Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam: Không thể một ngõ có F0, cả làng phong tỏa, dân, doanh nghiệp gặp khó

HỘI NHẬP|| Tại hội nghị trực tuyến giữa Thủ tướng với doanh nghiệp diễn ra từ sáng 26-9, Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) Vũ Tiến Lộc, cũng có một bài phát biểu nhấn mạnh việc không thể một ngõ có F0, cả làng phong tỏa, dân, doanh nghiệp gặp khó.

Ông Lộc cho rằng những nội dung được thảo luận tại hội nghị, nhất là các giải pháp “sống chung với dịch” và kết luận của Thủ tướng sẽ gửi đi một thông điệp mạnh mẽ cho người dân, doanh nghiệp và quốc tế. Theo đó, Việt Nam sẽ không để đại dịch kìm chân, virus sẽ không thể buộc Việt Nam phải đóng cửa nền kinh tế, Việt Nam đã, đang và sẽ là điểm đến hàng đầu của các nhà đầu tư”.

Theo Chủ tịch VIAC, việc điều chỉnh chiến lược từ “Zero COVID” sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả COVID là rất đúng đắn, kịp thời.

“Sự quyết đoán của Thủ tướng trong việc điều chỉnh chiến lược vaccine, chiến lược điều trị, điều chỉnh các biện pháp khoanh vùng, cách ly, sự đôn đốc, sâu sát của Thủ tướng đối với cán bộ chính quyền các địa phương, các cấp… đã mang lại những kết quả khích lệ như chúng ta thấy trong khoảng 2 tuần qua. Các chỉ số đều thể hiện xu hướng rất tích cực”, ông Lộc nói.

chutichviac-vutienloc-1632647856.jpgTS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam phát biểu tại đối thoại.

Theo ông, đây là cơ sở bước đầu vững chắc để Chính phủ quyết định khởi động quy trình nới lỏng giãn cách, khôi phục lại các hoạt động sản xuất kinh doanh đã bị ngưng trệ kéo dài, đặc biệt là ở TP.HCM và các tỉnh phía Nam. Ông Lộc cũng nói mở cửa hiện nay là mệnh lệnh của cuộc sống để giải cứu doanh nghiệp.

“Sức chống chịu của các doanh nghiệp và nền kinh tế ... đang tiến tới ngưỡng tới hạn và mở cửa là “cỗ máy trợ thở” lớn nhất cho các doanh nghiệp. Mở cửa chậm hơn là chúng ta sẽ phải trả giá đắt hơn rất nhiều và khi các doanh nghiệp của chúng ta đã quá kiệt quệ, phải ra đi sẽ khó bề trở lại và các chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ chuyển hướng đầu tư”, ông Lộc nói.

Tuy vậy, ông cũng đồng quan điểm mở cửa phải an toàn và coi “Hướng dẫn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” là cẩm nang sống chung an toàn với dịch.

Nếu hướng dẫn này được ban hành, tổ chức thực hiện một cách khẩn trương, nhất quán ở tất cả các ngành, các địa phương và các cấp chính quyền thì theo ông Lộc, sẽ khắc phục được tình trạng “mỗi nơi một phách, “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, “cấm chợ, ngăn sông”, “một ngõ có FO, cả làng phong tỏa !”... gây khó cho dân, cho doanh nghiệp.

Ông Lộc đề nghị Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành và đại diện cộng đồng doanh nghiệp rà xét lại để hoàn thiện nội dung bản hướng dẫn theo hướng: những nội dung nào mà hướng dẫn này trực tiếp quy định hoặc dẫn chiếu đến đã lạc hậu vì dựa trên hoặc vấn vương với tư duy “Zero COVID” thì phải được chỉnh sửa, bổ sung, cập nhật và tập hợp lại trong một văn bản mới thống nhất.

Điều này sẽ tránh được các quy định chồng chéo, nhiều, rất khó theo dõi, rất khó tuân thủ, khó áp dụng như hiện nay.

Chủ tịch VIAC hoan nghênh Nghị quyết 105 của Chính phủ mới ban hành hôm 9-9, nhưng ông lo ngại việc có Nghị quyết rồi mà vẫn phải chờ đề án của các bộ ngành trình, trong khi doanh nghiệp hàng ngày, hàng giờ đang trông đợi.

“Trong Nghị quyết, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành phải hoàn thành đề án thực hiện Nghị quyết 105 trong tháng 9-2021. Hôm nay, ngày 26 rồi, không biết bao nhiêu bộ đã hoàn thành? Chúng tôi đề nghị Thủ tướng quan tâm đôn đốc và giám sát thực hiện việc này”, ông Lộc nêu kiến nghị.

Cũng như Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công, ông Lộc đề nghị trong Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 phải bổ sung thêm các lực lượng kinh tế và đổi tên Ban chỉ đạo thành Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống COVID và phục hồi kinh tế

Báo cáo của VCCI cho thấy bức tranh chung của cộng đồng doanh nghiệp đang có sự suy giảm mạnh quy mô hoạt động và sự gia tăng mức độ ảnh hưởng tiêu cực đến toàn bộ các lĩnh vực, các ngành nghề sản xuất kinh doanh.

Cụ thể, chỉ trong 8 tháng đầu năm nay, đã có trên 85 nghìn doanh nghiệp, tức trên 10% số doanh nghiệp cả nước rút khỏi thị trường, trung bình mỗi tháng trên 10 nghìn doanh nghiệp, tăng hơn 24% so với cùng kỳ 2020.

Mỗi doanh nghiệp phải ngừng hoạt động là sự mất đi sinh kế, nguồn sống của người lao động và sự suy giảm của nền kinh tế.