Cây khế ngày xưa

Người ta thường ví quê hương như chùm khế ngọt:

Quê hương là chùm khế ngọt

Cho con trèo hái mỗi ngày.

ch-q1v-1631068950.jpgẢnh minh họa do tác giả tuyển chọn.

Tôi không biết có đúng thật không, chứ tuổi thơ tôi mỗi ngày đều "vắt vẻo" trên cây khế chua. Mà nếu ví quê hương là chùm khế, tôi thấy buồn cho mình, chẳng có khế ngọt để trèo hái như người ta. Dù là cây khế chua, tôi chẳng hề thích ăn nhưng tôi lại rất yêu cây khế ấy.

Ngày tôi còn nhỏ, nghe mẹ kể chuyện cây khế, con chim lạ phải đánh đổi vàng mà ăn khế của người em, tôi cứ thắc mắc, sao khế chua loét như vậy mà con chim dại dột kia lại đổi những ba gang. Sau tôi phải tự chấp nhận rằng, chim thích ăn đồ chua. Chắc nó giống chị gái tôi, chị ấy hay cùng với mấy chị bạn trong làng vặt khế chua, cùng với sung xanh với mấy quả táo chát nhà bà o tôi. Thấy mấy "bà ấy" nhăn mặt nhá (nhai) mà tôi thấy cũng thèm theo.

Hầu như ngày nào cũng vậy, tôi với lũ bạn gần nhà cũng phải leo lên cây khế nhà tôi. Ngày ấy không phải học nhiều như bọn trẻ bây giờ. Chúng tôi rảnh rỗi nhiều nên "lượn lờ" khắp xóm. Buổi trưa nắng không dưới gốc xà cừ, thì chạy lại gốc khế để chơi. Bóng mát cây toả rợp cả một góc ao, quả trên cây rất nhiều nhưng chẳng đứa nào "thèm hái".

Cây khế có thân to như cái cột nhà, nghiêng từ bờ hướng ngả ra ao. Phía gần gốc lại mọc thêm cành phụ cũng to như cái đòn cày. Từ hai thân đó, những cành nhỏ hơn mọc ra tua tủa, xoã khắp xung quanh. Chúng tôi còn nhỏ, có lẽ cũng nhẹ nên mỗi đứa leo một tán, giành làm "nhà" riêng. Vui nhất là chơi trò bắn nhau. Vũ khí chính là súng làm từ thân cây chảy (một loài tre), đạn thì đã có quả đay nhét đầy túi quần, túi áo. Đạn bắn ra nhơn nhớt, dính vào người, vào mặt rất "gớm". Thế mà vẫn thích chơi. Bà tôi hôm nào cũng phải ra đuổi xuống. Bà bảo: hóc xương gà, sa cành khế. Ấy vậy mà, hôm sau bọn "oắt" lại quên.

Hoa khế màu tim tím, phớt hồng nho nhỏ. Những chùm hoa khế mọc ra từ cành nhỏ, nhưng vẫn có nhiều chùm mọc ra từ thân. Ngay dưới gốc, những chùm hoa khế cũng mọc đầy, sau thành cả "đống" quả. Chúng tôi quy ước, đứa nào leo đụng vào làm rơi chùm hoa khế, thì đứa đó sẽ thua. Thế nên bọn tôi đều cố lách, tránh làm rơi khế. Thế mà thỉnh thoảng khế rụng khỏi cành, nghe "tủm" dưới mặt ao. Buồn cười nhất là khi có thằng vô ý, trượt ngã ùm xuống nước. Vui ơi là vui.

Chán trèo leo thì có trò câu cá. Cần câu làm bằng que tre nhỏ, dây cước với lưỡi câu phải mua, nhưng rẻ lắm. Dưới tán khế um tùm, ao nhà tôi đầy loại cá. Nhưng không hiểu sao cá to chẳng chịu ăn, mặc dù chúng tôi đã đầu tư mồi câu đó chứ. Lúc đó, toàn phải vác cuốc ra góc vườn đào bắt mấy con giun đất. Ghét nhất mấy con thia cờ hay đến phá rối. Bọn này tài, ăn mồi mà không hề bị mắc vào lưỡi câu. Nhưng rồi chúng tôi cũng bắt được khá nhiều. Cá rô với cá đòng đong đem về nấu ăn được. Cá thia thia chỉ đem về cho chó, mèo ăn thôi. Hồi đó còn bày đặt nuôi cá cảnh. Cá thia cờ bơi cũng khá đẹp, trông cũng vui vui.

Mẹ với bà thích ăn khế nấu với moi. Tôi ghét. Moi khô mua ngoài chợ về, khế sẵn trên cây, rửa sạch nhưng phải vắt bớt nước vì nó "quá chua". Món ăn dân dã này nay thỉnh thoảng mới ăn lại, thấy cũng ngon ngon. Vậy mà khi ấy, mẹ bảo chan vào ăn, tôi cứ không chịu, chỉ muốn gắp mấy con moi ăn cho dễ. Tôi chỉ thích mỗi món khế này khi bố tôi nấu với lòng me. Những hôm như thế, chẳng cần mẹ nhắc tôi cũng lấy môi (muỗng) chan đầy bát.

Cây khế ngày nào, giờ đã chẳng còn. Dẫu biết đó cũng là điều tất yếu của cuộc sống. Kể cả cái ao rộng, dài nhà tôi nay cũng không còn nữa. Mỗi khi nhìn thấy cây khế chua nhà người khác, hay đi ăn cỗ có món nấu khế chua, tôi lại cứ xúc cảm nhớ về một thuở, cái buổi ngây thơ vui cùng cây khế.

Ai đó nhớ quê hương vì có chùm khế ngọt. Tôi nhớ về cây khế đầy quả chua loét ngày xưa...

Theo Chuyện làng quê