Chua ngọt tại cây

Giản đơn vì có vẻ câu này đơn giản chỉ là một nhận định thông thường mà nhà nông ta rút ra trong quá trình trồng trọt. “Bốn mùa trồng cây bốn mùa em hái quả”.

chua-ngot-tai-cay-1629727085.jpgẢnh internet

Mọi cây cối mà nhà nông ta trồng chỉ nhằm mục đích phục vụ cho cuộc sống của họ. Có cây cho lá (rau xanh, rau thơm các loại, chè, vối…), có cây cho củ (khoai, sắn, lạc…), có cây cho quả (đậu đỗ, cam, chanh, mít, dứa, xoài…) và có loại cây đơn thuần chỉ cho bóng mát… Chua, ngọt là hai vị cơ bản mà quả trái đem lại. Ngoài chua, ngọt, còn có thể có vị chát, vị đắng, vị cay… Vị nào cũng có giá trị riêng. Đu đủ phải ngọt, ớt phải cay, khổ qua phải đắng, sung phải chát, bưởi phải giôn giốt… Nếu khác vị đi thì rõ ràng, những quả ấy không đáp ứng được yêu cầu cần có trong cuộc sống muôn màu.

Trái chua và trái ngọt, trái nào hơn nhỉ? Chắc mọi người sẽ nghiêng về “ngọt”. Thường là như thế (trái ngọt trái lành). Nhưng chua chắc gì đã dở? Chanh, me, bứa, tai chua thì càng chua càng tốt. Ngay cả khế, ra chợ bây giờ, loại chua lại đang có giá (nấu canh cua canh cá, làm ghém, làm mứt…), chứ khế ngọt chỉ dùng ăn chơi chơi chút thôi, giá trị sử dụng không bằng khế chua.

“Chua ngọt tại cây” trước hết là một logic thuần tuý nông học. Cây nào quả ấy. Giống là nhân tố quan trọng đem lại sản phẩm cây trồng. Trong trồng trọt, không có chuyện “trồng lau ra mía”, trồng khế chua trở thành khế ngọt. Tuy nhiên, vai trò của người trồng cây cũng vô cùng quan trọng. Nếu biết lựa đất, chọn thời vụ, chăm bón đủ phân đủ nước thì sẽ cho sản phẩm xứng đáng, “quả na bớt hạt, buồng dừa trĩu cây”. Ngô sẽ đẫy bắp, mía sẽ mềm, ngọt hơn, cam sẽ to quả, múi dày, ít hạt, nhiều nước và ngọt. Bàn tay con người làm thay đổi chất lượng sản phẩm.

Lấy chuyện chua ngọt của cây, qua câu tục ngữ trên, dân gian muốn chuyển tới một thông điệp ngữ nghĩa sâu xa hơn. Đó là bài học về sự giáo dục của cha mẹ với con cái trong cuộc sống. Giống như cây trái vậy (ngọt chua là tự cây gốc). Vai trò của cha mẹ là vô cùng quan trọng. Con cái khoẻ mạnh hay yếu đuối, giỏi giang hay dốt nát kém cỏi, hiếu thảo hay bất nghĩa, hoàn toàn phụ thuộc vào sự giáo dưỡng của các bậc sinh thành. Nhân nào quả ấy, gieo gì gặt nấy. Cha mẹ không có cách thức giáo dục đúng đắn thì đừng hi vọng con cái mình “tự thân lớn lên” thành người và thành tài như ý muốn.

Lẽ đời chua ngọt tại cây

Con khôn bởi bố mẹ này mà ra.