Chia nhau cái chết

Nhìn bãi mìn mà ngao ngán. Không sơ đồ. Những cái chết trải dài, im lìm trong đất. Những cái chết đang chờ đợi, bùng lên bất cứ lúc nào. Chả nhẽ cả tháng dọc ngang rừng núi không sao, về gần đến nhà lại tan xác trước cổng? Nhưng làm thế nào để vào được nhà?

bai-lau-1626531580.jpg 

Anlong Veng có nhiều bãi mìn. Có bãi ta cài, có bãi địch cài, có những bãi cả ta và địch cùng cài. Đó là những bãi cắt ngang những con đường huyết mạch, nơi ta và địch đều cùng phải đi qua. Có nhiều lần chúng tôi cùng những người dân Khmer muốn chuyển kho lúa về một phum khác, phải dùng xe bò chở qua Đồi Con cá. Song những người dân Khmer kiên quyết không đi đường này. Họ biết, ở đó có bãi mìn, giăng như thiên la địa võng, không một ai dám qua. Dù đang đói nhưng họ cũng không dám mạo hiểm tính mạng.

Một lần, sau khi đi trinh sát điểm cao 547, một vị trí hiểm yếu nằm trên Preah Vihear, Tuấn“Chim cu” cùng Bình “Bách Khoa” và Vinh “gạo” trở về. Ba người đều là lính trinh sát. Chim cu là trinh sát tiểu đoàn, hai người kia ở trung đoàn, đi phối thuộc. Họ cắt rừng thế nào, về đúng đồi Con cá. Quả đồi này nằm cách D8 không xa, quả đồi này trên bản đồ rất giống hình một con cá mắc câu.

Lúc ấy tầm đã quá trưa, muốn cắt đường khác cũng không còn thời gian. Mà có thể hướng nào cũng có mìn. Bởi từ khi D8 đứng chân ở đây, ngày nào bọn địch cũng cài mìn xung quanh, chúng tôi đi phía nào cũng vướng mìn.

Nhìn bãi mìn mà ngao ngán. Không sơ đồ. Những cái chết trải dài, im lìm trong đất. Những cái chết đang chờ đợi, bùng lên bất cứ lúc nào. Chả nhẽ cả tháng dọc ngang rừng núi không sao, về gần đến nhà lại tan xác trước cổng? Nhưng làm thế nào để vào được nhà?

Bình “Bách Khoa” người nhỏ bé, gầy nhom nhưng được cái nhanh nhẹn. Tôi đi chiến đấu cùng Bình nhiều lần, mùa nắng cũng như mùa mưa, thấy bóng dáng nhỏ nhắn của nó thoăn thoắt phía trước rồi mà không tài nào theo kịp. Có lần quần áo, ba lô của Bình sũng nước, chẳng có gì thay cứ mặc thế, đi cả ngày. Bỗng gặp bãi trảng đầy nắng. Quần áo, ba lô bốc hơi nghi ngút. Tôi đi sau, nhìn hình dáng Bình chuyển động trong làn hơi, đẹp thật! Tôi chạy lên, đi cùng Bình. Ông Phú “râu” cười nói: “Trinh sát với thông tin như anh em sinh đôi”. Đêm ấy khi dừng chân, tôi viết lại cảm xúc của mình vào mảnh giấy, đưa cho Bình.

Vía Bình rất nhẹ. Bọn tôi thường ngồi hút thuốc, chuyện trò, nhìn lại những đợt hành quân, những trận đánh hay từng người và rút ra kết luận ấy. Ai cũng phải công nhận đi với Bình, nhàn hạ, ít khi gặp địch chứ đi với nhiều người khác, như Tú “nghêu”, Vinh “gạo” hay “Chim cu” gặp địch là chuyện hàng ngày. Vì vậy Bình nói "Để tao cắt đường qua bãi mìn. Bọn mày cứ bám theo dấu chân tao". Nhưng chưa ai đồng ý.

Còn Vinh “gạo” dáng cao kều, chân tay lòng khòng, đi đâu đụng địch đấy. Nó cũng bị thương một hai lần nhưng toàn thương nhẹ. Vinh “gạo” bảo:

-Tay tao dài hơn tay bọn mày. Gỡ mìn tốt hơn. Để tao đi trước!

Tuấn Chim cu” bảo:

- Quan trọng là mắt với chân. Chứ thấy mìn thì ai chẳng gỡ được.

Vinh gạo lại nói:

- Chính bãi mìn này tao cài. Chắc tao còn nhớ

Chim cu” bẻ lại:

- Chính bọn tao cũng cài. Nhớ làm sao được

Song, Vinh “gạo” cứ đòi đi đầu. Nó muốn về đơn vị nhanh. Người đang khó chịu. Hai tuần không tắm, hôi như heo rừng. Đêm ngủ chính nó cũng không chịu nổi mùi mồ hôi của mình. Lại đang đói nữa. Về đơn vị nhanh, còn kiếm cái gì để ăn.

Nhưng “Chim cu” cũng có sỹ diện. Chả nhẽ về ngay đến đơn vị của mình rồi mà mình lại để hai thằng phối thuộc dẫn vào, còn ra thể thống gì nữa? Bọn nó mang tiếng là trinh sát trung đoàn nhưng chỉ cao hơn về phiên hiệu, chứ còn kinh nghiệm trận mạc và số lần đụng địch còn thua xa trinh sát tiểu đoàn. Nghĩ vậy, “Chim cu” quyết định bước lên trước, dẫn hai đồng đội vượt qua bãi mìn.

Bình và Vinh thấy “Chim cu” có lý, đành chịu. “Chim cu” đi trước, đưa tay sờ từng chỗ khả nghi rồi mới đặt chân vào. Bãi mìn quá rộng. Bao ngày tháng trôi qua. Mưa xuống. Nắng xối. Lá rừng phủ đầy. Cành cây rơi xuống. Lớp cỏ trước chết, lớp sau mọc lên... Tất cả những cái đó như những kẻ tòng phạm của thần chết đang ẩn náu dưới đất. Mà bãi mìn thì mỗi người cài một kiểu. Chẳng ai có sơ đồ. Cứ mang mìn ra. Cài hết rồi về. Bọn địch cũng vậy. Đoán chỗ nào có khả năng ta đi qua, chúng đều giăng mìn. Mà mìn của địch thì nhiều hơn mìn của ta gấp mấy chục lần. Nguy hiểm trùng trùng lớp lớp.

Trước cái chết cận kề, ngay bên dưới chân mình, chỉ cách mình có một lớp đế giày, cần thận trọng hết sức. Bao nhiêu giác quan căng ra. Bao nhiêu tinh lực của đôi mắt dồn vào một điểm. Những bước chân không được run, không được suy suyển. Đặt bàn chân xuống, lúc đầu thật nhẹ. Thấy không có gì khả nghi, mới dám dẫm mạnh. Nếu cảm giác nghi ngờ, phải ngồi xuống ngay. Đưa tay xuống gầm giày, xem có ngòi nổ không. Nếu có, chịt ngay lại. Không cho nó bật lên. Nó mà bật lên, mình chỉ có nước đi đời nhà ma.

Hai đứa đi sau, mỗi đứa cách nhau 5 mét. Đề phòng chết chùm. Đứa sau có bị thương cũng không sao. Đi gần, chết cả lũ. Mà bị thương ở đây cũng không ai ra cứu. Tiểu đoàn có biết trinh sát về đâu. Mà có biết, cũng chẳng hiểu về đường nào. Lơ mơ gặp bọn địch qua đây, thì mình lại chết thêm lần nữa. Kỷ luật không bao giờ thừa.

Thận trọng từng bước, hơn một giờ sau, “Chim cu” cũng dẫn được đồng đội vượt qua bãi mìn. Ba thằng nằm thẳng cẳng trên cỏ, ngửa mặt nhìn trời. Bầu trời xanh mênh mang, bằng phẳng, ngút mắt như cánh đồng. Trên đó thật bình yên. Dưới này cũng bình yên. Thôi, ngồi dậy đi tiếp.

- À mà sao, quần Vinh “gạo” lại ướt thế kia? Vãi đái à?

- Đếch phải. Tao bị mồ hôi ra nhiều quá. Mới lại, quần đùi rách te tua. Tao vứt mẹ nó đi rồi.

Chim cu” nói:

- Về đơn vị, tao kiếm cho mày cái quần đùi khác

- Còn ngon không?” - Vinh gạo hỏi.

- ...

- Tao biết mày sợ lây hắc lào chứ gì? Đảm bảo còn ngon. Zin luôn .

Nguồn: "Mùa chinh chiến ấy" của Đoàn Tuấn - CCB F307

 

Theo Trái tim người lính