Cây đòn gánh

Thời còn đi học nhà tôi lúc nào cũng có một hoặc hai cây đòn gánh bằng tre, loại tre già (hay tre điếc?) dùng để gánh nước và gánh bột.

don-ganh-1630484761.jpg

Đòn gánh bán ngoài chợ là loại hàng, không dùng để gánh bột được vì bột nó nặng hơn nước nhiều lắm, vì vậy mà mỗi lần muốn xài đòn gánh thì phải đặt hàng, đòn gánh được loại 9 lóng xài lâu hơn loại 7 lóng (chiều dài của cây đòn bình quân từ 7 hoặc 9 lóng tre) cái đặc biệt là đòn gánh người ta chỉ thích số lẻ mà không chọn số chẵn. Sau này mới biết nếu chọn số chẵn thì ngay cái mắc sau mà gánh?

Xưa nước phông tên chưa đến từ nhà nên xài nước phải tự đi gánh hoặc thuê tính từ đôi. Ở dưới quê gần sông nên nước kế một bên nên gánh đầy lu nước chỉ tầm 20 phút. Nhưng ở Sài gòn thì cực lắm, phông tên nước nhà nước đặt ở các ngã tư nhà trong hẻm muốn gánh một đôi nước cũng trần thân lai khổ. Một đôi là hai thùng, loại thùng vuông đựng dầu lửa được chế biến ra thùng gánh nước. Vì vậy mà lao động nghèo thời đó có thêm nghề gánh nước mướn.

Cũng cặp thùng đó gia đình tôi dùng để gánh bột từ nhà Dì út về bên khóm 3 lò heo gần 100 m phải lên xuống hai cái dốc cầu ngang chợ. Vì vậy mà cây đòn gánh phải đặt người quen làm chứ không mua hàng chợ. Thùng bột nó nặng nên khi gánh bột cái độ nảy của nó cũng nặng nề hơn lỡ mà gãy cái đòn gánh thì bột trong thùng kể như bỏ sông bỏ biển.

Anh Tư tôi gánh nước mỗi lần một cặp, nghĩa là 2 cái móc trước móc 2 thùng, 2 cái móc phía sau móc 2 thùng, gấp đôi người ta mà gánh nước chạy như bay vậy.

Khi ở nhà anh Hai mỗi ngày từ nhà anh Hai xuống nhà Dì út xay 14 thùng bột (7 đôi) lộ trình 500 m, như vậy gánh 7 đôi bột phải gần 4 tiếng đồng hồ. Sau đó anh hai thuê ghe chở nên cũng khỏe, chỉ gánh xuống ghe tới bến gánh lên khoảng 50 m.

Buổi chiều 4 giờ tôi phải gánh 50 đôi nước từ bến sông lên (50m x 50 đôi) muốn gánh lẹ để đi chơi tôi phải tập trung công lực, gánh phía trước một đôi, phía sau một đôi, cánh tay bên phải cầm cây đòn gánh còn cánh tay bên trái tranh thủ cầm thêm một thùng lẻ nữa vậy là chỉ 20 lần gánh tôi đã xong 50 đôi nước.

Mà cây đòn gánh chịu được một lúc 5 thùng nước chỉ có cây đòn đặt làm mới chịu nổi, cây mua ngoài chợ gánh bây nhiêu đó nhịp vài cái là gãy làm đôi liền. Mà đang đi gánh nước có cây đòn gánh trên tay cũng như kiếm khách có cây kiếm vậy. Đánh nhau mà đòn gánh phang vào ống quyển thì té ngay...

Ngày xưa đòn gánh còn được sử dụng như một loại vũ khí dùng để chiến đấu rất hiệu quả không thua gì các loại vũ khí thô sơ khác.

Một lần chở nguyên ghe bột về tới bến có thằng nhóc ở xóm tên Q nó ngồi rửa chân ngay cái cầu đi lên nó rửa hết chân này tới chân kia, tôi đứng làm thinh chờ nó rửa chân... tầm 15 phút mà nó vẫn còn rửa hoài hết chân này nó lại rửa tiếp chân khác. Tôi cầm cây đòn gánh nói nhỏ với nó:

- Mày chắc lâu lâu mới rửa chân một lần hả? Để tao cho cây đòn gánh này vô cái ống quyển mày chắc mày lâu lắm mới được xuống sông rửa chân.

Vừa đưa cây đòn gánh lên ống chân nó mới nhịp một cái nó hoảng hồn chạy mất dạng. Chiều cô bạn gái mời lại nhà chơi thì mới biết cái thằng nhóc đó là em của cô ấy.

Bây giờ thì hình như cây đòn gánh không còn hiện hữu như một món đồ gia dụng không thể thiếu trong gia đình người Việt ngày xưa. Giống như số phận của những món gia dụng khác mỗi ngày một xa đi... bọn trẻ bây giờ nếu được hỏi biết cây đòn gánh là cây gì chắc chắn là tụi lắm trả lời là... không biết.

Buồn lắm phải không các bạn . /.

Theo Chuyện quê