Cậu tôi

Tháng 6 năm 1966 để lại mẹ già và người thân, gác lại tất cả hoài bão ước mơ của tuổi trẻ cậu tôi: Đỗ Văn Chăm theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc lên đường góp phần vào công cuộc chống Mỹ cứu nước.

216997415-1852094958323351-9009976084818096331-n-1629343729.jpg

 

Quê ngoại tôi xã Tân Thành, huyện Phú Bình, Thái Nguyên. Nơi đây cuộc sống thật yên bình với những con người chân thật, giản dị luôn gắn liền với ruộng lúa, nương sắn và đồi chè.

Tháng 6 năm 1966 để lại mẹ già và người thân, gác lại tất cả hoài bão ước mơ của tuổi trẻ cậu tôi: Đỗ Văn Chăm theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc lên đường góp phần vào công cuộc chống Mỹ cứu nước. Nhập ngũ, Cậu tôi được phân công về sư đoàn 559.

Tháng 2 năm 1971, Liệt sỹ Đỗ Văn Chăm đã hy sinh trên đường đi chiến đấu, hy sinh tại mặt trận phía Nam và đang nằm ở nơi đâu trong lòng đất Mẹ ...

Năm 1975 ngày giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước Bắc Nam sum họp một nhà ai ai cũng vui mừng, nhưng .... đâu đó vẫn còn những người mẹ như Ngoại tôi vẫn đang khắc khoải chờ đợi ngóng trông một sự kỳ diệu của cuộc sống, đưa cậu về bên ngoại và những người thân... Năm tháng cứ trôi đi, chúng tôi những đứa trẻ được sinh ra trong chiến tranh lớn lên được hưởng Độc lập - Tự do và Hạnh phúc, không thể hiểu hết về chiến tranh ....Ngày Ngoại tôi ra đi vẫn rưng rưng nước mắt nắm tay mọi người với lời dặn dò: “Hãy cố gắng tìm được phần mộ Liệt sỹ Đỗ Văn Chăm ...”. Nhưng rồi, có ai ngờ rằng từ trong sâu thẳm của thế giới tâm linh Cậu tôi đã về, Cậu đã về thật trong giấc mơ của tôi, trong tâm trí tôi không thể hình dung được hình ảnh của Cậu như thế nào ... Ngày 27/7/2005, lần đầu tiên tại Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn (NTLS QG TS) đã tổ chức thắp hương và nến tri ân các anh hùng liệt sĩ thì ngay đêm đó cậu đã về báo mộng nơi cậu an nghỉ.

Vượt qua chặng đường dài, hai chị em tôi đã tìm được mộ Cậu. Thay mặt cho ngoại, cho mẹ và cho toàn thể gia tộc họ Đỗ chúng tôi thắp nén nhang thơm lên phần mộ Cậu, một chiều tháng 7 giữa rừng Trường Sơn đại ngàn mà không một tiếng lá rì rào không một tiếng chim kêu tất cả, tất cả như chìm vào cõi hư vô. Mừng vì tìm được mộ Cậu bao nhiêu nhưng lại xót xa bấy nhiêu khi trên tấm bia mộ lại là “Tử sĩ Đỗ Văn Chăm chết ngày 19.2.1971”. Chị em chúng tôi cùng nhau thắp hương lên 77 ngôi mộ tử sĩ còn lại mà lòng đau xót khôn nguôi, khi mà Cậu tôi cùng các cô các chú yên nghỉ nơi đây đều là vì Tổ quốc mà hy sinh mà lại mang danh là Tử sĩ 78 ngôi mộ, 78 linh hồn nằm lẻ loi một mình với tấm bia Tưởng niệm (Sau này qua đ/c Hồ Đức Ái trưởng ban QLNTLSQG Trường Sơn thì tôi được biết 1 trong 78 cô chú nằm trong khu tử sĩ này có 1 người được Truy tặng Anh hùng ) ...Thời gian cứ trôi đi gia đình chúng tôi đã gửi rất nhiều đơn từ tới các cơ quan có trách nhiệm mong muốn trả lại đúng tên cho cậu tôi Liệt sĩ Đỗ Văn Chăm (theo giấy báo tử) nhưng đều không có hồi âm.

220918952-1852094741656706-959038162536152479-n-1629343377.jpgBia mộ “Tử sĩ Đỗ Văn Chăm chết ngày 19.2.1971” tại Nghĩa trang LSQG Trường Sơn

Tháng 5/2009 nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Đoàn 559 được tổ chức tại NTLSQG Trường Sơn, tôi vào thắp hương mộ cậu tôi thì được phát biểu trên sóng VTV1 (1 chương trình đặc biệt) thì sau 2 tuần cậu tôi đã được “trả lại tên Liệt sĩ Đỗ Văn Chăm nhập ngũ tháng 4/1966 đơn vị H 559 hy sinh ngày 19.2.1971”. Ngày 27.7.2009 một lần nữa báo Lao động số 168/2009 đã có bài viết về những ngôi mộ tử sĩ ở Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn: Cần làm sáng tỏ những trường hợp tử sĩ tại nghĩa trang liệt sĩ QG Trường Sơn (Liệt sĩ Đỗ Văn Chăm là trường hợp được minh oan đầu tiên).

Được sự đồng ý của Sở LĐ TBXH tỉnh Quảng Trị, Ban quản lý NTLSQGTS và tâm nguyện của gia đình ngày 18/12/2009 đoàn chúng tôi gồm 16 người vào chuẩn bị di dời phần mộ liệt sĩ Đỗ Văn Chăm từ khu tử sĩ sang khu liệt sĩ của tỉnh Thái Nguyên - Bắc Kạn. Gia đình liệt sĩ thắp hương Đài Tổ quốc ghi công thì một lần nữa Cậu tôi lại về. Hiện thân là 1 con bướm Vàng, Đen tôi mới nói Cậu linh thiêng xin cậu đậu vào vai từng người trong gia đình mình từ già đến trẻ còn người ngoài thì thôi. Vậy mà con bướm đó đã đậu vào vai mẹ, vai mợ các dì các em các cháu 13 người tất cả (ngoài ra là 3 chú đại diện cho Đảng ủy, UBND, HĐND, và Hội cựu chiến binh xã Tân Thành). Mẹ tôi nói nếu đúng là cậu thì dẫn chị đến mộ cậu đi, vậy mà con bướm đó đi trước mẹ tôi và cả đoàn 2 bước chân, vượt qua khu mộ liệt sĩ của Hà Nội, xuống dốc sang đường, băng qua khu mộ của tỉnh Hà Nam Ninh, đến khu Tưởng niệm đậu vào đúng ngôi mộ Tử sĩ Đỗ Văn Chăm.

213929781-1852094788323368-4204919403556267334-n-1629343611.jpgPhần mộ liệt sĩ Đỗ Văn Chăm

Mộ cậu tôi Liệt sĩ Đỗ Văn Chăm nằm đấy dưới rừng Trường Sơn gió ngàn, sau những cánh hoa ngâu 4 mùa thơm ngát hòa cùng với hương linh của hơn 10 nghìn anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trọn vẹn cả tuổi xuân cả cuộc đời cho non sông này, đất nước này mãi mãi trường tồn. Thay lời tri ân của Gia tộc họ Đỗ tại Tân Thành - Phú Bình -Thái Nguyên, chúng cháu xin thắp nén hương thơm lên phần mộ Cậu: Liệt sĩ Đỗ Văn Chăm nói riêng và các Anh hùng liệt sĩ nói chung, xin hãy yên lòng an nghỉ nơi vĩnh hằng. Một lần nữa gia đình tôi xin trân trọng cảm ơn các quý ban ngành đã tạo điều kiện giúp đỡ./.

(Bài viết này kỷ niệm 12 năm ngày tìm được mộ Liệt sĩ Đỗ Văn Chăm và kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh liệt sĩ)

 

Theo Chuyện quê