Chung quanh sự lựa chọn chủ đề cho đêm thơ nguyên tiêu 2022

Theo công văn của Hội Nhà văn Việt Nam gửi Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, Hội VHNT các tỉnh, thành phố trong cả nước, chủ đề Ngày Thơ lần thứ 20 là “Hãy sống và hy vọng”. Tin tức từ các phương tiện truyền thông, báo chí, mạng xã hội cho thấy không nhiều địa phương tổ chức đêm thơ vào dịp Nguyên tiêu năm nay. Sơ bộ thống kê, có các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Bến Tre, Thái Nguyên, Kiên Giang, Thừa Thiên Huế và TP Hồ Chí Minh tổ chức trên quy mô cấp tỉnh, thành phố.

                                

h3-1645024509.jpgẢnh từ VOV

 

Trong 7 địa phương kể trên, có 3 nơi (Đắk Lắk, Kiên Giang, Bến Tre) sử dụng slogan giống với chủ đề nêu trong công văn của Hội Nhà Văn, 4 nơi còn lại, có sự thay đổi. Thừa Thiên Huế, Đắk Nông Thái Nguyên cắt đi chữ “Hãy”, để còn lại “Sống và Hy vọng”. Riêng TP Hồ Chí Minh, dùng tiêu đề “Lễ hội Nguyên tiêu và Đêm thơ 2022”, đồng thời xác định “Xuân” là chủ đề của hoạt động này. Người viết không bàn về nội dung của các đêm thơ vì không có điều kiện xem trực tiếp các chương trình đó. Song về việc sử dụng slogan và tiêu đề thấy có mấy vấn đề sau đây:

1) Các cơ quan chỉ đạo và tổ chức đêm thơ Nguyên tiêu ở các tỉnh Đắk Lắk, Kiên Giang dùng slogan “Hãy sống và hy vọng” không sai, vì họ làm theo đúng văn bản Hội Nhà Văn.

2) Các tỉnh Thừa Thiên Huế, Đắk Nông, Thái Nguyên và TP Hồ Chí Minh dùng slogan và tiêu đề khác, chắc hẳn xuất phát từ chính việc xác định chủ đề và nội dung tương hợp với điều kiện của các địa phương đó. Song  sự thay đổi này cũng ít nhiều gợi lên một số suy nghĩ từ phía công chúng.

“Hãy sống và hy vọng” là một mẫu câu cầu khiến. Đó lời kêu gọi, yêu cầu, động viên hướng đến đối tượng đang ở trong tình thế bức bách, khẩn trương về mặt sinh tồn, bao gồm sự tồn tại của cơ thể sống hoặc sự ổn định tinh thần, hoặc cả hai. “Sống và Hy vọng” là một đoản ngữ với 2 từ đồng đẳng là “Sống” và “Hy vọng” làm vai trò một slogan. Nó gợi đến những chiều kích tốt đẹp của sự sống và niềm hy vọng của con người.

h2-1645024509.jpgẢnh tạp chí Hoà nhập

Chủ đề “Hãy sống và hy vọng” không sai, nhưng đã có phần không còn phù hợp với tình hình hiện nay. Văn bản của Hội Nhà văn do Chủ tịch Hội Nguyễn Quang Thiều ký vào ngày 28/10/2021, cách ngày Rằm tháng Giêng Nhâm dần (15/2/ 2022) hơn 3 tháng. Trong hơn 3 tháng đó, diễn biến dịch bệnh Covid 19 và cách thức đối phó với nó trên địa bàn cả nước cũng như trên toàn thế giới đã có rất nhiều thay đổi, mà cơ bản là đỉnh điểm của dịch bệnh đã đi qua, vắc xin, thuốc điều trị, cũng như các biện pháp ngăn ngừa, hỗ trợ, về căn bản đã giúp các quốc gia khống chế được đại dịch. Riêng ở Việt Nam, Chính phủ đã có những đánh giá tình hình lạc quan một cách đúng đắn và hướng dẫn các địa phương trong cả nước có các giải pháp thích hợp nhằm ổn định đời sống nhân dân, phát triển sản xuất và dần dần đưa cuộc sống trở lại “trạng thái bình thường mới”. Những thông tin mới nhất về tốc độ tiêm vắc xin khá nhanh trong cả nước, việc các em học sinh đang trở lại trường, các khu du lịch mở cửa đón du khách, các đường bay trong nước và quốc tế bắt đầu hoạt động trở lại… là những tín hiệu lạc quan đối với chúng ta trong mùa xuân này.

Dĩ nhiên, các Chính phủ và giới y học trên thế giới, trong đó có Việt Nam, không hề chủ quan, lơ là với các hiểm hoạ tiềm ẩn của dịch bệnh, mà đã có kịch bản sẵn sàng đối phó với diến biến phức tạp của nó.

Đêm thơ Nguyên tiêu “Sống và hy vọng” vào tối 14/2 và Festival Thơ Huế 2022 do Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức nhân Ngày thơ Việt Nam, tiếp nối vào tối 15/2 với chủ đề “Thơ Huế và di sản”, cho thấy sự nhạy bén trong nhận thức của các cơ quan lãnh đạo cũng như bề dày truyền thống của giới văn học nghệ thuật Thừa Thiên Huế- mảnh đất được mệnh danh là “xứ Thơ”.

Số liệu thống kê và các báo cáo của Bộ Y tế cho thấy Đắk Nông và Thái Nguyên là 2 trong số các địa phương có các biện pháp khống chế, ngăn ngừa lây lan của dịch bệnh covid 19 hiệu quả nhất. Vì vậy, giới lãnh đạo văn hoá, văn nghệ điều chỉnh để giảm nhẹ tính khẩn cấp trong chủ đề của đêm thơ Nguyên tiêu Nhâm dần 2022 mà Hội Nhà văn đưa ra, là hợp lý và rất đáng hoan nghênh. Việc nhà thơ Nguyễn Quang Thiều- Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam tham dự đêm thơ Nguyên tiêu tại Thái Nguyên với slogan “Sống và Hy vọng” cho thấy chủ đề mà Hội nhà văn đưa ra chỉ là gợi ý, và các địa phương hoàn toàn cho thể điều chỉnh cho phù hợp.

h4-1645024509.jpgẢnh từ trang tin du lịch Khám phá Huế

Thành phố Hồ Chí Minh là thành phố đông dân nhất nước đồng thời là đầu tàu về kinh tế, công nghệp, đã từng là tâm dịch, gây lo lắng cho Chính phủ và nhân dân cá nước. Tình hình dịch bệnh ở một số khu vực và trong một thời gian nhất định của thành phố Hồ Chí Minh có thể là nơi để ai đó đem ra dẫn chứng cho “khủng hoảng” trong đại dịch ở Việt Nam. Tuy nhiên, từ sự chỉ đạo quyết liệt của Trung ương Đảng và Chính phủ, những nỗ lực to lớn của ngành y tế, của Đảng bộ và chính quyền, và nhất là ý chí, sự đồng lòng của cán bộ và nhân dân, thành phố Hồ Chí Minh đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, từng bước đưa mọi hoạt động, đời sống trở lại bình thường, ổn định. Có lẽ Lễ hội Nguyên tiêu và Đêm thơ Việt Nam 2022 diễn ra vào tối 14/2, tại Công viên Văn Lang (Quận 5) do Ban tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn TP.HCM phối hợp cùng Trung tâm văn hóa Thành phố tổ chức là hoạt động văn hoá nghệ thuật sôi nổi nhất trong cả nước, diễn ra vào dịp Nguyên tiêu Nhâm Dần 2022. Cần phải dành một lời khen ngợi xứng đáng cho các cơ quan chỉ đạo và tổ chức sự kiện tại TP Hồ Chí Minh, vì họ đã chọn chủ đề “Xuân” nhằm nhấn mạnh đến sự hồi sinh mạnh mẽ, sức sống mãnh liệt của thành phố sau những ngày tháng đương đầu với thách thức, khó khăn.

Việc lựa chọn chủ đề và slogan cho các sự kiện chính trị- văn hoá có vai trò không nhỏ trong sự thành công cũng như tác động của các sự kiện đó, vì nó vừa định hướng nội dung, vừa hướng sự quan tâm của quần chúng theo chủ đích mà người tổ chức mong muốn. Nói cách khác, lựa chọn chủ đề và slogan là chìa khoá mở ra sự thành công của các sự kiện, vừa thể hiện bản lĩnh chính trị vừa cho thấy một cách rõ ràng nhất năng lực chuyên môn của các nhà tổ chức.

h1-1645024509.jpgẢnh tạp chí Văn nghệ Thái nguyên điện tử