Chiếc áo bà ba

Có những bài hát, chỉ nghe một lần là mê đắm mãi, là gợi nhớ mãi một vùng đất, một con người. Có nhẽ Chiếc áo bà ba là một bài như thế.

ao-ba-ba-1626196252.jpg 

Hồi ấy gần như năm nào tôi cũng đi công tác Miền Nam. Hết Tây Nguyên lại ra đến Miền Tây. Nhưng điểm đến nhiều nhất là Trường Sĩ quan kĩ thuật Vilhempic, giữa lòng thành phố Sài Gòn.

Lần ấy đến thì anh T. bí thư đảng ủy trường sắp về nghỉ. Anh dẫn đến thăm cô bạn gái, thân quen từ thủa chưa giải phóng. Anh kể, hồi ấy anh ăn dầm nằm dề ở nhà ông bà, còn cô gái vẫn bé xíu xiu. Thân tới mức, sau 1975 mỗi lần anh đến, ông bà lại đào rượu ủ dưới đất lên chiêu đãi. Ông có bãi ủ rượu riêng, bà có bãi riêng. Còn cô gái dường đã bén duyên, mà lại không có phận. Thế rồi, sau cô cũng lấy một anh giải phóng. Nhưng lâu lâu, anh vẫn ghé thăm. Lần ấy, có nhẽ là lần ghé thăm cuối cùng, trước khi anh ra Bắc.

Thế là chúng tôi đến thăm nơi cư ngụ của người ấy. Một vườn sầu riêng rộng mênh mông. Cô chủ lấy trái cây vườn nhà, nâng niu chọn từng trái đem đãi khách. Hồi ấy, tôi chưa mấy khi ăn thứ trái cây vỏ đầy gai cứng lạ lùng này. Thấy cô toàn lựa những trái có hạt lép để bổ. Rồi mới biết, trái hạt lép là ngon nhất. Múi sầu riêng màu vàng, tỏa mùi thơm dìu dịu, không hẳn giống mùi mít chín, mà dường như còn nồng nàn hơn. Ăn có vị là lạ. Ngọt và mềm. Không dễ sợ như người ta nói. Bạn tôi bảo, con gái ở đây như trái sầu riêng. Thơm phát gắt, song đằm thắm. Đã thân quen, dẫu một lần khó có thể nào quên.

Chiều về, qua con sông Sài Gòn lộng gió, chúng tôi đều tấm tắc khen sông rộng. Anh bảo chưa ăn thua gì với dòng sông Hậu. Đúng lúc ấy, thoảng nghe gió đưa lời hát từ đâu đó. Bài hát về sông Hậu, về người con gái trong chiếc áo ba ba. Bạn tôi, khá thân với anh, chợt bảo: Nghe chưa? Tại ông mãnh liệt quá người ta sợ. Con gái người ta chả bảo, nói sao cho “vừa thương” thôi ư. Tình yêu mà mạnh mẽ quá thì cũng như lửa bỏng, người ta sợ. Anh như giật mình, rồi đăm chiêu. Đăm chiêu mãi.

Chẳng hiểu sao, dạo ấy trên vùng đất này thấy nhà nào, hàng quán nào cũng phát Chiếc áo bà ba. Nhưng với riêng tôi, cứ mỗi khi nghe lại như thấy tiếng sóng xôn xao. Lại thấy người nôn nao, chếnh choáng, như đang trong con thuyền chênh chao trên sông nước Phương Nam. Sao cứ vương vấn mấy ca từ nhấn nhá “… nói sao cho đẹp lòng, nói sao cho vừa lòng, nói sao cho vừa thương.” Chợt liên tưởng, người ta khao khát tình yêu như khát khao được sưởi ấm, được gần lửa. Lửa đủ ấm, cũng như được yêu thương vừa đủ độ, đâu mong quá ít, quá nhiều. Cái “vừa thương” không phải là thương vừa vừa, mà là thế.

Nhạc sĩ đã xa rồi, song bài hát của ông dường như còn vọng mãi. Chẳng lạ khi Chiếc áo bà ba không chỉ được dân chúng, mà cả những người lính xứ dừa yêu đến nhường ấy. Và cả cái cách đặt lời nữa, cái “vừa thương” nữa. Rất Trần Thiện Thanh mà cũng rất Miền Tây. Ôi, Trần Thiện Thanh. 

Theo trái tim người lính