“Chia lửa” với TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam chống “giặc CoVid 19”

Lần này “CoVid 19” là giặc vô hình không trận tuyến, là kẻ thù không thể nhìn thấy, bao phủ toàn cầu, cướp đi sinh mạng nhiều người, không phải giặc xâm lược hữu hình có thể nhìn nhận rõ như những năm tháng kháng chiến cứu nước trước đây.

Đáp lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, hàng chục nghìn y, bác sĩ và lực lượng chức năng từ các tỉnh, thành phố miền Bắc, miền Trung – Tây Nguyên đã tham gia “Đoàn quân Nam tiến” chống dịch, rền vang khí thế “Mùa thu rồi ngày hăm ba, ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến… nhịp chân tiến lên trận tiền...”.

quan-y-1a-1629620193.jpgĐoàn quân sáng nay lên đường vào Nam chống dịch - Ảnh: TTO

 

"Mỗi người dân là một chiến sĩ" - câu khẩu hiệu từng trở thành suy nghĩ và hành động của các thế hệ người Việt Nam trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm để giành và bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc. Mùa Thu những năm đó, mỗi người dân đất Việt bừng bừng khí thế "cả nước ra trận" với tinh thần "Hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta, thì ta còn phải tiếp tục chiến đấu, quét sạch nó đi", như lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị trong cuộc chiến hôm nay “chống dịch như chống giặc”.

Ngay trong sáng qua (21/8), Học viện Quân y đã tổ chức Lễ xuất quân tiễn gần 300 bác sĩ, cán bộ, học viên lên đường vào Nam chống dịch. Gửi gắm tình cảm đối với đoàn công tác, Trung tướng Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện dặn dò: “Chưa bao giờ người dân miền Nam cần sự giúp đỡ của chúng ta như bây giờ. Có hai điểm quyết định nhất về sự thành công, đó là tính kỷ luật và tình thương yêu người dân, người bệnh, có được điều đó chúng ta sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ. Sứ mệnh lớn nhất của chúng ta không phải ngay lập tức chữa được bệnh, mà là an ủi và chia sẻ với những đau thương, mất mát, bệnh tật, khổ đau của người bệnh, đó là tình thương, lương y như từ mẫu như Bác Hồ dạy”.

Cùng với Học viện Quân y, các đoàn công tác của quân đội, công an tiếp tục lên đường “chia lửa” với TPHCM và các tỉnh phía Nam. Đây là hoạt động rất cần thiết trong hoàn cảnh hiện tại Chống dịch còn khó hơn chống giặc, vì kẻ thù xâm lược chúng ta có thể nhìn nhận rõ, nhưng dịch là kẻ thù không thể nhìn thấy. Theo đó, để việc thực hiện các giải pháp chống dịch đạt hiệu quả cao, cần sự vào cuộc của lực lượng có ý thức tổ chức kỷ luật cao như công an, quân đội. Các lực lượng này đã quen rèn luyện, làm việc trong môi trường công tác gian khổ, nên với nhiệm vụ chống dịch, họ có thể nhanh chóng tiếp cận và bắt nhịp.

Bên cạnh đó, hoạt động của công an, quân đội gửi đi một thông điệp rằng: “Với sự tham gia của lực lượng vũ trang, tính kỷ luật, nghiêm khắc trong chống dịch được nâng cao…” và hiệu quả chống dịch sẽ cao hơn.

qy2q-1629620493.jpgĐà Lạt đang triển khai khẩn cấp việc thu hái mỗi ngày hơn 200 tấn nông sản để tặng TP.HCM - Ảnh: TTO

 

Trận chiến chống giặc COVID-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam đang bước vào giai đoạn quyết liệt nhất.  Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ gấp rút lên đường với tâm thế “Đâu có giặc là ta cứ đi”,  “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”.

Với mỗi anh “Bộ đội Cụ Hồ”, với mỗi người chiến sĩ Công an nhân dân vì nước quên thân, vì dân phục vụ,… lấy niềm vui, hạnh phúc của nhân dân làm lẽ sống, từ khi có dịch đến nay đã có hàng chục ngàn cán bộ chiến sĩ công an, quân đội đã không quản hy sinh gian khổ, ăn gió nằm sương, kề vai sát cánh cùng đồng đội và các lực lượng khác kiên cường trên tuyến đầu chống dịch, ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 từ những vùng biên viễn xa xôi cho tới từng khóm ấp, khu phố,…

 Đợt dịch CoVid 19 thứ 4 này bùng phát từ cuối tháng 4 đến nay đã gần 3 tháng với biến chủng Delta siêu lây nhiễm mà tâm dịch là TPHCM và các tỉnh phía Nam.

Tính từ 18h ngày 21/8 đến 18h ngày 22/8, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 11.214 ca nhiễm mới, trong đó 6 ca nhập cảnh và 11.208 ca ghi nhận trong nước tại TP. Hồ Chí Minh (4.193), Bình Dương (3.795), Đồng Nai (849), Tiền Giang (709), Long An (365), Đà Nẵng (183), Khánh Hòa (160), Đồng Tháp (142), Bà Rịa - Vũng Tàu (107), Cần Thơ (97), Tây Ninh (83), An Giang (69), Nghệ An (68), Vĩnh Long (49), Bình Thuận (47), Đắk Nông (39), Trà Vinh (39), Phú Yên (38), Bình Định (20), Hà Tĩnh (20), Quảng Nam (16), Kiên Giang (15), Sơn La (15), Đắk Lắk (12), Bắc Ninh (11), Hà Nội (11), Gia Lai (10), Cà Mau (10), Hậu Giang (7), Lào Cai (6), Bắc Giang (6), Ninh Thuận (5), Lạng Sơn (5), Quảng Ngãi (3), Quảng Trị (3), Thái Bình (1) trong đó có 6.387 ca trong cộng đồng.

Như vậy trong 24h giờ qua số ca nhiễm ghi nhận trong nước giảm 91 ca. Tại TP.HCM tăng 109 ca, Bình Dương giảm 710 ca, Đồng Nai tăng 298 ca, Tiền Giang tăng 120 ca, Long An giảm 28 ca.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 348.059 ca nhiễm, đứng thứ 68/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 169/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 3.540 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 343.972 ca, trong đó có 144.893 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

5 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là TP. Hồ Chí Minh (175.994), Bình Dương (70.242), Long An (17.805), Đồng Nai (17.688), Tiền Giang (7.284).

Trong ngày 22/8, cả nước có 7.580 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi là 147.667 ca.

Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU là 687 ca.

Số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO là 24 ca.

Ngày 21-22/8, Tiểu ban điều trị của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 thông báo trên Hệ thống Thông tin thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19 ghi nhận 737 ca tử vong tại TP.HCM (599), Bình Dương (62), Đồng Nai (25), Tiền Giang (22), Đồng Tháp (11), Cần Thơ (4), Long An (4), Hà Nội (2), Bến Tre (2), Bà Rịa - Vũng Tàu (1), Hà Tĩnh (1), Kiên Giang (1), Sóc Trăng (1), Thừa Thiên Huế (1), Vĩnh Long (1).
Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến 22/8 là 8.277 ca, chiếm tỷ lệ 2,4% so với tổng số ca mắc và tương đương với tỷ lệ tử vong do COVID-19 trên thế giới.

Trong ngày 21/8 có 370.836 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 17.065.896 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 15.274.648 liều, tiêm mũi 2 là 1.791.248 liều.

Với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, chúng ta đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên vẫn chưa vững chắc, đại dịch chưa bị đẩy lùi. Mà một trong những nguyên nhân  là do chúng ta vẫn chưa thực sự thực hiện nghiêm ngặt, thực chất Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Điều mà TPHCM  cần thực hiện trong lúc này là 312 xã, phường phải là 312 “pháo đài chống dịch”, mỗi người dân phải thực sự là một chiến sĩ trên mặt trận chống dịch. TPHCM cần thực hiện nghiêm ngặt hơn, thực chất hơn Chỉ thị 16, áp dụng một số biện pháp mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn để ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh.

vungxanh1-beih-1629620645.jpgNgười dân vùng xanh TPHCM được đi chợ 1 lần/tuần. Ảnh: SGGPO.

 

Việc thực hiện giãn cách nghiêm ngặt là để ngăn chặn nguồn lây, kéo giảm các ca F0, giảm thấp nhất các ca tử vong, theo đúng phương châm “Rõ  – nghiêm – chắc – hiệu quả”. Thực hiện “ai ở đâu ở đó” sẽ không tránh khỏi những bất tiện, cuộc sống của người dân có thêm phát sinh thêm những khó khăn, nhưng với tinh thần tất cả vì sức khỏe và an toàn tính mạng của nhân dân, trong thời gian giãn cách, chính quyền phải đáp ứng mọi nhu cầu thiết yếu của người dân, bảo đảm an sinh xã hội, lo ăn, ở, không để ai thiếu ăn, thiếu mặc; đáp ứng yêu cầu y tế của người dân ở mọi lúc, mọi nơi; bảo đảm an ninh trật tự, an toàn, an dân,…

Để thực hiện mục tiêu nêu trên, để mỗi phường xã, nhà máy, xí nghiệp thực sự là một pháo đài, tất cả các yếu tố từ cơ sở vật chất để điều trị, chăm sóc y tế cho người dân tại nhà, hoạt động của các tổ công tác đặc biệt, phương án cung ứng lương thực, thực phẩm đến từng gia đình, nhân lực chi viện… cần được rà soát hết các chi tiết, các khâu như trước khi bước vào “một trận đánh lớn”. Trong đó, bên cạnh nguồn lực y tế, việc tăng cường lực lượng quân đội, công an cho TPHCM và các tỉnh phía Nam có ý nghĩa quan trọng.

Dưới sự chỉ huy thống nhất của địa phương, với sự phối hợp của các lực lượng khác, quân đội sẽ chủ trì lo lương thực, thực phẩm cho người dân, đồng thời hết sức uyển chuyển, linh hoạt, tận dụng các biện pháp khác để cung ứng lương thực, thực phẩm với điều kiện tiên quyết là bảo đảm tuyệt đối an toàn. Đồng thời, tăng cường lực lượng để bảo đảm an ninh trật tự, an toàn, an dân.

Trong cuộc chiến chống lại đại dịch, đã có biết bao anh hùng thầm lặng, không quản gian khó hy sinh, không toan tính đến việc riêng tư hay sự an toàn của bản thân để cứu chữa cho những người bệnh. Trong cuộc chiến cam go, hiểm nguy đó, không thể kể hết tinh thần chống dịch kiên cường, quả cảm giống như tinh thần “tòng quân ra trận” năm nào của các tầng lớp nhân dân..., từ bác sĩ nghỉ hưu đến thanh niên, cựu chiến binh, sư sãi… “triệu trái tim, một ý chí”.

Đứng trước tỉnh trạng khẩn trương, hôm nay (22/8), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 1099/CĐ-TTg về việc tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 gửi Bí thư Thành ủy, Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh: Bình Dương, Đồng Nai, Long An; Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19; Tổ Công tác đặc biệt của Chính phủ. Với quan điểm đặt tính mạng, sức khỏe của người dân lên trên hết, trước hết, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bí thư Thành ủy, Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh: Bình Dương, Đồng Nai, Long An và các đồng chí  Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan liên quan tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện triệt để, nghiêm ngặt, quyết liệt, hiệu quả tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.

 TPHCM và các tỉnh phía Nam không đơn độc trong cuộc chống dịch CoVid 19. Nhân dân cả nước sát cánh không phân biệt vùng miền, dân tộc, tôn giáo với tấm lòng bao dung “Thương người như thể thương thân”  cùng nhau “nhường cơm, sẻ áo” lúc khó khăn bằng nhiều hình thức tập hợp lương thực, rau quả, thực phẩm, quà từ thiện gửi tới TP HCM và các tỉnh phía Nam chống dịch CoVid 19. Những siêu thị, máy ATM gạo, chợ thực phẩm, suất cơm không đồng gửi tới tuyến đầu, những nơi phải giãn cách phòng dịch đã thấm đượm nghĩa “đồng bào” của người Việt khi đất nước đứng trước gian lao, thử thách, sẻ chia bớt khó khăn thật là thiêng liêng, cao cả, tạo thành sức mạnh tổng hợp để chiến thắng dịch bệnh

Chúng ta có niềm tin trong giai đoạn quyết định của trận chiến khốc liệt này, sự tăng cường cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an với “kỷ luật thép và trái tim hồng” cùng đội ngũ thầy thuốc từ các cơ sở y tế trung ương, địa phương, sự thấu hiểu, quan tâm, sẻ chia, chung sức đồng lòng của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân cả nước, người dân TPHCM và các tỉnh phía Nam sẽ được tiếp thêm sức mạnh, ý chí quyết tâm, ngăn chặn, đẩy lùi đại dịch COVID-19 theo tinh thần Nghị quyết 86 của Chính phủ đặt ra yêu cầu kiểm soát dịch bệnh trước ngày 15/9/2021.

VXB