Cậu học trò của tôi

Bắt đầu vào năm học mới, tôi được phân chủ nhiệm lớp với 41 cô cậu học trò. Nhìn bạn nào cũng sáng sủa gương mặt thơ ngây. Nét hồn nhiên nhí nhảnh vẫn in trên giọng nói, nụ cười, cả điệu bộ vòng tay hình trái tim khi đùa vui với bạn.

242300799-4300345210081541-518766195474256506-n-1631977776.jpgẢnh minh họa

Một cậu học trò có đôi mắt to, tròn như con gái nhưng hay khóc khiến tôi chú ý ngay những ngày tập nghi thức cho lễ khai giảng. Cậu bé đó rất thật thà, ai nói nói đùa cũng tin là nói thật. Đặc biệt là ít nói chuyện với bạn bè, sống thu mình. Trong lớp, cứ ngồi im, thỉnh thoảng mới nghe giảng được 1 tiết. Ngay tuần đầu tiên tới lớp, em đã bị ghi vào sổ đầu bài với lí do không chép bài. Mắt luôn lơ đễnh nhìn ra cửa sổ. Có lúc thì cúi xuống không tập trung. Cậu học trò này chắc chắn có vướng mắc gì rồi - tôi nghĩ vậy và tìm hiểu về hoàn cảnh của em. Bố mẹ em chia tay nhau từ khi em còn nhỏ, em sống ở bên ngoại. Mẹ bận công việc nên đi vắng cả ngày. Bà ngoại cho em chơi cùng với ti vi, máy tính. Lâu ngày nên thế giới của em đã hoàn toàn khác. Đó là trò chơi điện tử trên mạng, những bộ phim hoạt hình. Em khép mình với thế giới xung quanh. Tự một mình nói chuyện với nhân vật trên phim hoạt hình, truyện tranh bằng tiếng Anh như nói chuyện với người bằng xương bằng thịt trước măt. Cuối cùng em thành đứa trẻ tự kỉ mà không ai hay. Vậy làm thế nào bây giờ?

Tôi đã từng dạy một học sinh tự kỉ ba năm. Em nhận thức rất nhanh nhưng không thích ai điểm cao hơn mình. Em sẵn sàng nổi khùng lên và giấu bài kiểm tra của bạn. Khi bị phê bình, em lao tất cả chổi qua ô cửa sổ. Lần đầu tiên vào lớp, tôi được chứng kiến em xông vào đánh một bạn trong lớp vì hôm trước bạn đó vay của em 5000 đồng hứa hôm nay trả mà chưa trả. Tôi vội vàng chạy đến hỏi lí do và đưa cho em 5000 và nói:

- Cô trả thay bạn Trường nhé!

Một lúc sau, khi bình tĩnh lại, em không nói gì. Bạn Trường sợ hãi rụt rè, xin vào lớp. Cô giáo chủ nhiệm trao đổi với phụ huynh và có hướng điều trị cho em, đặc biệt là tâm lí theo hướng tích cực. Năm cuối cấp, khi thi không đoạt giải HS giỏi cấp huyện, tôi sợ em buồn nên an ủi nhưng em nói với tôi:

- Em không sao rồi cô ạ.

Em đã bình tĩnh trước mọi tình huống, Tôi và cô giáo chủ nhiệm thở phào nhẹ nhõm. Người vui hơn ai hết chính là bố mẹ của em. Còn học sinh Khánh của tôi thì chưa thay đổi. Thích thì em học, không thích thì em ngồi chơi. Nếu phê bình là em cắp cặp đi về không nói gì, gọi không quay lại. Các thầy cô đều biết nên tránh nói to khi em mắc lỗi. Một hôm, tôi bất ngờ nhận được cú điện thoại:

- Tôi là bà của cháu Khánh. Cô đến ngay nhé, cháu không muốn sống nữa…

Tôi vội vã đi ngay. Đến nơi, em đóng chặt cửa, không cho ai vào. Tôi đành phải nói vọng từ ngoài vào:

- Cô đây, em mở cửa cho cô. Có gì thì cô sẽ giải quyết nhé!

Sau một hồi thuyết phục, em cũng mở cửa cho tôi vào. Chuyện xảy ra trong giờ chơi, nguyên nhân do một bạn nghịch ngợm đã kéo quần em ở sau bức tường của lớp. Sự việc đó chỉ có bốn bạn nam trong lớp biết. Hành động của bạn khiến em xấu hổ muốn chết. Tôi nhẹ nhàng phân tích, dỗ dành. Em nguôi ngoai dần, vui vẻ trở lại. Tối đến, mẹ dẫn em đi chơi cho khuây khoả, em cũng quên chuyện đã xảy ra lúc sáng. Biết em có năng khiếu môn tiếng Anh nên tôi đã động viên tham dự các cuộc thi. Đầu tiên là trả lời các câu hỏi vui vào tiết sinh hoạt trong đó có môn tiếng Anh. Cuộc thi Rung chuông vàng tiếng Anh do trường tổ chức, kết quả em đứng thứ 7 so với học sinh toàn trường. Cô giáo tiếng Anh chọn đi dự thi HS giỏi cấp huyện. Vẫn ngây ngô, hồn nhiên khi trả lời cô giáo: “Khánh chỉ làm thế thôi, còn một phần Khánh không làm nữa”. Tôi cười và động viên: “Thế là tốt rồi, lần sau nhớ làm hết nhé”. Em được giải ba cấp huyện môn thi tiếng Anh khiến cả lớp vui mừng, reo hò ầm ĩ vào cuối tiết sinh hoạt. Cậu học trò nhỏ đã hòa nhập được với bạn bè, có thái độ học tập tốt hơn. Vui nhất là em đã có sự chuyển biến về tâm lí.

Các bạn ạ, dạy học sinh bình thường uốn nắn theo kỉ luật đã khó nhưng đối với học sinh tự kỉ càng khó hơn rất nhiều. Giống như cây còn non nớt cần được chở che, nâng niu, chăm sóc bằng tình yêu thương của thầy cô, gia đình và xã hội. Nhưng đầu tiên phải là gia đình. Hãy quan tâm tới con trẻ, lắng nghe các con nói mỗi ngày. Trân trọng cảm ơn.

 

Theo Chuyện Làng quê