Tối muộn 8-4, tại một con hẻm trên đường Nguyễn Công Hoan (quận Phú Nhuận, TP.HCM), các tình nguyện viên nhóm thiện nguyện Xuân Yêu Thương vẫn đang tất bật chuẩn bị những chiếc mặt nạ ngăn giọt bắn phòng COVID-19 để kịp gửi tặng các y, bác sĩ vào sáng mai.
Trong căn phòng diện tích chừng 20 m2 chất đầy nguyên vật liệu để làm mặt nạ, 5 người chia nhau 5 công đoạn từ dán thông điệp, gắn dây rút, miếng đệm… để tạo ra một sản phẩm hoàn hảo.
Nhóm sử dụng phòng khách trong nhà của một thành viên trong nhóm làm nơi sản xuất mặt nạ.
Chị Quách Mỹ Linh (42 tuổi, quận Bình Thạnh), người đưa ra sáng kiến làm những chiếc mặt nạ, cho biết chị tham khảo các mẫu mã mặt nạ chống dịch trên các trang nước ngoài, sẵn kinh nghiệm bán mặt nạ chống dịch của bản thân, chị đã mua các nguyên liệu để tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh nhất.
“Ban đầu tôi định làm cho người thân dùng, sau đó được các thành viên trong nhóm góp ý cùng nhau làm để tặng cho các y, bác sĩ phòng chống dịch. Trải qua rất nhiều lần, hiện tại những chiếc mặt nạ đã được tinh chỉnh để phù hợp nhất với người sử dụng”.
Theo chị Linh, ưu điểm của những chiếc mặt nạ này là dễ làm, dễ sử dụng, dễ vệ sinh và có mức giá sản xuất thấp. Trong khi đó, công dụng ngăn giọt bắn để phòng dịch COVID-19 không kém gì các sản phẩm đang được bán trên thị trường với giá cả trăm nghìn đồng mỗi chiếc. Thậm chí, các tình nguyện viên trong nhóm chị Linh còn thiết kế thêm miếng xốp lót cho mặt nạ để người dùng thoải mái hơn khi sử dụng.
Đến thời điểm hiện tại, nhóm thiện nguyện Xuân Yêu Thương đã trao tặng tổng cộng 1.300 mặt nạ chống giọt bắn cho 9 bệnh viện trên địa bàn thành phố, trong đó có các bệnh viện đang ở tuyến đầu chống dịch như BV dã chiến Cần Giờ, Củ Chi, BV Nguyễn Tri Phương, Gia Định, Nhi đồng 1…
Về thông điệp "Chống đại dịch COVID-19. Hãy vững tin vì chúng tôi luôn bên bạn" dán trên mỗi chiếc mũ, anh Trần Ngọc Ân (quận Bình Thạnh) - trưởng nhóm thiện nguyện chia sẻ đây là mong muốn của cả nhóm khi bắt tay vào làm những chiếc mũ chống giọt bắn để gửi tặng các y, bác sĩ tại các bệnh viện. Nhóm hy vọng khi các bác sĩ đọc được những dòng chữ trên mặt nạ sẽ cảm thấy vững tin hơn khi làm việc, trong khi các bệnh nhân nhìn thấy lại cảm thấy an tâm hơn khi có các bác sĩ luôn đồng hành.
Kinh phí để thực hiện việc làm ý nghĩa này trong giai đoạn đầu là từ chị Linh và sự vận động của các thành viên trong nhóm Xuân Yêu Thương. Sau khi được nhiều người biết đến, các mạnh thường quân bắt đầu tìm đến góp công sức để nhân rộng thêm. Người bỏ vật chất, người bỏ công, mỗi người một tay, cứ thế họ đã cho ra đời những sản phẩm có ý nghĩa rất thiết thực trong thời gian này.
Đoàn toàn bộ bài viết trên https://plo.vn/ Tại đây.