Joy và Jay là 2 bé sinh đôi đáng yêu của chị Hương Giang. Hai bé không chỉ xinh xắn, đáng yêu mà lại rất giỏi trong việc ăn uống. Những clip về hai bé trổ tài Mukbang ăn cả thế giới khiến cho ai xem cũng phải thích mê.
Chị Hương Giang có 4 nguyên tắc cơ bản trong việc cho 2 bé sinh đôi Joy và Jay ăn dặm. Các mẹ hãy cùng tham khảo nhé!
1. Không ép ăn
Quan điểm về ăn dặm của chị Hương Giang đối với 2 bạn Joy và Jay khá đơn giản: Không cần con phải ăn thật nhiều, chỉ cần khi ăn con thấy thích. Vì nếu thích ăn, con sẽ tự muốn ăn nhiều. Còn cứ ép con ăn nhiều, chưa chắc con đã cảm thấy thích. Ép ăn sẽ dẫn đến nhiều hệ luỵ sau này: biếng ăn, sợ ăn, chán ăn, ăn thụ động,… ảnh hưởng đến tinh thần và thể chất của con. Vì vậy, một trong những nguyên tắc đầu tiên đối với vấn đề ăn dặm mà chị Hương Giang áp dụng là: Không ép ăn! Để con ăn theo nhu cầu.
Ở nhà chị Giang việc ăn dặm diễn ra rất nhẹ nhàng. Chị không bao giờ tự tạo áp lực cho bản thân là con phải ăn được từng này bát cơm, từng kia chén rau hay bao nhiêu miếng thịt. Nếu ngồi vào bàn con không ăn hết phần, con cảm thấy chán và muốn rời ghế, chị sẵn sàng cho con dừng lại. Sau đó có thể mời con lên lại nhưng nếu con vẫn cảm thấy không muốn ăn nữa thì chị sẽ để bữa ăn kết thúc luôn.
Chị Giang chia sẻ: "Với mình, tâm lý ăn quan trọng hơn việc no hay đói. Mình muốn con cảm thấy ăn uống là một công việc có sự vui thích chứ không phải là ép buộc. Vì vậy nên từ nhỏ đến giờ, Joy và Jay luôn cảm thấy vui vẻ khi đến giờ ăn và những ai đã từng gặp hay tiếp xúc với Joy và Jay đều có chung nhận xét: Đây là 2 em bé có niềm đam mê với việc ăn uống."
2. Tập trung vào kỹ năng
Chị Hương Giang cực kì chú trọng vào việc rèn kĩ năng ăn cho con: Bốc, cầm dĩa, thìa, đũa và tự xử lý đồ ăn.
Trẻ bắt đầu ăn dặm từ khi 5 - 6 tháng tuổi, có bạn nhanh hơn, có bạn chậm hơn 1 chút. Nhiều mẹ khi bắt đầu cho con ăn dặm thường cảm thấy áp lực vì con không ăn hoặc ăn ít, không hợp tác khi ăn. Nhưng có 1 điều nhiều các mẹ quên mất rằng nguồn dinh dưỡng chính cho trẻ trước 1 tuổi là sữa. Vì thế, ăn dặm trong giai đoạn đầu này đừng quá quan tâm về số lượng, mà hãy tập trung vào rèn kĩ năng cho con và trao cho con cơ hội được khám phá đồ ăn một cách vui vẻ nhất, từ đó giúp con có tình yêu với việc ăn uống. Đó cũng chính là tiền đề cho những bước tiến về ăn dặm sau này.
Có 3 phương pháp ăn dặm khá phổ biến hiện nay: Ăn dặm truyền thống, ăn dặm kiểu Nhật, ăn dặm tự chỉ huy (Baby Lead Weaning - BLW),… Mỗi phương pháp có những ưu và nhược điểm riêng. Đối với cá nhân chị Hương Giang, chị chọn ăn dặm kiểu Nhật cho giai đoạn đầu tiên của 2 bé, có kết hợp với BLW và đến khi 2 bé được 8-9 tháng thì chị chuyển hoàn toàn sang BLW.
"1 tuổi Joy và Jay đã có thể bốc nhón rất tốt, 18 tháng dùng thìa thành thạo và bây giờ khi mới lên 2, mình đang khuyến khích con dùng đũa. Kỹ năng ăn uống của con tốt không chỉ giúp giải phóng người mẹ mà còn hỗ trợ rất nhiều cho trẻ trong phát triển trí não, vận động thô và vận động tinh." - chị Giang cho biết.
3. Ăn đa dạng
Phương pháp ăn dặm sẽ quyết định rất lớn đến tính đa dạng trong đồ ăn của con. Với những bạn nhỏ hay ăn cháo theo phương pháp truyền thống khả năng phân biệt đồ ăn thường cũng sẽ không tốt bằng các bạn ăn dặm tự chỉ huy.
Chị Hương Giang luôn cố gắng giới thiệu với Joy và Jay nhiều loại thức ăn nhất có thể. Từ các loại thịt cá, hải sản, rau củ quả, kể cả những loại rau thơm hay các gia vị mạnh như gừng, giềng, tỏi, sả,… chị cũng đều cho con thử. Ở nhà chị Giang, chẳng có gì kiêng hay không có gì là không thể ăn!
1 tuổi Joy và Jay đã bắt đầu chuyển qua ăn cơm nát. 18 tháng có thể ăn cơm cùng các món với cả nhà (nấu mềm và nhạt hơn). 2 tuổi thì Joy và Jay đã "ăn được cả thế giới", chị Giang có thể tự tin đưa 2 bé đi theo đến bất cứ đâu mà không cần phải chuẩn bị riêng đồ ăn cho 2 em.
"Nếu để nói về mức độ đa dạng của thức ăn thì 2 bé có thể ăn tương đương với 1 người trưởng thành, nghĩa là chẳng có gì mà Joy và Jay không ăn được. Nhưng điều đáng tự hào hơn đối với mình trong quá trình rèn con ăn dặm là 2 bạn rất có đam mê với việc ăn uống. 2 bạn không ăn quá nhiều nhưng luôn vui thích với việc được ăn, sẵn sàng thử những loại đồ ăn mới và có thể gọi tên chính xác tất cả những nguyên liệu cũng những thành phần trong món ăn được bê ra." - chị Giang tâm sự.
4. Không thiết bị điện tử, không ăn rong
Có 1 hình ảnh thường xuyên bắt gặp hiện nay trong các gia đình hay ngoài hàng quán đó là các bé vừa ăn vừa xem tivi, điện thoại; vừa ăn vừa chạy nhảy, đi rong, có người chạy theo bón, xúc. Nhiều mẹ biết như thế là không đúng nhưng chẳng biết dỗ con thế nào nên tặc lưỡi, rồi vô tình tạo nên thói quen xấu cho con, càng về sau càng khó bỏ, trở nên lệ thuộc. Thử hỏi làm sao con có thể tự ăn, tự xúc hay đơn giản chỉ là cảm nhận hương vị của món ăn khi mà vừa ăn vừa xem tivi hay còn bận chạy nhảy?
Trong gia đình chị Hương Giang, tivi không bao giờ được phép bật khi 2 bé đang ăn. Joy và Jay chưa bao giờ nhận được sự hỗ trợ từ bất cứ thiết bị điện tử nào khi ăn. Người lớn ở bên cũng chỉ để hỗ trợ con ăn chứ tuyệt đối không được bón hay xúc và biến con ăn một cách thụ động.
Kết
Trẻ con cũng như người lớn: đói thì ăn, ngon thì ăn, khoẻ thì ăn. Vậy nên các mẹ hãy tự tin trao cho con quyền quyết định với việc ăn uống của mình. Việc của mẹ rất đơn giản: Chuẩn bị cho mình một tâm lí thoải mái, mua 1 chiếc ghế ăn dặm phù hợp, chuẩn bị thêm cho mình các kiến thức về các phương pháp ăn dặm hiện đại, tập nấu những món thật ngon, tắt hết tivi điện thoại, ngồi cùng với con … và biến công cuộc ăn dặm thành những trải nghiệm mang nhiều niềm vui và sự khám phá đối với cả mẹ và con.
Các chị em hãy thử áp dụng cách làm này khi cho con ăn dặm nhé!