Chúc văn Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội đền Hùng năm 2010 của Giáo sư Vũ Khiêu

Giỗ tổ Hùng Vương hay còn gọi là Lễ hội Đền Hùng hoặc Quốc giỗ là một ngày lễ truyền thống của Người Việt nhằm tưởng nhớ công lao dựng nước của các vua Hùng Vương. Năm 2010, nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, ngày Đại lễ cả nước hướng về Đền Hùng Quốc Tổ tri ân công đức của các vị Vua Hùng đã có công dựng nước, Giáo sư Vũ Khiêu đã viết Chúc văn Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương.

Theo Ngọc phả Hùng Vương chép thời Hồng Đức hậu Lê thì từ thời nhà Đinh, nhà Tiền Lê, nhà Lý, nhà Trần rồi đến Hậu Lê vẫn cùng hương khói trong ngôi đền, ở đây nhân dân toàn quốc đều đến lễ bái để tưởng nhớ công lao của Đấng Thánh Tổ xưa. Ngày giỗ Hùng Vương đã được các triều đại phong kiến công nhận là một trong những ngày quốc lễ của Việt Nam. Từ thời xưa, các triều đại quân chủ và phong kiến Việt Nam đã quản lý Đền Hùng theo cách giao thẳng cho dân sở tại trông nom, sửa chữa, cúng bái, làm Giỗ Tổ vào ngày 10 tháng 3 âm lịch. 

Lễ giỗ tổ Hùng Vương được diễn ra từ hàng tuần trước đó với những phong tục như đâm đuống (đánh trống đồng) của dân tộc Mường, hành hương tưởng niệm các vua Hùng, và kết thúc vào ngày 10 tháng 3 âm lịch với lễ rước kiệu và dâng hương trên đền Thượng. Trong đó phần lễ được cử hành thành hai hoạt động diễn ra đồng thời: Lễ rước kiệu vua: Đám rước kiệu, nhiều màu sắc của rất nhiều cờ, hoa, lọng, kiệu, trang phục truyền thống xuất phát từ dưới chân núi rồi lần lượt qua các đền để tới đền Thượng, nơi làm lễ dâng hương; Lễ dâng hương: Người hành hương tới đền Hùng chủ yếu vì nhu cầu của đời sống tâm linh. Mỗi người đều thắp lên vài nén hương khi tới đất Tổ để nhờ làn khói thơm nói hộ những điều tâm niệm của mình với tổ tiên.

Ngày 06/12/2012, tại kỳ họp lần thứ 7 diễn ra tại Paris, Ủy ban Liên chính phủ Công ước 2003 về bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể đã chính thức công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ, Việt Nam là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

nguon-goc-y-nghia-va-lich-nghi-cua-ngay-gio-to-hu-1-1634433865.jpg Lễ hội Đền Hùng hoặc Quốc giỗ là một ngày lễ truyền thống của Người Việt

Lễ hội đền Hùng hiện được Nhà nước nâng lên thành giỗ quốc Tổ tổ chức lớn vào những năm chẵn. Đặc biệt, trong năm 2010, nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, ngày Đại lễ cả nước hướng về Đền Hùng Quốc Tổ tri ân công đức của các vị Vua Hùng đã có công dựng nước. Trong những năm tổ chức lễ giỗ lớn (Đại lễ) vào năm chẵn, lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng các Bộ ngành trình tấu chúc văn thể hiện ý nguyện của toàn dân trước anh linh tiên tổ. 

Bài Chúc văn Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội đền Hùng năm 2010 của Giáo sư Vũ Khiêu gồm 6 trường đoạn đã khơi dậy niềm tự hào dân tộc, khí phách ông cha đã trao truyền qua hàng ngàn năm lịch sử. Xin giới thiệu bài Chúc văn Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội đền Hùng năm 2010 của Giáo sư Vũ Khiêu tới bạn đọc: 

I
Chúng con nay

Sáu mươi ba tỉnh thành: nhớ lại tổ tông
Năm mươi tư dân tộc: tìm về cội rễ!
Công ơn Quốc tổ, vẻ vang Hồng Lạc bốn ngàn năm
Hùng khí Thủ đô, rực rỡ Thăng Long mười thế kỷ.
Một vùng rộn rã trống chiêng
Muôn dặm tưng bừng cờ xí!
Trống đồng dội tới, núi sông dậy sấm anh hùng
Trống đồng vang lên,Trời đất ngút ngàn linh khí!
Bừng lên nhật nguyệt, mây xanh hạt trắng, bát ngát trường thiên...
Rực sáng sơn hà, Cờ đỏ sao vàng, thênh thang thánh địa.
Thuyền xuôi sóng vỗ, sông ba dòng tưới mát muôn phương
Rồng cuộn, Hổ ngồi, núi trăm ngọn chầu về một phía
Núi mây sừng sững công cha
Sông nước dạt dào nghĩa mẹ!

II
Nhớ thuở xưa:

Mẹ từng non cao tỏa sáng nghĩa nhân
Cha vốn biển cả quật cường mưu trí.
Sánh đôi tài sắc Kim cổ kỳ phùng
Hợp một âm dương uyên ương tuyệt mỹ!

Đẹp gia đình trăm trứng trăm con
Vui sơn thủy một lòng một ý.
Cuộc mưu sinh thử thách muôn vàn
Đường lập nghiệp gian nan xiết chảy

Nào rừng rậm, đầm lầy, sông sâu, núi hiểm… chẳng quản xông pha
Nào kình nghê, hổ báo, bệnh tật, bão giôn… lấy gì bảo vệ?
Chia con hai ngả lên đường
Chọn trưởng một ngôi kế vị.
Giang sơn một cõi, sao cho vạn đại trường tồn?
Rừng bể đôi nơi, cùng dựng bốn phương hùng vĩ!

Hiên ngang thay Phù Đổng diệt thù!
Dũng cảm thay Sơn Tinh trị thủy!
Đẹp thay Chữ Đồng Tử! Tình yêu như ngọc sáng gương trong
Giỏi thay Mai An Tiêm! Lao động như dời non lấp bể

Dựng non sông, qua mười tám vương triều
Vững nền móng, để muôn đời thịnh trị

III
Kiên cường bất khuất:

An Dương Vương kế nghiệp, hợp hai bộ tộc vốn thân thương
Âu Lạc quốc hình thành, dựng một cơ đồ thêm tráng lệ
Nước thêm giầu, binh thêm mạnh, đánh tan mọi cuộc xâm lăng
Tình với bạn, nghĩa với đời, giữ trọn một niềm chung thủy.
Giận quân giặc bao phen thua trận, dở mưu hèn giả dạng cầu thân
Bởi vua ta cả dạ tin người, để thân gái sa vào qủy kế
Cơ đồ xưa: bỗng chốc tiêu vong
Sự nghiệp mới: cũng thành hủy phế
Cảnh lầm than đè nặng khắp dân gian
Cuộc chiến đấu trải dài trăm thế hệ
Gái anh hùng, nào Trưng Nữ, Triệu Trinh
Trai dũng lược, nào Phùng Hưng, Lý Bí!
Ào ào khí thế, cờ Vạn Xuân trao Triệu Việt Vương
Bền bỉ tinh thần, gương Khúc Hạo soi Dương Đình Nghệ
Quét sạch ngoại xâm, sơn hà giành lại, lẫy lừng đại nghiệp Ngô Vương
Dẹp yên nội loạn, đất nước thanh bình, oanh liệt hùng tài Đinh Đế
Dương Thái hậu một lòng vì nước, thay Tiên vương trao áo Hoàng bào
Lê Đại Hành mười đạo ra quân, dìm hoàng tặc dưới dòng Bạch Thủy
Lòng hung dạ tối, Lê Ngoạ Triều hết kiếp hôn quân
Nước cậy dân tin, Lý Thái Tổ lên ngôi hoàng đế

IV
Kể từ đây:

Đạo trị binh đủ phép kinh luân
Tài thao lược hơn đời nhân trí
Ra tay dựng lại, vững vàng thêm cơ nghiệp Vua Hùng
Định hướng đi lên, rực rỡ mãi Vương triều họ Lý
Cùng nhân dân phấn đấu tận tình
Với bạn bè chân thành hữu nghị
Cây muốn lặng nhưng gió chẳng dừng
Ta muốn yên mà người chẳng nể
Giã tâm cướp nước cũng lại như xưa
Quyết trí diệt thù ta đành phải thế
Cứu nước giữ nhà, toàn dân càng rạo rực hùng tâm
Vác giáo mang gươm, cả nước bừng bừng nộ khí!
Sóng Bạch Đằng còn cuồn cuộn thế Ngô Vương
Gió Như Nguyệt đã vang vang lời Thái úy
Hội Diên Hồng rung chuyển trăng sao
Hịch Hưng Đạo sục sôi tướng sĩ!
Nằm gai nếm mật, mười năm ròng, bạt vía lũ Vương Thông.
Lở đất long trời, một trận đánh, tan hồn quân Sĩ Nghị

Thế kỷ hai mươi:

Hồ Chí Minh mở lối, ánh chiếu dương rực sáng cả mây trời
Đảng Cộng sản soi đường, sóng cách mạng ào lên như bão bể
Năm năm tư Pháp thua đại bại
Súng Điện Biên vang dội toàn cầu
Năm bảy nhăm Mỹ cút Ngụy nhào
Cờ đại thắng lẫy lừng thế kỷ
Cả Nam Bắc đập tan đế quốc, chấm dứt bạo quyền
Toàn Đông Tây hết nạn thực dân, không còn nô lệ

V
Thế mới biết:

Nước giàu không chỉ quân lương
Dân mạnh còn nhờ đạo lý!
Quốc Tổ răn: Coi sơn hà xã tắc là thiêng
Bác Hồ dạy: Lấy độc lập tự do làm quý!
Trăm con một bọc, yêu thương nhau như ruột thịt chan hòa
Một gốc trăm nhành, gắn bó mãi như keo sơn chặt chẽ
Dựng cơ đồ, chị ngã em nâng
Cơn hoạn nạn, bầu thương lấy bí
Đủ bốn phương: Nam, Bắc, Tây, Đông
Cả trăm họ: Gái, Trai, Già, Trẻ
Bền lòng yêu nước: Vì nghĩa quên thân
Vững đạo làm người: Đồng tâm nhất trí
Thế gian chìm nổi, coi yêu thương là lẽ sống ở đời
Nhân loại khổ đau, lấy đoàn kết làm phương châm xử thế
Gìn giữ tinh hoa Đại Việt, tiếp thu thêm văn hoá Đông Tây
Nêu cao văn hiến Thăng Long, hoàn thiện mãi quốc hồn nhân trí

VI
Nay gặp buổi:

Đảng ta đổi mới tư duy
Dân ta mở mang kinh tế
Con đường giàu mạnh đã thênh thang
Cuộc sống văn minh càng đẹp đẽ!
Thời cơ thuận lợi đã thêm nhiều
Thách thức gian nan còn chẳng dễ
Trước chông gai cờ Đảng mở đường
Trong bão gió nhân dân vững trí
Với tinh thần sắc sảo thông minh
Lại truyền thống sáng ngời nhân nghĩa
Noi theo Quốc Tổ, tiếp tiền nhân phẩm chất anh hùng
Học tập Bác Hồ, truyền hậu thế tinh hoa đạo lý
Thủ đô ngàn năm tuổi, cùng toàn dân hùng mạnh phồn vinh
Cả nước một lòng, với nhân loại hoà bình hữu nghị

Rực muôn đời Hồng Lạc tinh hoa
Cao muôn trượng Hùng Vương khí thế!