Nhóm nữ sinh Afghanistan chế tạo robot - Ảnh minh họa |
Sáng kiến này được nảy ra trong bối cảnh dịch COVID-19 hoành hành, trong khi với nguồn lực eo hẹp, giới chức y tế nước này đang chật vật để tăng cường các thiết bị y tế chăm sóc đặc biệt cho các bệnh nhân.
Theo nhà tài trợ của dự án Roya Mahboob, nhóm nữ sinh độ tuổi từ 14 đến 17 đang làm việc với các chuyên gia y tế trong nước cũng như các chuyên gia từ Đại học Havard để chế tạo nguyên mẫu của chiếc máy thở chi phí thấp, dựa trên thiết kế của Viện Công nghệ Masachusetts (MIT).
Nhóm này bao gồm các nữ sinh có thành tích học tập vượt trội của Afghanistan, được biết đến với tên gọi nhóm “Afghan Dreamers”, thành lập tại thành phố Hera.
Nhóm sử dụng động cơ và pin của mẫu xe Toyota Corolla, rất phổ biến trên đường phố Afghanistan, để chế tạo một nguyên mẫu máy thở. Nhóm đã hoàn thiện một hệ thống cơ khí để vận hành túi Ambu - bộ phận chính của máy thở sử dụng để thông khí nhân tạo cho phổi, một cách tự động và chính xác.
Hiện nhóm còn đang tính toán để máy có thể điều chỉnh thời gian và áp lực bơm hơi phù hợp với từng bệnh nhân.
Dự án này được triển khai sau khi Thị trưởng Hera kêu gọi tăng cường nghiên cứu và sản xuất máy thở cho các cơ sở y tế của thành phố khi số ca mắc bệnh tăng mạnh.
Với dân số 35 triệu người, hiện Afghanistan chỉ có khoảng 300 máy trợ thở. Bộ Y tế nước này đã kêu gọi các chuyên gia và kỹ sư tham gia hỗ trợ nhóm nữ sinh trên hoàn thiện dự án.
Một khi chế tạo thành công, được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kiểm nghiệm và Chính phủ Afghanistan cấp phép, nhóm có thể sản xuất hàng loạt máy thở mới theo nguyên mẫu này với giá khoảng 300 USD/chiếc trong khi các loại máy thở hiện đại thông thường có giá khoảng 30.000 USD/chiếc.
BT