 30 tuổi. Đến nay, 21.254 người đã khỏi bệnh và ra viện.
Ngoại trưởng Jean-Yves Le Drian cho biết, Pháp sẽ viện trợ gần 1,2 tỷ Euro để giúp châu Phi chống lại sự lây lan của Covid-19.
* Ngày 8/4, Bộ Y tế Thổ Nhĩ Kỳ ghi nhận thêm 4.117 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 và 87 ca tử vong, nâng tổng số người nhiễm bệnh và thiệt mạng do chủng virus nguy hiểm này lên tương ứng 38.226 và 812.
Trong vòng 24 giờ qua, đã có 24.900 trường hợp được xét nghiệm để sàng lọc các nguy cơ mắc Covid-19. Hiện tổng số bệnh nhân phục hồi ở nước này là 1.846 người.
* Tại Iraq, Bộ Y tế xác nhận có 1.202 ca nhiễm bệnh và 69 người tử vong do SARS-CoV-2. Trong vòng 24 giờ qua, số ca mắc Covid-19 tại Iraq là 80 trường hợp, trong đó có 15 người được phát hiện ở Thủ đô Baghdad. Chính phủ Iraq hiện đang áp dụng một số biện pháp để kiềm chế sự bùng phát dịch Covid-19, trong đó có mở rộng lệnh giới nghiêm trên toàn quốc cho tới ngày 19/4.
* Bộ Y tế Saudi Arabia cho biết, số ca nhiễm SARS-CoV-2 tăng lên 2.932, sau khi ghi nhận thêm 327 trường hợp mắc bệnh. Bộ Y tế Saudi Arabia kêu gọi người dân nước này theo sát những chỉ dẫn y tế và tuân thủ chặt chẽ các biện pháp đang được triển khai để ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm.
* Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) thông báo có thêm 300 ca mắc Covid-19 mới, nâng tổng số trường hợp nhiễm bệnh lên 2.659. Hiện các ca nhiễm bệnh mới đều trong tình trạng sức khỏe ổn định.
* Jordan đã quyết định áp đặt lệnh giới nghiêm 48 giờ trên quy mô toàn quốc, bắt đầu từ nửa đêm 9/4, nhằm kiềm chế sự lây lan của dịch Covid-19.
* Ngày 8/4, Bộ Y tế Nam Phi thông báo ghi nhận thêm 96 ca nhiễm SARS-CoV-2 trong 24 giờ qua, nâng tổng số người nhiễm Covid-19 lên 1.845 trường hợp. Đây cũng là số ca mắc trong ngày cao nhất trong ngày kể từ Nam Phi bắt đầu áp dụng lệnh phong tỏa toàn quốc hôm 27/3.
Nam Phi cũng ghi nhận 18 ca tử vong mới do Covid-18, tăng 5 trường hợp so với một ngày trước đó.
Đến thời điểm hiện tại, Nam Phi đã tiến hành xét nghiệm SARS-CoV-2 cho 63.776 người. Dự kiến, nước này sẽ nâng năng lực xét nghiệm từ khoảng 5.000 người/ngày lên 15.000 người/ngày vào giữa tháng 4 và 30.000 vào cuối tháng 4 tới.
Tại Việt Nam, sau buổi sáng qua, tròn 1 ngày chưa ghi nhận thêm ca nhiễm mới Covid-19. Hiện tại, số ca nhiễm là 251 ca, với 126 ca đã khỏi bênh, đạt tỷ lệ 50%.
Số người nghi nhiễm đang được cách ly, theo dõi chặt chẽ là 2.537. Hiện có 77.298 ca tiếp xúc với người nghi nhiễm và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi (cách ly), trong đó, có 48.866 ca được cách ly tại nhà, nơi lưu trú