Anh trai vợ tôi nhập ngũ 1970, hy sinh 1972 trong tỉnh Bình Định, ở Huyện Tây Sơn, gần khu vực đèo An Khê.
Năm 2013, gia đình tôi tổ chức vào tìm, gồm một đoàn 8 người, đi xe 16 chỗ, vào đó tìm theo lời kể của một đồng đội cũ của anh ấy. Khi vào đến nơi, đi sâu tít trong rừng tìm một tuần không thấy, đào bới rất nhiều nơi gần như là vô vọng Một hôm, cả đoàn đi qua một nương sắn của đồng bào dân tộc thì bất ngờ đứa cháu gái ngồi thụp xuống. Lúc, đó cháu mới hơn 10 tuổi lại là cháu gái gọi liệt sĩ là bác ruột. Gia đình cẩn thận thuê cả một ông thầy tâm linh đi cùng. Ông quyết định đào thử chỗ cháu gái vừa ngồi xuống. Đào sâu khoảng gần hai mét thì thấy biểu hiện có hài cốt, khu vực đó toàn đất màu đen, thế là gia đình quyết định hốt đất đó lại và nhặt nhạnh những gì còn sót vào tiểu sành gia đình chuẩn bị sẵn từ miền Bắc. Mấy em gái khóc ầm lên; đứa cháu gái trợn mắt lên quát:
- Khóc gì mà khóc, mừng anh em gặp nhau sao mà khóc?
Mọi người sợ quá, im re, không ai khóc nữa. Nương sắn này ngày nào chúng tôi cũng đi qua. Đây là khu vực đóng quân cũ của lính Nam Triều Tiên, anh tôi là Trinh sát bị bọn nó phục kích bắn chết, chúng nó chôn đúng chỗ nhiều mối nhất, vì thế sau hơn 30 năm, hài cốt không còn bao nhiêu. Chúng tôi đưa về quê nhà mai táng, làm đúng thủ tục của một liệt sĩ về quê, chính quyền địa phương và các ban ngành cũng tham gia tổ chức an táng
Sau đây là những sự việc cả đoàn không giải thích được: Ngày đầu tiên đi từ Quảng Ninh vào đến Thanh Hóa ăn sáng (chúng tôi đi từ đêm hôm trước), chủ quán ăn tỏ thái độ không thân thiện với đoàn chúng tôi vì tiếng nói vùng miền không hiểu nhau, chúng tôi muốn đứng lên không ăn nữa; cả đoàn ăn sắp xong thì chủ quán cầm hơn hai trăm ngàn ra đưa cho tôi bảo là:
- Em gửi tiền thừa.
Tôi ngạc nhiên:
- Sao lại tiền thừa?
- Dạ bác vừa đưa cho em năm trăm ngàn, đây là tiền thừa của bác.
Nói mãi chủ quán cứ bảo là như thế cho nên mình đành phải cầm.
Khi về qua cột cờ Hiền Lương, cách đó hơn một một đoạn, có một quán cơm rất khang trang. Ở đó chủ yếu phục vụ các đoàn đi tìm hài cốt liệt sĩ, bởi vì liệt sĩ họ sinh Bắc tử Nam nên qua cầu Hiền Lương bước vào đất miền Bắc họ còn lưu luyến mảnh đất miền Nam nơi họ ngã xuống. Vào đây vừa ăn cơm vừa để liệt sĩ chia tay đất Phương Nam vừa để nghỉ ngơi. Chúng tôi vào thì có gần chục đoàn đã ngồi ăn cơm rồi, trên bàn cũng có một bát dành cho liệt sĩ. Đng ăn, bỗng nhiên một ông người Hải Phòng bàn bên cạnh chạy sang bàn khác vỗ vai một cháu bé:
- Thằng An Hà Tây phải không? Tao Long Hải Phòng đây, mày nhớ không?
Đoàn Hà Tây trố mắt và tu lên khóc, ai cũng nói đúng rồi, sao anh biết tên liệt sĩ!
Cháu gái khoảng 6 -7 tuổi gì đó hút thuốc phì phèo, uống rượu như nước lã, cụng li liên tục với ông Hải Phòng; hóa ra hai người nguyên là bạn cùng đơn vị, nhưng hy sinh khác năm và khác địa phương, bây giờ mới gặp nhau.
Lúc này ông chủ quán mới ra, vừa cười vừa nói:
- Thôi các bác uống ít thôi, các bác ăn cơm đi!
Lúc đó họ mới thăng, cháu bé mặt tái nhợt ngây dại mất một lúc.
Tôi vừa ngạc nhiên vừa tò mò, hỏi ông chủ quán thì được trả lời: Ở đây những chuyện này là bình thường. Bao nhiêu năm nay các đoàn đi đón liệt sĩ thường về đây ăn cơm, các liệt sĩ lên đồng nói chuyện như người còn sống.
Nếu bạn nào có dịp đi qua vào quán này sẽ được chứng kiến và nghe kể nhiều chuyện li kì và hấp dẫn lắm. Năm ngoái tôi đi du lịch qua đó vì đi theo đoàn nên không ghé quán đó được, tôi kể câu chuyện này cho mọi người trên xe nghe và rủ mọi người vào đó ăn cơm nghe kể chuyện linh hồn liệt sĩ, ai cũng lắc đầu lè lưỡi, giục xe đi qua, không ghé vào. Toàn cựu chiến binh mà sợ ma giữa ban ngày, nghĩ cũng buồn cười. Nhiều ông đánh Nam dẹp Bắc nửa đời trận mạc, thế mà nói đến linh hồn liệt sĩ là đã lạnh gáy rồi.
Chuyện nhà tôi đi lấy hài cốt liệt sĩ, có anh vợ tôi là Oanh Nguyễn ở nhóm này và mấy em vợ tôi cũng ở đây, vì thế tôi phải viết đúng, không được phép sai một chi tiết nào.
Ngày đó những đoàn đi tìm hài cốt liệt sĩ thường đưa một cháu gái là cháu liệt sĩ cùng giòng máu với liệt sĩ, cháu này tuổi thường từ 6-15 tuổi thì liệt sĩ hay nhập vào các cháu vì cùng huyết thống với liệt sĩ và các cháu nói thì mọi người tin ngay, các cháu toàn kể chuyện ngày xưa thời kỳ liệt sĩ còn ở nhà.
Tháng 7 là tháng kỷ niệm ngày Thương binh Liệt sĩ, tôi xin kể về những điều linh thiêng của liệt sĩ cho mọi người nghe ai tin thì cho là tham khảo, ai không tin thì bỏ qua, cứ coi như là một câu chuyện cổ tích thời hiện đại.
Một nén Tâm nhang đến những liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ Quốc Việt Nam chúng ta.
Kính cẩn nghiêng mình trước vong linh liệt sĩ!
HH ST (Nguồn: Chiến tranh Việt Nam và những câu chuyện)
Theo Trái tim người lính