Chỉ có yêu thương

Em ngả đầu vào lòng tôi khóc nức nở như một đứa trẻ, những giọt nước mắt hối hận lăn dài trên má, nói, nếu không có những lời tâm sự, sẻ chia, khuyên bảo của tôi em sẽ mãi có những suy nghĩ không đúng về cha mẹ, sẽ trượt dài trên những lỗi lầm khiến bản thân mình trở thành một người cộc cằn, thô lỗ, bất hảo mãi sống trong thù hận, bất cần để trả thù sự thiếu quan tâm của cha mẹ.

1-chi-co-yeu-thuong-1630770163.jpg 

Lâm là học sinh cá biệt, học lực yếu nhất của lớp tôi. Em thường hay vi phạm nội quy của lớp, của trường như đi học muộn, trốn tiết, không thuộc bài, nói chuyện riêng, ngủ gục, thậm chí gây gổ với bạn khiến cho thành tích của lớp tuần nào cũng bị “đội sổ”. Giáo viên bộ môn, các bạn cùng lớp ai cũng phàn nàn về em với tôi, vì thế, thành tích của lớp không thể vươn lên được. Những hành động, việc làm của em khiến tôi bực mình tự nhủ cần phải nghiêm khắc với em hơn để đưa em vào nề nếp, quy củ.

Những vi phạm của em đều được tôi gia tăng bằng những hình phạt như trực nhật lớp, quét sân, dọn khu vệ sinh, lao động, đứng dưới cờ, viết bản kiểm điểm, biên bản vi phạm, đe dọa cho ở lại lớp, thậm chí trong tâm trí tôi đã có ý tưởng đề nghị Ban giám hiệu đuổi học, đẩy em ra lề đường cho chừa cái tội quậy phá, để lớp tôi không còn bị bêu rếu dưới cờ nữa, tôi không còn bị đồng nghiệp ca thán này nọ về thành tích “lẹt đẹt” của lớp. Tôi càng gò ép bao nhiêu thì em lại càng mắc lỗi nhiều hơn theo kiểu bất cần. Mặt em lúc nào cũng nhâng nhâng, nháo nháo, câng câng trọc tức tôi. Áo quần xộc xệch, không đeo khăn quàng, không ghi bài và cúp tiết thường xuyên hơn, ....mặc tôi đã gửi thư về gia đình thông báo. Mặc cho tôi đe nẹt, em vẫn chứng nào tật ấy. 

Trong một lần đi dạy phổ cập ở điểm phụ, bất chợt tôi nhận ra mái tóc cháy nắng vàng hoe quen quen đang lom khom vớt lục bình bên bờ sông. Dừng xe, định thần nhìn kĩ cái dáng người thấp đậm to con, nước da ngăm đen, khuôn mặt chữ điền, đôi mắt xếch với hàng lông mày rậm chính là Lâm, cậu học trò cá biệt của tôi. Dựng xe, tôi hỏi “Em vớt lục bình có mệt lắm không?”. Đang vớt lục bình, Lâm giật mình quay đầu, ngẩng lên nhận ra giáo viên chủ nhiệm, mặt Lâm tái mét, ngượng ngùng “Dạ, em chào thầy! Em không mệt ạ!”, Lâm lí nhí. “Lưng áo ướt đẫm mồ hôi thế kia mà còn bảo là không mệt à! Nào, để thầy phụ em một tay nhé”. Lâm bất ngờ đứng như trời trồng, ngạc nhiên, lúng túng như gà mắc tóc không kịp nói lời từ chối, ngăn cản khi tôi cởi áo, xắn quần vớt lục bình.

Vừa vớt lục bình hai thầy trò cùng trò chuyện về chăn nuôi heo, một ngày vớt mấy thúng lục bình mới đủ bữa ăn cho heo. Lục bình có được băm nhỏ rồi nấu với cám hay là thái nhỏ trộn lẫn với cám cho heo ăn, thái lục bình đã bị đứt tay bao giờ chưa. Tôi bảo với em lục bình không chỉ là thức ăn cho heo mà lục bình còn là nguyên liệu để đan thủ công mĩ nghệ nữa, có giá trị kinh tế rất cao và giúp người dân có công ăn việc làm lúc nông nhàn. Em cũng tâm sự với tôi rằng lục bình, loài cây thủy sinh trôi dạt khắp miền sông nước còn được dùng như một thứ rau trong bữa cơm của người dân miệt vườn. Gặp lúc túng ngặt gia đình em thường ra mé sông, bờ rạch kiếm giề lục bình làm rau. Lục bình tước ngó non và bông, rửa sạch để ráo, xào với tóp mỡ, chấm nước mắm ăn với cơm nóng cũng được bữa ngon lành, “sang” hơn thì bỏ chút công đi xúc tép trấu hoặc kiếm mớ tép bạc về xào lục bình. Bắc chảo dầu sôi, phi tỏi cho thơm lựng, trút ngó, bông lục bình đã sơ chế sạch vào xào chín rồi mới cho tép vào đảo đều, nêm nước mắm ngon, bột ngọt, tiêu xay nhuyễn. Đĩa lục bình xào tép chấm với nước tương hoặc nước mắm vắt chanh, dầm trái ớt hiểm thì ăn cơm no quên thôi. Cách nữa là nấu canh chua lươn với lục bình  bằng cơm mẻ, me trái nhưng đặc sắc nhất phải là trứng kiến vàng. Cho tổ trứng kiến vào rổ, nhúng nước sôi để lấy chất chua đặc trưng rồi vớt bỏ xác trứng kiến, thả lươn đã làm sạch vô cho sôi lại, nêm nếm vừa ăn mới thả bông lục bình vào, có thể thêm vào nồi canh ít cọng bông súng hay nhúm bông điên điển để màu sắc thêm hấp dẫn, thêm ít lát ớt, ngò gai, ngò om lại càng thơm ngon, đậm đà hương quê. Kể xong, em đọc “Bắt lươn đem nấu canh chua/ Món ăn dân dã đâu thua thị thiềng”, “Lục bình trôi dọc triền sông/ Hái về xào tép ngọt lòng dân quê” khiến tôi ngỡ ngàng, không ngờ em lại “văn chương”, mềm mại đến thế, trái ngược hẳn cái vẻ “ngậm hột thị” của em khi trả bài.

Đầy thúng to, thầy trò khệ nệ khiêng vào nhà. Đặt thúng xuống sân, tôi đứng chết trân khi đập vào mắt là ngôi nhà xập xệ, xiêu vẹo, vách lá dừa hở toang hoác, mái tôn ghỉ sét...thấp lè tè tưởng chừng muốn sập đến nơi, vậy mà gia đình em vẫn ở được. Bên trái nhà là cái chuồng heo nhỏ được dựng bằng những cây tràm to bằng nửa cổ tay ghép lại tạm bợ. Em bảo, gia đình mới được Hội phụ nữ xã cho vay vốn xóa đói giảm nghèo để mua heo giống về nuôi. Thì ra, gia đình em thuộc hộ nghèo của xã nên được xét vay vốn nhằm phát triển kinh tế gia đình, xóa nghèo.

Hoàn cảnh gia đình em rất éo le. Ba, mẹ em đã ly dị nhau. Ba em thì lấy vợ khác, mẹ cũng có gia đình của riêng mình và em ở với mẹ. Cả hai gia đình đều nghèo, kinh tế khó khăn nên ít quan tâm, chăm sóc em nên em thấy mình cô đơn, lạc lõng, tủi thân, cảm thấy mình không được mọi người yêu thương, chia sẻ. Em dần rơi vào trầm cảm và buông xuôi, bỏ mặc số phận. Thì ra, đây là nguyên nhân khiến em trượt dài lỗi sai phạm, thành tích của lớp luôn “đội sổ” là đây. Tôi động viên  em đừng vì điều đó mà buồn, chán nản, tuyệt vọng, phải hiểu và thông cảm cho cha mẹ.

Cha mẹ em đều có hoàn cảnh riêng, mỗi người đều nỗ lực làm ăn buôn bán để kiếm tiền nuôi sống gia đình nên ít có thời gian chăm sóc em cũng là điều dễ hiểu. Áp lực của công việc đè nặng trên vai khiến đôi khi họ nóng nảy mắng nhiếc em, lời mắng mỏ ấy không phải là thái độ ghét bỏ em, buông rơi em, đó chỉ là vì quá bị ức chế về tâm lí, vì lo lắng điều gì đó khiến họ đâm ra bực bội, cau có, bẳn gắt vậy thôi, chứ cha mẹ yêu thương em lắm, bằng chứng là họ vẫn cho em đi học đấy thôi, để em được học hành đến nơi đến chốn trở thành người có ích cho xã hội. Trong sâu thẳm tâm hồn của cha mẹ muốn em học hành hòng tạo điều kiện cho em thực hiện tốt những hoài bão, ước mơ của mình, sau này có công ăn việc làm ổn định nuôi sống bản thân và gia đình, có hiểu như vậy em mới thấy lòng mình nhẹ nhõm, thanh thản, tin yêu họ hơn.

Em ngả đầu vào lòng tôi khóc nức nở như một đứa trẻ, những giọt nước mắt hối hận lăn dài trên má, nói, nếu không có những lời tâm sự, sẻ chia, khuyên bảo của tôi em sẽ mãi có những suy nghĩ không đúng về cha mẹ, sẽ trượt dài trên những lỗi lầm khiến bản thân mình trở thành một người cộc cằn, thô lỗ, bất hảo mãi sống trong thù hận, bất cần để trả thù sự thiếu quan tâm của cha mẹ.

Hiểu hoàn cảnh của em, tôi rất buồn, hối hận vì mình đã thờ ơ, lãnh cảm không quan tâm tìm hiểu hoàn cảnh gia đình em nhiều hơn. Nếu hiểu sớm hoàn cảnh của em tôi sẽ không rầy la, xử phạt với những quy định hà khắc, thậm chí còn có ý định đuổi học em. Chỉ vì thiếu thốn tình thương của cha mẹ nên em mới trở thành một học sinh cá biệt như thế. Tôi họp ban cán sự lớp kể cho các em nghe về hoàn cảnh gia đình Lâm. Động viên các em phải quan tâm, gần gũi bạn, giúp đỡ bạn trong học tập để bạn tiến bộ. Để vực dậy học lực của Lâm, tôi phân công Hùng học giỏi Văn,Sử, Địa;  Ngân học giỏi Toán, Lí, Hóa;  Tím học giỏi Anh Văn, đến nhà Lâm kèm học bài từ 7h đến 9h vào tất cả các ngày trong tuần. Trong các phong trào của lớp, của trường Lâm đều được tham gia sinh hoạt với vai trò là đội phó Văn – Thể của lớp.

Tình thương yêu, đùm bọc, sự quan tâm, gần gũi của cô chủ nhiệm lớp, các bạn học sinh đã giúp các em hiểu, gần nhau thêm, Lâm đã mở lòng mình để đón nhận tình cảm của lớp. Về phía giáo viên bộ môn, tôi gặp từng giáo viên nói về hoàn cảnh của em Lâm, đề nghị các thầy cô quan tâm, lưu ý, động viên, khuyến khích em nhiều hơn trong trả bài, kiểm tra, phát biểu xây dựng bài. Em đã học tập tiến bộ, từ một học sinh yếu phấn đấu trở thành học sinh tiên tiến, cuối năm đậu tốt nghiệp THCS. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên em không có khả năng học tiếp, em đi học nghề thí công sửa xe Honda để tạo việc làm cho bản thân và giúp đỡ gia đình.

Tôi nhận ra rằng để cảm hóa học sinh cá biệt, đòn roi, hình phạt nghiêm khắc đôi khi sẽ phản tác dụng khi chúng ta không hiểu được nguyên nhân vì sao em đó lại có hành vi như vậy. Để giáo dục các em, người giáo viên phải luôn quan tâm đến hoàn cảnh gia đình, tâm sinh lí của các em để uyển chuyển, linh hoạt giáo dục theo tinh thần “Kỉ cương - Tình thương - Trách nhiệm” với phương châm “Chỉ có yêu thương, gần gũi, chia sẻ...” thì nhất định các em sẽ tiến bộ.